Lo lao động bỏ nghề
Các cơ sở trong tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ trong đào tạo nghề may công nghiệp và có những khóa đào tạo nghề thành công khi nhiều lao động được đưa đến doanh nghiệp làm việc. Tuy nhiên, điều lo lắng hiện nay là tình trạng lao động bỏ nghề đã bắt đầu xuất hiện.
Các huyện miền núi trong tỉnh đang đứng trước nỗi lo lao động sẽ bỏ về sau khi đã được đưa đến doanh nghiệp làm việc.Ảnh: D.L |
Sự cố Minh Hoàng 2
Khóa đào tạo nghề may công nghiệp đầu tiên của Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh sau khi tốt nghiệp đã đón nhận tin vui là 74 lao động được 3 doanh nghiệp may nhận vào làm việc. Trong số đó, có 34 lao động của huyện Nam Giang được nhận vào Công ty May Minh Hoàng 2 (Điện Bàn). Người lao động háo hức chờ đón nhận tháng lương đầu tiên thì xảy ra sự cố đình công tại công ty này vào giữa tháng 5.2017. Nhận được tin báo, ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh cùng với cán bộ nhà trường đã đến công ty để động viên, ổn định tư tưởng nhưng nhiều người tỏ ra dao động, tính chuyện về nhà. Chị Zơrâm Thị Dưu (xã Đắc Pring, Nam Giang) lo lắng: “Đến đây làm việc là quyết tâm của bản thân chúng tôi, khi mang theo cả con cái để ở trọ, đi làm. Đang chờ nhận tháng lương đầu tiên thì thấy mọi người ngưng việc, rồi nghe nói công ty không có tiền trả lương nữa, nên lo lắm! Chúng tôi xuống đây đi làm chỉ trông đến tháng có lương để lo ăn uống, mà nghe thế này thấy sợ. Được thầy cô ở trường xuống động viên, cũng đỡ sợ phần nào nhưng vẫn còn rất lo”.
Trước tình cảnh này, ông Quý phải điện thoại đến một số công ty trong và ngoài tỉnh để có thể chuyển lao động đến làm việc, không để họ bỏ về lại Nam Giang. Một số công ty đã đồng ý cùng nhà trường giải quyết việc làm cho lao động. Ông Quý nói: “Đây là khóa đào tạo đầu tiên, hy vọng thành điển hình để sau này có cơ sở tuyên truyền chính sách đến người dân miền núi dễ hơn, nhưng không ngờ xảy ra sự cố đáng tiếc thế này. Nhà trường đã đưa lao động đến đây thì phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi phải tính phương án khác, làm sao để lao động có việc làm ổn định. Dù có khó khăn, chúng tôi cũng sẽ cố gắng liên hệ với các công ty khác, đã có công ty nhận lao động nên chắc chắn phải chuyển lao động đi nơi khác, chứ để ở đây họ dao động tư tưởng sẽ bỏ về”.
Lao động bỏ về
Theo ông Trương Công Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Bắc Trà My, huyện có 32 lao động của lớp may công nghiệp đầu tiên đến Công ty Moon Chang Vina làm việc, đến nay chỉ còn 16 lao động đang làm việc tại đây. Lý do là lãnh đạo công ty thay đổi quyết định, không nhận lao động nam nên 10 người phải đến công ty khác, trung tâm đã liên hệ Công ty May Minh Phương và công ty đã đồng ý nhận số lao động này. Còn lại 22 lao động thì 16 người đã thi tay nghề đạt loại C (với mức lương 3,8 triệu đồng/người/tháng), 6 người đã bỏ nghề về lại Bắc Trà My. Lớp thứ 2 của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Bắc Trà My có 27 người đến Công ty Mạnh Tiến ở Điện Bàn làm việc thì có 10 người bỏ về, còn lại 17 người. Ông Hưng nói: “Trong đợt lễ vừa qua, trung tâm rất lo lắng, sợ lao động về nghỉ lễ không xuống lại làm việc, may là các em đã đến doanh nghiệp làm việc trở lại. Trung tâm phải bám sát, lo chỗ ở cho các em, rồi tìm chỗ ở đi làm phải gần công ty... rất khó khăn. Trung tâm đã cố gắng mở tiếp lớp đào tạo nghề may công nghiệp thứ 3. Lúc đầu tuyển sinh được 35 học viên, cuối tháng 4.2017 dự kiến mở thì chỉ có 7 người đến lớp, đành phải đình lại đầu tháng 5.2017 tổ chức khai giảng. Lúc này lao động đến trung tâm được 20 người nhưng không mang tư trang để ở lại học, trung tâm cho về đến sáng 8.5 mở lại thì chỉ còn 7 người đến lớp, nên lớp thứ 3 chưa thể khai giảng được”. Theo ông Hưng, lao động của Bắc Trà My đi làm đã có trường hợp tối uống rượu, sáng đến công ty không làm mà nằm ngủ, nên bị đuổi việc, người khác thấy thế chán bỏ về.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Nam Trà My cho biết địa phương có 70 người học may công nghiệp đến doanh nghiệp để làm việc nhưng đến nay chỉ còn 47 người. Có lao động nhận được lương rồi về ăn nhậu, sáng đi làm không được, nghỉ làm liên tục 2 - 3 ngày nên công ty đuổi việc. Có người ở không được nên bỏ về lại, có người thì đi làm bị tai nạn rồi nghỉ ngang và về quê. Ông Hùng cho hay cán bộ, giáo viên của trung tâm sẽ lại tiếp tục lặn lội đến tận nhà những lao động đã bỏ về, khuyên họ đi làm lại. Nếu lao động đồng ý đi làm lại, trung tâm phải tìm và chọn doanh nghiệp khác cho lao động đến làm việc bởi chắc chắn họ không làm lại chỗ cũ. Đó là cả một hành trình gian nan mà các huyện miền núi đang “vật vã” nhằm có thể tạo công ăn việc làm, tạo nghề nghiệp ổn định cho người dân.
LÊ DIỄM