Cơ hội việc làm cho lao động nông thôn
Việc tổ chức sàn giao dịch việc làm tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đồng thời mở ra nhiều lựa chọn, định hướng tương lai cho lực lượng lao động trẻ.
Sàn giao dịch việc làm tổ chức tại Nông Sơn cũng như các địa phương khác sẽ tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. |
Cầu nối…
Ngay từ sáng sớm, đông đảo lao động tại huyện Nông Sơn đã đến sàn giao dịch việc làm để tìm hiểu thông tin và tìm kiếm cho mình một cơ hội làm việc. Lặn lội gần 20 cây số, chị Nguyễn Thị Năm (thôn Cấm La, xã Quế Lâm) đến sàn giao dịch từ sớm và trao đổi với đại diện các đơn vị tuyển dụng lao động, tìm hiểu cặn kẽ về nghề may mặc. Chị Năm có 3 con nhỏ, nhà không có đất nông nghiệp nên lâu nay vợ chồng chị phải làm thuê nuôi con. Đến với sàn giao dịch việc làm, chị hy vọng có thể tìm được một công việc ổn định, có thu nhập để nuôi con ăn học. “Sau khi nghe đại diện của Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng tư vấn, giới thiệu, tôi thấy rất mừng. Trước đây tôi chưa từng làm nghề may, nhưng theo như công ty giới thiệu sẽ đào tạo trong vòng một tuần với mức hỗ trợ 60.000 đồng/ngày, sau đó sẽ được nhận vào làm việc tại công ty. Đây là một cơ hội rất tốt cho tôi cũng như nhiều lao động nông thôn để có được một công việc ổn định, phù hợp với bản thân” - chị Năm tâm sự.
Không riêng gì lao động phổ thông, nhiều bạn trẻ có trình độ cũng đến tham gia sàn giao dịch việc làm với mong muốn tìm cho mình công việc phù hợp. Chị Uông Thị Hân (23 tuổi) tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành sư phạm hơn một năm. Thời gian qua, chị Hân có tham gia hai đợt thi tuyển viên chức giáo dục do Sở GD-ĐT tỉnh tổ chức nhưng không trúng tuyển. Khi nghe địa phương thông báo mở sàn giao dịch việc làm, chị Hân tham gia để có cơ hội trao đổi trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng. Chị Hân chia sẻ: “Sàn giao dịch việc làm diễn ra trong không khí cởi mở, vui vẻ. Các anh chị ở trung tâm tư vấn rất nhiệt tình. Qua tư vấn, tôi nắm rõ hơn các thông tin về nhu cầu việc làm của xã hội, đặc biệt là quyền lợi, thu nhập khi xuất khẩu lao động nên càng yên tâm hơn cho dự định xuất khẩu lao động sang Nhật của mình”.
Mở ra cơ hội việc làm
Do nhu cầu mở rộng sản xuất, đầu năm 2018 Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Đồng Nai) sẽ mở khu phức hợp sản xuất sợi thép, nguyên liệu lốp ô tô với diện tích 103ha (theo nhiều giai đoạn) tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ). Ông Phạm Văn Thiện - Trưởng phòng nhân sự Công ty Hyosung Việt Nam cho biết, công ty sẽ tuyển 700 - 800 lao động, ưu tiên cho người địa phương với mong muốn đội ngũ lao động này gắn bó lâu dài với công ty. Tương tự, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch năm nay tại Nông Sơn rất cao, chủ yếu là lao động phổ thông. Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động hoạt động đa dạng ngành nghề như: may mặc, cơ khí, điện tử... Ông Lê Văn Tăng - Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton tại Khu công nghiệp Đông Quế Sơn cho hay, đầu năm 2018 công ty cần tuyển 1.000 lao động phổ thông vào học việc may và 500 lao động phụ trợ khác. Môi trường làm việc tại công ty tốt, máy móc, thiết bị hiện đại, thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng tùy theo năng lực, ngoài ra còn có các chế độ và phụ cấp khác để người lao động yên tâm làm việc.
Hiện nay, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động ở vùng nông thôn rất cao nhưng lại ít được tiếp cận thông tin về thị trường lao động. Với mô hình “người tìm việc - việc tìm người”, việc đưa sàn giao dịch việc làm về cơ sở giúp tạo ra môi trường để các doanh nghiệp gặp gỡ người lao động, người lao động nắm được thông tin về việc làm. “Việc tổ chức sàn giao dịch việc làm giúp người dân nắm thông tin và tìm được việc làm phù hợp với sức khỏe, năng lực, điều kiện bản thân. Qua đó, người lao động tạo được nguồn thu nhập, ổn định kinh tế gia đình, góp phần thực hiện tốt chủ trương giảm nghèo trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói.
TÂM LÊ - MINH THÔNG