Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

VÕ LY 21/04/2016 10:19

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được TP.Tam Kỳ chú trọng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Là địa phương nằm ở ven biển, phần đông dân số đều sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt ven bờ nên đời sống của người dân Tam Thanh còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, hàng năm, chính quyền địa phương đã tập trung điều tra, rà soát số lượng lao động địa phương, nhằm nắm bắt kịp thời số lao động không có việc làm ổn định, lao động chưa qua đào tạo nghề và nhu cầu học nghề của người lao động. Trên cơ sở đó, xã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm, đưa ra các giải pháp thiết thực cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm hiệu quả. Trong đó, kết hợp tuyên truyền với việc phối hợp với các trung tâm dạy nghề trên địa bàn mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn như chế biến món ăn, làm nước mắm truyền thống, mây tre đan, làm cá, mực khô xuất khẩu… nhờ đó nhiều hộ dân đã có việc làm ổn định. Đơn cử tại thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh) hiện có khoảng 598 nhân khẩu, trong đó lao động có việc làm ổn định chiếm 80%, còn lại phần lớn là người già, phụ nữ không có việc làm ổn định. Trước tình hình đó, Hội LHPN xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và xúc tiến việc làm - Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức lớp dạy nghề nấu ăn để tạo điều kiện cho các chị em có được việc làm nâng cao thu nhập. Chị Võ Thị Nguyệt - Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh cho biết: “Từ những kiến thức học được, nhiều chị em đã tự góp vốn thành lập các tổ dịch vụ nấu ăn tại địa phương. Qua đó, tạo việc làm cho các chị em cũng như giải quyết lao động nông nhàn, góp phần nâng cao thu nhập”.

Lớp dạy nghề mây tre đan ở xã Tam Phú. Ảnh: VÕ LY
Lớp dạy nghề mây tre đan ở xã Tam Phú. Ảnh: VÕ LY

Tại xã nông thôn mới Tam Thăng, công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động được xem là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tiêu chí số 12 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo ông Lê Đình Nho - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, hiện tại số tỷ lệ người trong độ tuổi lao động toàn xã là 60,5%, trong đó lao động nông nghiệp chiếm trên 85%. Từ thực tế đó, để nâng cao được hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động, địa phương tập trung chỉ đạo hướng dẫn, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi, mở rộng phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng đa dạng hóa, mở các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh các ngành nghề thủ công gắn với phát triển du lịch và bảo tồn làng nghề chiếu cói Thạch Tân.

Trên địa bàn TP.Tam Kỳ có gần 75.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 52,5% dân số. Từ năm 2011 đến nay, từ nguồn kinh phí phân bổ của Trung ương và tỉnh, thành phố đã tổ chức 33 lớp với 1.051 lao động. Trong đó: nghề nông nghiệp đã mở 23 lớp với 722 học viên; nghề phi nông nghiệp đã mở 10 lớp với 329 học viên. Bên cạnh đó, huy động các nguồn vốn cho vay phát triển các mô hình kinh tế giải quyết việc làm cho 454 người, vay xuất khẩu lao động 21 người. những kết quả đạt được góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố từ 59% (2014) lên 65% (2015). Bà Nguyễn Thị Đào - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho biết: “Tiếp tục tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động là định hướng của thành phố trong những năm tiếp theo. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong giai đoạn mới”.

VÕ LY

VÕ LY