Công nhân lao động thời hội nhập - Bài 3: Thách thức và cơ hội

DIỄM LỆ 28/10/2019 11:24

Hội nhập quốc tế mang lại cả cơ hội và thách thức đối với lao động (LĐ) của Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng. Khi LĐ có thể tự do di chuyển trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cơ hội việc làm rộng mở đối với LĐ trình độ cao. Người LĐ cần phải nâng cao mọi mặt để hội nhập, đó là xu thế tất yếu trong sự phát triển.

Lao động ngành sản xuất linh kiện ô tô phải học hỏi không ngừng để điều khiển được máy móc trong dây chuyền sản xuất hiện đại. Ảnh: D.L
Lao động ngành sản xuất linh kiện ô tô phải học hỏi không ngừng để điều khiển được máy móc trong dây chuyền sản xuất hiện đại. Ảnh: D.L
Cơ hội đi cùng thách thức

Trong xu thế hội nhập, 8 ngành nghề LĐ trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. Vì thế mà nguồn nhân lực chất lượng cao có thể di chuyển đến nhiều nước, nhất là khi các doanh nghiệp (DN) lớn, có tiếng tăm đến đầu tư vào Quảng Nam thì nguồn LĐ vào tỉnh cũng sẽ tăng theo. Đặc biệt, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì việc hội nhập về LĐ sâu rộng hơn.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi đất nước hội nhập người LĐ có cơ hội học hỏi tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, từ đó nâng cao trình độ tay nghề. Cơ hội nghề nghiệp, việc làm được rộng mở, nguồn thu nhập cao hơn. Và khi đó, LĐ Việt Nam được rèn luyện kỹ năng làm việc trong môi trường hiện đại, cải thiện năng suất lao động tốt hơn. Tuy nhiên, CPTPP cũng tạo nên một áp lực lớn đối với người LĐ nói riêng và thị trường LĐ của đất nước nói chung. Ông Hiểu phân tích: “Hiện nay nguồn nhân lực của Việt Nam dồi dào nhưng chất lượng chưa cao, LĐ kỹ thuật còn hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu chất lượng chung của khu vực và quốc tế. Hội nhập cũng sẽ là cạnh tranh giữa các ngành, lĩnh vực, DN trong và ngoài nước, có thể dẫn tới tái cơ cấu DN, giảm bớt LĐ, một bộ phận LĐ sẽ mất việc làm, nhất là ngành nhiều LĐ như dệt may, da giày, thủy sản. Sự dịch chuyển LĐ cũng sẽ mạnh mẽ hơn theo xu hướng từ nông thôn ra thành thị, gây áp lực lớn về giải quyết việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng và những vấn đề xã hội khác. Quảng Nam cũng như tất cả tỉnh thành khác đều cần phải có sự chuẩn bị cho thời điểm mở cửa này”.

Dệt may là một trong những ngành có nguy cơ bị tác động nhiều nhất trong bối cảnh hội nhập.
Dệt may là một trong những ngành có nguy cơ bị tác động nhiều nhất trong bối cảnh hội nhập.

Đối với người LĐ, ông Ngọ Duy Hiểu cũng chỉ ra rằng có tác động tiêu cực khi hội nhập. Khoa học công nghệ phát triển đồng nghĩa với việc sử dụng máy móc, robot thay thế con người ngày càng gia tăng. Điều này làm thay đổi bản chất của việc làm, sẽ làm một số công việc biến mất hoặc sử dụng ít LĐ, dẫn đến một bộ phận người LĐ mất việc làm. Chất lượng nguồn nhân lực thay đổi theo hướng trở thành những chuyên gia ở lĩnh vực họ đang làm, nên cần phải có sự chuẩn bị về nhân lực để đón làn sóng đầu tư đang đến. Một loạt ngành nghề có thể chịu sự tác động mạnh được ông Hiểu chỉ ra như ngân hàng, thương mại, dịch vụ, giải trí, viễn thông, giao thông công cộng, điện tử, và cả nông nghiệp.

Hợp tác đào tạo nhân lực

Nghiên cứu của Tổ chức lao động Quốc tế ILO đã dự báo 86% LĐ ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ bị mất việc trong 15 năm tới. Hiện nay ngành dệt may đang tạo việc làm cho 2,3 triệu người (78% là LĐ nữ, 17% có trình độ tiểu học); ngành da giày tạo việc làm cho 1 triệu người (74% là LĐ nữ, 26% có trình độ tiểu học). Trong 10 năm tới, 70% số việc làm có rủi ro cao, 18% có rủi ro trung bình và 12% có rủi ro thấp. Các rủi ro được hiểu là những công việc có thể bị thay thế bởi máy móc tự động hóa. Ngành nghề rủi ro cao nhất gồm nông - lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ. Ngay cả những công việc trong ngành nông nghiệp truyền thống của nước ta cũng có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc và thiết bị tự động, gồm trồng trọt, chăn nuôi, làm vườn, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Trong bối cảnh hiện nay, số lượng vị trí việc làm của Quảng Nam đã tăng lên hơn 5% nhưng LĐ lại thiếu hụt, nhất là LĐ có trình độ tay nghề cao. Trong giai đoạn mới đầu tư vào tỉnh, bắt buộc các DN phải mang theo nhân sự đã được đào tạo đến làm việc. Chẳng hạn như dự án Khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Nam Hội An hay Vinpearl Nam Hội An... cần đến hơn 8.000 LĐ liên quan các ngành nghề về du lịch, dịch vụ.  Cơ hội việc làm mở ra cho LĐ của tỉnh, nhưng họ chỉ đáp ứng được những vị trí việc làm giản đơn. Thời gian đầu, nhà đầu tư phải mang theo bộ khung nhân lực đã lành nghề đến để hoạt động dự án. Chiến lược lâu dài cần phải đào tạo nhân lực tại chỗ. Và Công ty TNHH phát triển Nam Hội An đã phối hợp thành lập Trung tâm Đào tạo nhân lực HOIANA tại huyện Duy Xuyên, nhằm đào tạo nhân lực cho dự án Nam Hội An trước mắt, và lâu dài là trung tâm đào tạo nhân lực ngành du lịch cho cả tỉnh. Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật & du lịch tỉnh hợp tác với Nam Hội An đào tạo lao động ngành du lịch. Hai bên ký kết biên bản hợp tác đào tạo. Cụ thể về phía Nam Hội An sẽ hỗ trợ đào tạo thông qua cung cấp các đối tác chuyên đào tạo về dịch vụ khách sạn đảm bảo tiêu chuẩn của Nam Hội An và tạo cơ hội việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp; hỗ trợ Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật và du lịch về phát triển chuyên môn của giáo viên và các chương trình giảng dạy liên quan. Đối với Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật & du lịch tỉnh, nhiệm vụ chính thông qua Trung tâm đào tạo nghề du lịch Duy Xuyên, cung ứng dịch vụ tuyển sinh đảm bảo số lượng và chất lượng theo yêu cầu của dự án, dịch vụ quản trị hành chính và đào tạo cho dự án. Nam Hội An phải trả phí cung cấp dịch vụ trên cho nhà trường, nếu đảm bảo chất lượng dịch vụ và hoàn thành công việc theo yêu cầu của dự án.

Hoặc như Trường Đại học Quảng Nam đã ký kết với 6 DN du lịch (khách sạn Bàn Thạch, Mường Thanh, La Merci Đà Nẵng, khu du lịch Phú Ninh, khu du lịch Tam Thanh, Công ty Du lịch Quảng Nam) để đào tạo nhân lực. Theo bà Vũ Thị Phương Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam, việc hợp tác này sẽ giúp sinh viên được đào tạo kỹ năng tốt hơn trong môi trường làm việc thực tế tại các DN, khu du lịch. Hàng năm DN sẽ tiếp nhận và tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên nhà trường đến tham quan, thực tập thực tế tại đơn vị; sẵn sàng cung cấp thông tin tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng sinh viên nhà trường vào làm việc bán thời gian và toàn thời gian theo nhu cầu; tham gia đóng góp ý kiến về chương trình đào tạo, tham dự hội thảo khoa học, hội chợ việc làm thường niên do nhà trường tổ chức…

Các trường nghề trong toàn tỉnh cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Họ phải vận động tự thân để tồn tại trong xu thế chung. Hợp tác với DN trong và ngoài nước để tạo cơ hội việc làm, đào tạo kỹ năng cho LĐ cũng là tạo cơ hội tồn tại cho mỗi cơ sở đào tạo nghề trong thời buổi hội nhập, nhất là trong quá trình tiến đến tự chủ tài chính hoàn toàn. Sự hợp tác giữa nhà trường và DN đang diễn ra ở tất cả ngành nghề kỹ thuật, công nghệ, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp... Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam đã tổ chức một số hội thảo quốc tế về hợp tác đào tạo với một số trường cao đẳng tại Thái Lan, Lào, Campuchia, tạo điều kiện để chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại trường. Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam đã tiếp nhận và triển khai thực hiện Dự án “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn văn hóa tại Quảng Nam” do Chính phủ Ý tài trợ, đón các tổ chức quốc tế từ các nước Ý, Hàn Quốc đến khảo sát và đặt vấn đề hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ.

DIỄM LỆ