Đào tạo thợ thời hội nhập

DIỄM LỆ 26/03/2016 07:49

Năm 2016 khởi động cho một giai đoạn phát triển mới, trong đó tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới. Không ai nằm ngoài guồng quay đó, kể cả người công nhân, người thợ. Quảng Nam phải làm gì, đào tạo gì cho người thợ trong thời hội nhập luôn là vấn đề được quan tâm.

Nhiều doanh nghiệp đang cần đội ngũ lao động lành nghề.Ảnh: D.L
Nhiều doanh nghiệp đang cần đội ngũ lao động lành nghề.Ảnh: D.L

Mục tiêu phấn đấu của Quảng Nam đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, đưa nông nghiệp giảm dưới 10%. Cơ cấu lao động (LĐ) cũng theo hướng giảm tỷ lệ trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ LĐ công nghiệp và dịch vụ. Thế nhưng, đến hết năm 2015, tỷ lệ LĐ trong nông nghiệp theo số liệu điều tra vẫn còn trên 50%. Trong vòng 5 năm tới, liệu tỷ trọng này có chuyển dịch theo mục tiêu mà tỉnh đang hướng tới, đây quả thực là một áp lực đối với nguồn nhân lực phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Áp lực nguồn nhân lực

Kết quả điều tra cung cầu LĐ của tỉnh trong năm 2015 cho thấy, lực lượng LĐ hiện có hơn 742 nghìn người, trong đó LĐ có việc làm hơn 731 nghìn người, số LĐ thất nghiệp là hơn 11 nghìn người. Trong số LĐ có việc làm thì có hơn 97 nghìn người đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, và hơn 38 nghìn người đi làm việc ở các tỉnh khác trong cả nước. Số LĐ có việc làm nhiều, nhưng phần lớn lại là LĐ phổ thông, trình độ kỹ thuật không cao.

Cần có một “ngân hàng”  cung ứng nguồn LĐ

Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ rà soát lại tất cả trường nghề, liên kết các trường nghề để tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, cần có một “ngân hàng” cung ứng nguồn LĐ. Đơn vị quản lý nhà nước về LĐ là Sở LĐ-TB&XH cần phải chủ động về nguồn cung ứng LĐ, có “ngân hàng” thì khi nhìn vào sẽ biết tỉnh có được bao nhiêu LĐ, chất lượng ra sao, chỉ cần DN yêu cầu nguồn cung là sẽ đáp ứng được.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH phối hợp với ngành thống kê để điều tra và đưa ra những con số chính xác nhất về cơ cấu LĐ, cung - cầu LĐ, dựa vào đó để có những cơ chế, chính sách về LĐ hợp lý, hoạch định những chính sách vĩ mô phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Xu thế phát triển của thị trường, của công nghệ đòi hỏi người LĐ không thể bó hẹp trong khuôn khổ của một LĐ phổ thông, mà cần phải có sự chuyển dịch, phát triển. Thực tế này đòi hỏi các cơ sở đào tạo, trường nghề phải chủ động vào cuộc, đào tạo lại LĐ, nâng tầm cho người LĐ tiến lên một bậc thợ cao hơn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, chỉ vì nguồn cung ứng LĐ của tỉnh còn thấp, chất lượng LĐ không cao nên tỉnh không dám mạnh dạn kêu gọi đầu tư. Bây giờ, DN nào đến đầu tư tại tỉnh cũng hỏi câu đầu tiên là có nguồn LĐ hay không, họ thực sự lo lắng cho vấn đề nhân lực.

Là một trường nghề có uy tín của tỉnh, Trường Cao đẳng nghề Quảng Nam mỗi năm cho ra trường từ 1.300 - 1.400 người thợ theo đúng nghĩa để bổ sung nguồn nhân lực cho các DN. Dù vậy, theo nhận định của ông Nguyễn Quyết Thắng - Hiệu trưởng nhà trường thì: “Nhà trường năm nào cũng gặp DN, cung ứng nguồn LĐ cho DN nên biết rằng Quảng Nam đang thiếu LĐ rất nhiều, đặc biệt là LĐ có tay nghề, trình độ kỹ thuật. Bởi DN hiện nay đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực là chủ yếu. Kể cả khu vực các cơ sở dịch vụ vừa và nhỏ cũng rất cần LĐ qua đào tạo, nhưng sự cung ứng của các cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được và đủ nhu cầu của thị trường”.

Hướng đến nguồn LĐ chất lượng cao

Trường Cao đẳng nghề Quảng Nam được chọn là một trong số các trường trong cả nước để đầu tư nghề trọng điểm khu vực ASEAN. Các nghề được chọn là công nghệ ô tô và 3 nghề trọng điểm quốc gia là cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Trong chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm, các nghề trọng điểm này đều được Bộ LĐ-TB&XH đầu tư đạt chuẩn quốc gia và ASEAN. Dù được như thế, nhưng theo ông Thắng, sự đầu tư vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ của xã hội mà chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong nhà trường, một phần đáp ứng được nhu cầu của DN trong tỉnh. Nhà trường phải nỗ lực tạo mối liên kết với DN để đào tạo đội ngũ thợ lành nghề, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng để cung ứng cho thị trường. Năm 2015, Trường Cao đẳng nghề tỉnh là một trong 3 trường trong cả nước được đưa vào chương trình đầu tư của Chính phủ Ý đối với nghề công nghệ ô tô, đang chờ Chính phủ xem xét phê duyệt. Nếu được đồng ý đối với chương trình này thì nhà trường sẽ đáp ứng được yêu cầu đưa giảng viên đi đào tạo công nghệ ở châu Âu, sau đó về chuyển giao công nghệ đào tạo lại cho đội ngũ thợ được đào tạo tại trường. Và đây cũng là niềm hy vọng để đưa chất lượng đào tạo nghề đi lên theo tiêu chuẩn mới.

Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những mục tiêu hướng tới, nhằm tạo ra được đội ngũ nhân lực đón đầu và xứng tầm với sự phát triển trong tương lai. Hơn nữa, trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, nguồn cung LĐ của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu của DN đầu tư vào tỉnh, mà phải đủ sức cạnh tranh với cả khu vực. Nguồn nhân lực cao không gì khác chính là nguồn LĐ kỹ thuật, được đào tạo bài bản ngay từ đầu và đào tạo lại chính đội ngũ LĐ phổ thông đang có trong các DN. Điều này đòi hỏi năng lực đào tạo và sự nhạy bén, chủ động của mỗi trường nghề trong mối dây liên kết chặt chẽ với DN. Trong thực tế, giữa công nghệ được sử dụng đào tạo ở nhà trường và dây chuyền công nghệ được sử dụng ở DN có một sự khác biệt không nhỏ. Sự đầu tư cho công nghệ giảng dạy không thể theo kịp yếu tố công nghệ trong công nghiệp, nên luôn có sự chênh nhau khi đưa người thợ vừa được đào tạo trong nhà trường vào làm việc trong DN. Chính vì thế, đào tạo theo kiểu đặt hàng, đón đầu sự phát triển là nhu cầu cấp bách. Vai trò của các trường nghề cần được phát huy tối đa, xác định rõ ràng tinh thần phục vụ để có trách nhiệm hơn trong vấn đề đào tạo, nhằm không tạo ra một đội ngũ LĐ không lành nghề và gây thêm gánh nặng khi đội ngũ ấy vì không có việc làm chỉ do chất lượng quá thấp.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ