Lao động đẳng cấp, tìm đâu ra?

Thực hiện chuyên đề: VĨNH LỘC 21/10/2017 06:53

(QNO) - Hơn 5 năm trở lại đây, du lịch Quảng Nam tăng trưởng với tốc độ bình quân hơn 10%/năm. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực cao cấp, có chất lượng, vẫn trong tình trạng thiếu hụt, chắp vá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, khiến các doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo để bù đắp. Giải pháp nào cho bài toán này?

YẾU VÀ THIẾU

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 12 nghìn người hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch. Hầu hết là lao động cấp thấp và lao động phổ thông. Dù phần lớn trong đó đã từng qua đào tạo tại các cơ sở du lịch, dạy nghề hoặc các trường trung cấp, cao đẳng, đại học… nhưng khi tiếp cận thực tế đều không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Yếu chuyên môn, thiếu kỹ năng

Hiện nay, tại Quảng Nam có hơn 500 đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan đến du lịch như nhà hàng, khách sạn, lữ hành… thu hút khoảng 12 nghìn lao động. Dự báo những năm tới nhu cầu tuyển dụng lao động ngành du lịch sẽ tiếp tục tăng mạnh, nhất là khi các dự án phía nam cầu Cửa Đại hoàn thành. Khảo sát tại Hội An cho thấy, mỗi năm nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp tăng khoảng 10%, tập trung vào lĩnh vực lưu trú, nhà hàng và những dịch vụ thương mại liên quan đến du lịch. Bên cạnh nguồn lao động phổ thông thì nguồn nhân lực quản lý chuyên ngành chất lượng cao cũng rất khan hiếm.

Thực tế, phần lớn khách sạn tầm 3 sao trở lên trên địa bàn Hội An luôn đối diện tình trạng thiếu hụt nhân lực có chất lượng, chủ yếu nhân sự biết ngoại ngữ. Theo ông Trương Minh Toàn – Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị, khách sạn Palm Garden, nguồn nhân lực tại Palm Garden hiện chỉ mới đáp ứng khoảng 80% yêu cầu công việc. Ngoài chuyên môn nghiệp vụ thì yếu tố ngoại ngữ, nhất là các ngoại ngữ “hiếm” như Nhật, Hàn, Trung… của các lao động là khá hạn chế. Nguồn nhân lực trung và cao cấp càng khan hiếm hơn. Nguyên nhân du lịch phát triển quá “nóng” cùng sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp dẫn đến nguồn cung cấp nhân lực không theo kịp. Dù số lượng sinh viên ra trường hàng năm đông nhưng ước chỉ 30 - 40% có thể đáp ứng bước đầu về chuyên môn của doanh nghiệp, chưa kể yêu cầu kỹ năng công việc. “Du lịch là một ngành kinh tế đặc thù nên đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ nghiệp vụ, ngoại ngữ đến chuyên môn, cách thức giao tiếp… nên không chỉ cần có trình độ mà còn cần thời gian tiếp cận. Trong khi các khách sạn ra đời ngày một nhiều, nguồn nhân lực không thể đáp ứng đủ nhu cầu trong khoảng thời gian ngắn. Nếu doanh nghiệp không tự đào tạo nhân sự kế thừa thì chủ yếu vẫn là sự chuyển dịch nhân lực qua lại giữa các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của đơn vị” - ông Toàn phân tích. 

Ngày càng nhiều cơ sở du lịch ra đời trong khi nguồn nhân lực du lịch thiếu thốn.Ảnh: VĨNH LỘC
Ngày càng nhiều cơ sở du lịch ra đời trong khi nguồn nhân lực du lịch thiếu thốn.Ảnh: VĨNH LỘC

Tại Palm Garden thông thường một nhân viên mới nhận vào phải trải qua từ 6 tháng đến 1 năm mới có thể nắm bắt công việc. Chưa kể quá trình đào thải cũng khá lớn, khoảng 40 - 50%. Người lao động không chỉ am hiểu chuyên môn mà còn phải nắm vững hệ thống quy trình quản lý của mỗi bộ phận công việc của mình. Không riêng Palm Garden, tại một số khách sạn 4 sao khác như Mường Thanh Hội An, Phú Thịnh Resort, Sunrise Resort… cũng đối diện với sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng. Bà Hứa Thị Anh - Tổng Giám đốc khách sạn Phú Thịnh (Hội An) cho biết, hầu như các bộ phận đều thiếu hụt lao động, nhất là bộ phận pha chế, bếp… dù mức lương ưu đãi nhưng cũng khó tuyển dụng được nhân viên ưng ý. Với các đơn vị lữ hành, tuy sự chuyển dịch lao động không lớn nhưng nguồn nhân lực thiếu hụt chủ yếu tập trung vào các bộ phận quản lý, kinh doanh, hướng dẫn…

“Chảy máu” nhân lực cao cấp

Không chỉ khan hiếm lao động phổ thông, doanh nghiệp du lịch Quảng Nam cũng đối diện với nguy cơ mất người, đặc biệt là nhân lực trung cấp và cao cấp, trước sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp du lịch. Sự tranh giành này không chỉ diễn ra trong nội bộ doanh nghiệp Hội An mà còn cạnh tranh cả với Đà Nẵng và sắp đến là Nam Hội An khi một số dự án du lịch lớn nơi này đi vào hoạt động cuối năm 2018. Theo ông Nguyễn Thanh Long - nhà đầu tư khách sạn Nhà Cổ (Hội An), nguồn nhân lực cao cấp thiếu rất nghiêm trọng. Doanh nghiệp không chỉ lo tuyển dụng, đào tạo mà còn phải tìm cách giữ lao động trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh. Tại khách sạn Nhà Cổ, việc tuyển dụng nguồn nhân lực cao cấp phải mở rộng ra Đà Nẵng, Huế, kể cả hai đầu đất nước… “Chỉ một nhân sự cao cấp chuyển dịch thì cũng dẫn đến sự chuyển động của cả bộ phận và hệ thống. Do đó, chúng tôi giữ và tuyển dụng nhân sự cao cấp thông qua chế độ lương thưởng và môi trường làm việc tốt” - ông Long cho biết.

Có thể thấy sự bùng nổ của nhiều dự án đầu tư tại Hội An và sắp tới là phía nam trong khi lao động đào tạo ra trường hàng năm không đáp ứng được nhu cầu thực tế, vừa mang đến cơ hội cho người lao động chất lượng nhưng cũng tạo áp lực lên doanh nghiệp. Ông Trương Minh Toàn cho biết, chỉ riêng tại Palm Garden hầu như tháng nào cũng có vài nhân sự nghỉ hoặc chuyển sang các công ty khác. Riêng bộ phận kinh doanh, bình quân mỗi năm số nhân sự dịch chuyển khoảng 20%. Tuy nhiên, điều này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cho người lao động vì đơn vị mới đòi hỏi những kỹ năng mới cũng cao hơn. “Rất khó giữ được nhân sự vì nhu cầu thị trường quá cao, nhiều nơi thậm chí trả lương cao gấp đôi để thu hút nhân lực” - ông Toàn nhìn nhận.

Tình trạng “săn đầu người” còn diễn ra giữa các địa phương lân cận, kể cả các trung tâm du lịch trong nước và nước ngoài, dẫn đến sự dịch chuyển nhân sự giữa các vị trí, doanh nghiệp và địa phương cũng mạnh mẽ hơn. “Một khách sạn mới ra đời hầu như họ đều nhắm vào nhân sự các cấp của khách sạn khác theo kiểu cạnh tranh giành giật nhân viên. Ở Việt Nam hệ thống dịch vụ “săn đầu người” có danh sách hàng trăm công ty, họ dựa vào các mạng xã hội và các nguồn thông tin để nắm bắt hồ sơ, nếu doanh nghiệp bỏ tiền yêu cầu, họ sẽ sẵn sàng “đi săn”. Do vậy, phần lớn doanh nghiệp lớn luôn có một bộ phận đào tạo riêng để tự đào tạo nhân lực kế thừa. Bởi nhu cầu thị trường quá cao nên không chỉ Việt Nam bị cạnh tranh mà một số nước Đông Nam Á cũng bị những tập đoàn lớn tổ chức “săn” người tại các quốc gia họ đến đầu tư” - ông Toàn tiết lộ.

THÚC ĐẨY LIÊN KẾT

Mối liên kết 3 nhà giữa quản lý, nhà trường và doanh nghiệp dù luôn được nêu ra trong các hội thảo, hội nghị du lịch nhưng thực tế vẫn chưa đạt hiệu quả.

Nhân lực du lịch Quảng Nam không theo kịp tốc độ phát triển của du lịch.Ảnh: VĨNH LỘC
Nhân lực du lịch Quảng Nam không theo kịp tốc độ phát triển của du lịch.Ảnh: VĨNH LỘC

Có nhiều nguyên nhân khiến câu chuyện giữa đào tạo và tuyển dụng của doanh nghiệp và nhà trường khó tiệm cận. Bên cạnh việc đào tạo thiên về lý thuyết, ít thực hành, phương pháp, giáo trình giảng dạy xa rời thực tế thì ngay các chuyên ngành đào tạo cũng rất mơ hồ không cụ thể, chủ yếu đào tạo sinh viên ra trường với ngộ nhận làm quản lý, mặc dù đa số sinh viên kỹ năng về ngoại ngữ, giao tiếp, quản lý rất yếu. Đặc biệt, không phải giáo viên nào cũng qua trải nghiệm thực tế du lịch nên dẫn đến cách thức và phương pháp giảng dạy không sát thực tế. Theo ông Đoàn Hải Đăng – Giám đốc Vietravel, chi nhánh Đà Nẵng, những mã ngành đào tạo theo kiểu Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Quản trị lữ hành, Văn hóa du lịch, Kinh tế du lịch… như hiện nay là khá mơ hồ và không trọng tâm nên khó cho doanh nghiệp tuyển dụng vì không thể bố trí vào công việc nào, dù mỗi năm các trường, cơ sở đào tạo ở Đà Nẵng và Quảng Nam có hàng nghìn sinh viên ra trường. “Sinh viên học theo ngành này làm nhân viên không được vì chuyên môn chưa sâu, làm quản lý càng không thể do thiếu các kỹ năng về quản lý, kinh nghiệm điều hành, chưa kể kỹ năng về ngoại ngữ, giao tiếp” - ông Đăng nhận xét. Một nguyên nhân không thể không nhắc đến chính là việc dự báo, định hướng tăng trưởng du lịch, phát triển thị trường khách dường như vẫn chưa được ngành du lịch thực hiện tốt, mà chỉ theo kiểu nóng đâu phủi đó. Nhà trường tự đào tạo theo mã ngành đăng ký và theo giáo trình biên soạn sẵn, còn doanh nghiệp tự xoay sở với nhu cầu lao động của mình. Nên khi có sự tăng trưởng nóng của một thị trường khách như thời gian qua (Hàn Quốc, Trung Quốc…) thì hầu như tất cả lúng túng trong việc tìm nguồn nhân lực phục vụ.

Để tạo nguồn nhân lực, bước đầu đã xuất hiện những mô hình liên kết như nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng doanh nghiệp; mời nhân sự cao cấp doanh nghiệp đến giảng dạy tại các trường hoặc đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp… Đây cũng là cách tốt nhất để doanh nghiệp kiểm tra được chất lượng nguồn lao động tương lai của mình. Hiện các trường tại Quảng Nam như Đại học Phan Châu Trinh, Đại học Quảng Nam hay Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch Quảng Nam… đã và bắt đầu có những chương trình phối hợp, liên kết với đối tác doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.

Mới đây nhất là việc Trường Đại học Quảng Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với khách sạn Mường Thanh (Tam Kỳ). Theo đó, trường sẽ đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên khách sạn Mường Thanh; cử giảng viên và sinh viên tham gia các sự kiện liên quan đến chuyên ngành văn hóa, du lịch khi có yêu cầu của khách sạn; hỗ trợ việc tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn phù hợp với yêu cầu của khách sạn. Hàng năm, khách sạn Mường Thanh sẽ tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên Trường Đại học Quảng Nam đến tham quan thực tế tại khách sạn; tiếp nhận và tạo điều kiện để sinh viên kiến tập và thực tập, kể cả làm bán thời gian nếu khách sạn có nhu cầu… Theo thạc sĩ Trần Văn Anh - Trưởng khoa Văn hóa du lịch, Trường Đại học Quảng Nam, không phải bây giờ việc liên kết với doanh nghiệp mới được triển khai mà trước đây nhà trường cũng đã hợp tác cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam với tư cách là một thành viên của hiệp hội. Thông qua hiệp hội, sinh viên đã đi thực tập tại các khách sạn ở Hội An. Việc hợp tác với Mường Thanh hiện nay được nâng cao, toàn diện hơn theo kiểu hợp tác hai chiều và có lợi ích lâu dài hơn. Đặc biệt, để đưa quá trình đào tạo sát thực tế, thời gian qua Khoa văn hóa du lịch cũng đã xây dựng chương trình đào tạo nghề gắn với thực hành thực tế tại doanh nghiệp. “Nếu trước đây thiên về lý thuyết thì bây giờ 30 – 40% sinh viên sẽ đi thực hành tại các điểm du lịch và doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngoài ra, khoa cũng sẽ mời doanh nghiệp tham gia xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo xem có phù hợp với thực tế doanh nghiệp không”. Hiện Khoa du lịch có 6 lớp chuyên ngành du lịch, bình quân mỗi năm khoảng hơn 200 sinh viên ra trường    

Theo bà Lê Thị Châu Trinh - Trưởng phòng Quản lý lưu trú (Sở VH-TT&DL), bên cạnh các giải pháp như thực hiện việc liên kết với các trường ngoài tỉnh có uy tín, chất lượng để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về nghề du lịch, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch Quảng Nam cũng cần đầu tư cơ sở vật chất, phấn đấu đến năm 2018 nâng cấp thành trường cao đẳng, cùng với đó sẽ đăng ký mở một số mã ngành đào tạo về nghề du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu trong vài năm tới. Mục tiêu ngành đưa ra là phấn đấu đến năm 2020, hơn 90% lao động tại các cơ sở du lịch trong tỉnh được đào tạo, tập huấn kỹ năng nghề cơ bản, thiết yếu như nghiệp vụ lễ tân, buồng, bếp, phục vụ bàn, thuyết minh viên. Phấn đấu đến năm 2025 và những năm tiếp theo cơ bản hình thành được đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.

DOANH NGHIỆP TỰ XOAY XỞ

Để đảm bảo hoạt động kinh doanh cũng như bù đắp sự thiếu hụt nhân sự do quá trình dịch chuyển lao động gây ra, hầu hết doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đều có những cách làm của riêng mình, nhưng chủ yếu vẫn là tự đào tạo.

Nhân lực du lịch phải thường xuyên được tập huấn, nâng cao tay nghề.Ảnh: VĨNH LỘC
Nhân lực du lịch phải thường xuyên được tập huấn, nâng cao tay nghề.Ảnh: VĨNH LỘC

Tự đào tạo và đào tạo lại

Khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2016 cho thấy, trong số các loại hình kinh doanh du lịch như lữ hành, vận chuyển, nhà hàng… thì dịch vụ lưu trú thu hút nhiều lao động nhất với khoảng 65%, chủ yếu rơi vào những bộ phận như buồng phòng, lễ tân, an ninh khách sạn… Khảo sát cũng chỉ ra khoảng 29% lao động có trình độ cao đẳng, đại học hoặc trên đại học, đa số còn lại được đào tạo ngắn hạn hoặc không có bằng cấp nên hầu hết doanh nghiệp khi tiếp nhận lao động phải tiến hành đào tạo lại, nhất là các bộ phận buồng phòng, lễ tân, nhân viên phục vụ…    

Thực tế, đào tạo và đào tạo lại đã trở thành công việc thường xuyên của nhiều doanh nghiệp du lịch hiện nay. Theo bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc điều hành khách sạn Đèn Lồng, không chỉ nhân viên mới, lao động dù có chuyên môn, kinh nghiệm thì khách sạn cũng đều tổ chức bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên để thích ứng yêu cầu dịch vụ ngày càng cao. Việc đào tạo diễn ra khá liên tục nhưng mạnh nhất trong mùa thấp điểm khách quốc tế (tháng 5 - 9). Theo đó, giám đốc điều hành đào tạo các trưởng bộ phận, sau đó các trưởng bộ phận về đào tạo lại cho nhân viên mình. “Không ít nhân viên mình đào tạo biết nghề xong là chuyển sang nơi khác làm. Bây giờ lao động chuyển việc phải gọi là “bay” chứ không còn là “đi” sang chỗ khác nữa vì tốc độ dịch chuyển quá nhanh” - bà Thanh dí dỏm. Bình quân mỗi năm khoảng 20% nhân viên tại khách sạn Đèn Lồng chuyển việc.

Có thể thấy, phần lớn doanh nghiệp lớn tại Hội An, công tác đào tạo diễn ra không ngừng nghỉ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách và công việc. Các khách sạn ngoài tận dụng đội ngũ nhân sự cao cấp để đào tạo còn có thể mời giảng viên trường đại học, cao đẳng nghề, các chuyên gia, nhà quản lý nơi khác đến đào tạo cho nhân viên mình. Ông Nguyễn Thanh Long - nhà đầu tư khách sạn Nhà Cổ (Hội An) cho biết, hầu hết sinh viên ra trường, đơn vị tuyển dụng vào đều phải đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu dịch vụ của khách 3 - 4 sao. “Đầu tiên nhân viên mới vào sẽ được làm với các nhân viên cũ để có sự chỉ dẫn ngay trong bộ phận. Những ngày ít khách trưởng bộ phận sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn. Cùng với đó, khách sạn cũng sẽ gửi nhân viên đến các trường liên kết để tập huấn các khóa ngắn hạn” - ông Long chia sẻ.

Khó có giải pháp tốt

Theo kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020 do Sở VH-TT&DL soạn thảo, với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, nhất là khi các dự án du lịch đầu tư hoàn tất, dự kiến đến năm 2020 du lịch Quảng Nam cần khoảng 20 nghìn lao động trực tiếp và 40 nghìn lao động gián tiếp. Tuy nhiên, khả năng đào tạo đến năm 2020 chỉ khoảng 10 nghìn lao động. Chỉ riêng dự án khu phức hợp cao cấp Vinpearl Nam Hội An (Thăng Bình) sau khi hoàn thành (cuối năm 2018) cần hơn 1.000 lao động. Theo chia sẻ của một cán bộ quản lý dự án Vinpearl: “Sẽ có nhiều kênh để chúng tôi tuyển dụng, từ lực lượng lao động trên địa bàn đến các trường chuyên ngành và nơi khác, nói chung là việc này cần phải được tính toán kỹ lưỡng”. Với mảng lữ hành dù sự dịch chuyển lao động không lớn nhưng quá trình đào tạo vẫn luôn được các công ty đưa lên hàng đầu. Theo ông Đoàn Hải Đăng - Giám đốc Vietravel, chi nhánh Đà Nẵng, do xác định hướng dẫn viên là “linh hồn” đảm bảo thành công cho một tour du lịch nên 3 năm qua Vietravel đã tổ chức hơn 20 khóa đào tạo ngắn hạn cho hướng dẫn viên. “So với lưu trú, ở mảng lữ hành nhân lực cao cấp ít dịch chuyển hơn vì hiện tại không chỉ Quảng Nam, Đà Nẵng mà cả miền Trung, Việt Nam không nhiều công ty lữ hành lớn có chế độ, lương thưởng cao” - ông Đăng nhìn nhận. 

Có thể thấy sự không cân đối giữa nguồn nhân lực và tốc độ phát triển các cơ sở lưu trú đã khiến doanh nghiệp luôn lúng túng trong việc tuyển dụng và giữ nguồn lao động của mình. Thống kê sơ bộ, qua 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã có gần 10 khách sạn, cơ sở lưu trú ra đời, chưa kể các khách sạn mới mở tại Đà Nẵng, điều này đồng nghĩa nguồn nhân lực du lịch sẽ chuyển dịch mạnh hơn từ nơi này qua nơi khác. Ông Võ Văn Vân – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhìn nhận, lao động trong ngành du lịch bây giờ đã trở thành hàng hóa do số lượng có hạn trong khi các doanh nghiệp không ngừng phát triển, khiến nguồn lao động vốn đã ít còn eo hẹp hơn. “Để có nhân sự tốt các doanh nghiệp chỉ còn cách cạnh tranh lẫn nhau, đúng hơn doanh nghiệp bây giờ không chỉ cạnh tranh về dịch vụ mà còn cạnh tranh cả chất lượng lao động nữa” - ông Vân phân tích.

Thực hiện chuyên đề: VĨNH LỘC

Thực hiện chuyên đề: VĨNH LỘC