Giữ chân lao động miền núi

DIỄM LỆ 04/10/2019 15:37

Để lao động miền núi sau khi được đào tạo nghề may gắn bó công việc tại công ty, xí nghiệp với môi trường công nghiệp là điều không dễ dàng, cần sự nỗ lực từ chính bản thân người lao động và đồng hành của đơn vị nơi họ làm việc.

Cơlâu Rem đã làm việc tại Công ty CP Thời trang Nguồn Lực hơn 6 tháng qua. Ảnh: D.L
Cơlâu Rem đã làm việc tại Công ty CP Thời trang Nguồn Lực hơn 6 tháng qua. Ảnh: D.L

Thích ứng môi trường mới

Cơlâu Rem cùng bạn là Cơlâu Nam (xã Tr’Hy, Tây Giang) đã gắn bó với máy may, xưởng sản xuất của Công ty CP Thời trang Nguồn Lực (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) được 6 tháng. Thời gian đầu, Cơlâu Rem và Cơlâu Nam không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lo lắng khi thay đổi môi trường sống, nhất là từ miền núi xuống làm việc trong môi trường công nghiệp. Đi cùng đợt với Rem và Nam có hơn 10 người nhưng những người khác đã quay về quê vì không thích ứng được với môi trường làm việc mới.

Cơlâu Rem tâm sự: “Lúc đi học ở trường, thầy cô đã giúp chúng tôi hình dung ra khi làm việc công nghiệp sẽ như thế nào, mọi thứ đều phải nghiêm túc, kỷ luật khắc khe. Nhưng khi chính thức vào làm việc tôi vẫn không tránh khỏi lo lắng, sợ làm sai không có người chỉ bảo như lúc còn học tại trường. Rất may, các anh chị kỹ thuật và quản lý hiểu lao động mới chưa rành nghề, nên hướng dẫn tận tình. Một yếu tố quan trọng nữa là phải mạnh dạn hỏi những chỗ còn lúng túng để người có kinh nghiệm chỉ bảo để nhanh chóng tiếp cận thực tế công việc dễ dàng và thuận lợi".

Trước đây, Cơlâu Rem từng học trung cấp mầm non tại TP.Tam Kỳ nhưng không xin được việc làm đúng ngành học. Sau đó, Rem được cán bộ xã Tr’Hy đến nhà vận động nên tiếp tục đăng ký học nghề và có việc làm ngay. Đã 6 tháng vào xưởng may, tay nghề của Rem chưa thể thành thạo như những người khác, nhưng nguồn thu nhập ổn định với mức được 5 triệu đồng/tháng. Vì từng đi học xa nhà, nên Rem thuận lợi hơn lao động miền núi khác trong việc thích ứng cuộc sống mới. Rem chia sẻ, để gắn bó lâu dài với công việc, ngoài tay nghề còn gắn kết với lao động cùng quê để sẻ chia khó khăn trong cuộc sống. Điều này rất quan trọng, góp phần động viên nhau phấn đấu vì một tương lai không phải cưới chồng sớm, sinh con sớm và luẩn quẩn đói nghèo.

Những người đồng hành

Đến từ xã Trà Nú (Bắc Trà My), Nguyễn Thị Nhí đã gắn bó hơn 1 năm với xưởng may tại Công ty Panko Tam Thăng (TP.Tam Kỳ). Vào làm việc, có những lần công ty xảy ra ngưng việc tập thể, khiến một số bạn bè đi cùng bỏ việc về quê. Những lần như thế, Nhí nhận được sự động viên của thầy cô đã từng dạy nghề may cho mình. Rồi vì cơm áo, vì ước mong thoát cảnh nương rẫy, Nhí kiên trì bám trụ với nghề, thu nhập hiện nay gần 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Nhí còn được bố trí chỗ ở tại ký túc xá của công ty vừa an toàn, lại đỡ chi phí thuê nhà.

Nguyễn Thị Nhí cho hay: “Lúc được nhận vào làm việc tại Công ty Panko Tam Thăng tôi rất lo, không biết tay nghề có đáp ứng được nhu cầu ở môi trường chuyên nghiệp hay không. Bên cạnh nỗ lực bản thân, tôi được đồng nghiệp thạo việc và nhất là chị kỹ thuật chỉ dẫn tận tình. Giờ tay nghề của tôi khá thành thạo, nhưng vẫn phải học thêm nữa để làm nhanh hơn, năng suất cao hơn, kéo theo đó lương sẽ tăng vì ăn theo sản phẩm. Được học nghề và bố trí công việc, thu nhập ổn định nên tôi có thể tiết kiệm gửi về quê phụ giúp cha mẹ lo các em ăn học”.

Ở nhà, ba mẹ Nhí chỉ làm nương rẫy, thu nhập bấp bênh, lúc đủ ăn, lúc mất mùa. Cùng trang lứa như Nhí, có người đã có chồng ẵm con, rồi cũng luẩn quẩn nương rẫy, cái nghèo lại bu bám. Nhí nhớ hồi mới chọn đi học nghề may để đi làm xa nhà, ba mẹ lo lắng muốn Nhí quay về. Để ba mẹ yên tâm, tranh thủ cuối tuần được nghỉ học Nhí thường xuyên về nhà. Tết đầu tiên Nhí về quê sau hơn 6 tháng đến với xưởng may, thấy Nhí trưởng thành hơn, ba mẹ Nhí vui mừng và ủng hộ quyết định đúng đắn của con gái.

DIỄM LỆ