Thiếu nguồn cung lao động
Đã gần hết quý 2 năm 2015, nhưng nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng vẫn chưa tuyển dụng đủ số lượng lao động theo kế hoạch sản xuất.
Lao động ở các ngành dệt may, giày da, lắp ráp điện tử... không đủ đáp ứng cho các doanh nghiệp. Ảnh: XUÂN NGHĨA |
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay các doanh nghiệp thực hiện nhiều chế độ ưu đãi để thu hút nhân công, trong đó chú trọng lợi ích của người lao động trong những ngày nghỉ tết, nghỉ lễ… nhưng vẫn tuyển dụng được rất ít lao động.
Thiếu khoảng 9.000 công nhân
Dự đoán được tình hình thiếu hụt lao động do một số công ty mở rộng sản xuất, một số công ty mới thành lập; nhiều doanh nghiệp đã công bố các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với người lao động. Ngoài được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, người lao động còn được chi trả phụ cấp tiền nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, tăng chất lượng bữa ăn ca, trợ cấp tiền thuê nhà, tiền chuyên cần, ngày thứ Bảy làm việc một buổi… Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề.
Theo thống kê của Phòng Lao động (Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng), tính đến nay, có hơn 72.000 lao động đang làm việc tại 270 công ty (trong đó, có khoảng 40.000 lao động làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài) đang hoạt động thuộc 6 khu công nghiệp tại TP.Đà Nẵng (KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm và KCN Đà Nẵng). Văn phòng và phòng hỗ trợ doanh nghiệp Ban quản lý các KCN tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến nay, có hơn 25.000 lao động làm việc trong 3 khu công nghiệp: Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Thuận Yên, với 78 doanh nghiệp, trong đó có 25 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có gần 17.000 lao động Việt Nam làm việc. |
Theo thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm KCN (Đường số 2, KCN Hòa Khánh, TP.Đà Nẵng), trên địa bàn Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, hiện thiếu khoảng 9.000 công nhân; tập trung vào các ngành sản xuất chủ yếu như: dệt may, giày da, lắp ráp điện tử, cơ khí chế tạo, gò hàn… Trong đó công nhân may, công nhân ngành cơ khí không đáp ứng đủ cho các doanh nghiệp. So với các KCN khác trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam, KCN Hòa Khánh có số lượng các doanh nghiệp, nhà máy hoạt động nhiều nhất và đang ngày càng mở rộng quy mô sản xuất, nên nhu cầu tuyển dụng thêm lao động, luôn là vấn đề bức thiết của các doanh nghiệp.
Có thể nói các doanh nghiệp đi tìm “đỏ con mắt” vẫn thiếu lao động. Hiện tại, hàng loạt doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh treo biển báo tuyển công nhân với số lượng lớn. Ví dụ như: Công ty TNHH MTV may mặc Tân Phát Lộc có nhu cầu tuyển dụng 1.500 công nhân may công nghiệp, Công ty TNHH MTV Con Đường Xanh thiếu hụt khoảng 500 công nhân may có tay nghề, Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú Đà Nẵng cần tuyển dụng thêm gần 500 công nhân may, Công ty CP Keyhing Toys cần tuyển 1.500 công nhân,... Hiện tại, KCN Hòa Khánh có khoảng gần 31.000 lao động đang làm việc nhưng nhiều công ty đang cần tuyển thêm lao động để bù đắp thiếu hụt do sự dịch chuyển từ công ty này qua công ty khác, vừa đáp ứng yêu cầu do mở rộng quy mô sản xuất. Trong đó, có khoảng hơn 10 công ty, như Công ty CP Keyhing Toys, Công ty Phong Phú, Công ty Tân Phát Lộc, Công ty Vinatex, Công ty Sức Trẻ, Công ty Sản suất gỗ ép Trường Hải, Công ty Bluce, Công ty Dệt may Hòa Thọ, Công ty Dệt may 29-3… có nhu cầu tuyển từ 300 đến 2.500 công nhân.
Không ổn định
Tuy nhiên, thực tế hiện tại cho thấy, mặc dù các công ty đã hợp tác với Trung tâm GTVL Khu công nghiệp giăng thông báo tuyển dụng kèm theo các chế độ đãi ngộ đối với người lao động nhưng vẫn tuyển dụng được quá ít công nhân. Mặc dù các công ty đã cải thiện điều kiện lao động, tăng đơn giá sản phẩm, chăm lo đời sống người lao động… nhưng tiền lương cho công nhân vẫn còn thấp, cuộc sống người lao động vẫn khó khăn, nhà ở cho người lao động vẫn là điều bức thiết, các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng đời sống tinh thần cho giới trẻ, điều kiện làm việc chưa tốt, nên chưa thực sự thu hút, níu kéo người lao động gắn bó lâu dài với công ty hoặc người lao động tại Quảng Nam, Đà Nẵng và khu vực xung quanh đã làm việc nơi xa, như ở TP. Hồ Chí Minh về lại làm việc ở quê hương của mình… Mặt khác, do các ngành chiếm số lượng công nhân vượt trội là may mặc, giày da, điện tử… chủ yếu tuyển công nhân nữ nên tạo ra sự thiếu hụt lao động lớn. Trong khi đó, nguồn cung lao động đang khan hiếm. Nếu những năm trước, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi... là địa bàn cung cấp công nhân chính cho các KCN ở Đà Nẵng và Quảng Nam, nay các địa phương này cũng có các KCN, giải quyết được việc làm cho lao động tại chỗ.
Nhu cầu việc làm của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp không gặp nhau nên người lao động thất nghiệp vẫn còn lớn. Ảnh: Diễm Lệ |
Một vấn đề đáng quan tâm khác là các công ty phải đối diện với tình trạng công nhân bỏ việc giữa chừng, vì hiện nay có một bộ phận nhân công đang lao động theo kiểu tạm bợ, chờ cơ hội tốt hơn hay làm việc theo kiểu mùa vụ… Họ sẵn sàng nghỉ việc bất cứ lúc nào. Khi xin được công việc tốt hơn, phù hợp hơn, rất nhiều người đã bỏ việc nửa chừng, hoặc xin đi làm những việc nhẹ nhàng, ít chịu áp lực thời gian hơn. Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học, sau đại học, quay lại học nghề để kiếm sống cho đến khi tìm được cơ hội mới.
Giải pháp tạo nguồn
Mặc dù Trung tâm GTVL Khu công nghiệp đã dự báo trước được tình hình, hợp tác với các trường Đại học Bách khoa, Đại học Duy Tân, Cao đẳng Công nghệ, Cao đẳng Nghề… và tổng hợp được số lượng người lao động ngoài xã hội đến đăng ký tại trung tâm, nhưng một số công ty thiếu sự chia sẻ và hợp tác đầy đủ, khiến trung tâm khó thỏa mãn yêu cầu cho họ.
Trước tình hình đó, Trung tâm GTVL Khu công nghiệp - đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng, đã tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn, cấp tốc, với hình thức: Tuyển dụng (Người lao động) - Đào tạo (Trung tâm) - Chuyển giao (Doanh nghiệp). Trung tâm và doanh nghiệp hợp tác đào tạo theo địa chỉ, theo sát chương trình doanh nghiệp yêu cầu, có thời gian thực tập trên các thiết bị, công nghệ mới tại doanh nghiệp, để sau khi kết thúc khóa học, học viên trở về làm việc không phải qua thời gian thực tập. Học viên đến trung tâm được học nghề, trong đó thời gian thực tập là chủ yếu, nên đạt được yêu cầu về tay nghề của nhà tuyển dụng.
Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, trung tâm đã đào tạo và chuyển giao gần 500 lao động cho các công ty: Vinatex, Tân Phát Lộc, Dệt may 29-3, Sức Trẻ, Phong Phú… về các ngành nghề như: may công nghiệp, vận hành máy thi công, điện công nghiệp và dân dụng, lái xe mô tô, ô tô… Ngoài ra, trung tâm đã tư vấn cho người lao động về các ngành nghề phù hợp và giới thiệu việc làm cho họ vào các doanh nghiệp như: Mabuchi, điện tử Việt Hoa, Foster điện tử, Keyhing Toys... Để tạo điều kiện cho cán bộ quản lý doanh nghiệp, nhân viên văn phòng, trung tâm còn mở các lớp: tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Anh cơ bản. Trung tâm cũng liên kết với các cơ quan, các đơn vị chuyên ngành để đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về quản lý doanh nghiệp.
Với tình hình thiếu hụt trầm trọng lao động có tay nghề như hiện nay, liệu lao động có còn là lợi thế cạnh tranh?
HUỲNH VIẾT TƯ