Nguy cơ thiếu hụt hơn 20.000 lao động đã qua đào tạo vào năm 2030
(QNO) - Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động đã qua đào tạo, nguy cơ lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản (chiếm gần một nửa tổng số lao động cả tỉnh) bị “bỏ lại sau lưng”; nguy cơ thiếu hụt hơn 20.000 lao động đã qua đào tạo đến năm 2030 là thông tin được mổ xẻ tại hội thảo khoa học "Dự báo và phát triển nguồn nhân lực của các ngành kinh tế kỹ thuật của tỉnh Quảng Nam", do Đại học Đà Nẵng phối hợp Sở KHCN tổ chức chiều 7.12.
Hội thảo đã làm rõ vai trò của nguồn nhân lực Quảng Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những biến động của các doanh nghiệp trong các ngành kinh tế kỹ thuật chủ yếu Quảng Nam. Các nhà nghiên cứu cũng dự báo thực trạng cung cầu nguồn nhân lực, dự báo cung cầu nguồn nhân lực Quảng Nam đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 1997-2016, kinh tế Quảng Nam tăng trưởng liên tục, bình quân 11,24%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của khu kinh kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp - xây dựng tăng hơn 29 lần; khu vực dịch vụ tăng gần 10 lần; nông - lâm - thủy sản của tỉnh tăng 1,8 lần, ở thời điểm năm 2016. Tỷ lệ lao động tăng bình quân hằng năm giai đoạn 1997-2016 là 1,76%/năm và có xu hướng giảm dần. Trong đó, lao động thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng bình quân mỗi năm 8,6%, khu vực dịch vụ tăng gần 5,6%/năm và cũng đang có xu hướng giảm.
Cơ cấu lao động cũng chuyển dịch tích cực nhưng còn chậm. Lao động thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản giảm từ 78,22% xuống còn 48,8%. Năng suất lao động của tỉnh đạt 83,1 triệu đồng/lao động. Đóng góp của lao động vào sự tăng trưởng kinh tế còn thấp. Cơ cấu lao động của nền kinh tế chưa bền vững. Đáng nói, dù chiếm gần nửa tổng số lao động của cả tỉnh nhưng năng suất lao động lĩnh vực nông - lâm - thủy sản còn thấp, chỉ làm ra 13% sản lượng. Qua phân tích cung cầu nguồn lao động, các nhà nghiên cứu chỉ ra, nguồn cung và cầu lao động đều tăng, tuy nhiên lao động có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và nghề hiện nay trong toàn bộ nền kinh tế mới đạt 18,2%, thấp so với yêu cầu. Theo dự báo, tương lai sẽ thiếu hụt lao động vào năm 2024, và tỉnh sẽ thiếu hụt hơn 20.000 lao động vào năm 2030, nếu thiếu giải pháp kịp thời để cân đối cung cầu.
HOÀNG LIÊN