Phụ nữ và cơ hội lập nghiệp
Một ngày hội việc làm sôi nổi dành cho phụ nữ vừa được tổ chức tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, thu hút đông đảo chị em tham gia. Đây chỉ là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ dự án Xây dựng và vận hành trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ, tạo thêm cơ hội lập nghiệp cho phụ nữ Quảng Nam.
Đông đảo phụ nữ đến với ngày hội việc làm. Ảnh: D.L |
Ngày hội việc làm
Buổi sáng diễn ra ngày hội việc làm, dù trời mưa không ngớt, từng tốp phụ nữ vẫn tiến về phía Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, bởi ở đó đang diễn ra ngày hội dành cho họ. Đến với ngày hội, các chị không chỉ có cơ hội lập nghiệp mà còn được hướng dẫn nhiều kỹ năng mềm hữu ích từ những chuyên gia Hàn Quốc. Tham gia chương trình, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh góp thêm nhiều cơ hội việc làm phù hợp cho phụ nữ ở các lĩnh vực như điện tử, may công nghiệp, sản xuất kim máy may, nhân viên kinh doanh... Vừa tốt nghiệp Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng, chị Nguyễn Như Ý (Quế Sơn) đến ngày hội mong tìm cho mình một việc làm thích hợp. Chị Ý cho hay: “Tôi đã thăm dò thông tin việc làm trên các trang mạng cũng như ở các trung tâm giới thiệu việc làm, các khu - cụm công nghiệp và nộp hồ sơ một vài nơi. Đến nay vẫn chưa có nơi nào gọi phỏng vấn, nên tôi đến đây mong tìm được một việc làm. Theo thông tin nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp, tôi thấy một vài vị trí phù hợp có thể gửi hồ sơ xin việc. Hy vọng từ ngày hội này tôi sẽ sớm có việc làm”. Theo Ban tổ chức, ngày hội diễn ra vào thời điểm này, ngoài thu hút lao động nữ nhàn rỗi mà còn hướng đến số nữ sinh viên vừa tốt nghiệp. Và theo con số thống kê, đã có hơn 500 lượt phụ nữ đến với ngày hội chứng tỏ nhu cầu việc làm của phụ nữ còn rất cao trong thời điểm này.
Dự án Xây dựng và vận hành trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ (do Quỹ Phụ nữ và gia đình quốc tế Hàn Quốc thuộc Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc tài trợ) chính thức khởi động tại Quảng Nam vào ngày 19.6.2014. Dự án được triển khai nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp, thu nhập cho phụ nữ và hướng tới văn hóa tuyển dụng, xin việc thân thiện. Tại Quảng Nam, thông qua Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, dự án sẽ thành lập Trung tâm Nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ của trung tâm; mở các lớp dạy nghề, kỹ năng marketing; tổ chức 5 lớp tư vấn nhóm cho lao động nữ và học sinh, sinh viên về các kỹ năng việc làm; tổ chức ngày hội việc làm dành cho lao động nữ. |
Ngày hội còn có điểm nhấn là gian hàng phụ nữ chăm sóc móng tay, móng chân - thành quả của lớp học do Hàn Quốc tài trợ thực hiện. Tham gia lớp học này có 40 phụ nữ chưa biết nghề hoặc muốn nâng cao tay nghề nhằm tăng thu nhập. Chị Trương Thị Thanh Vui (TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Tôi đã có nghề làm móng nhưng vẫn đăng ký tham gia lớp học, nhờ đó biết thêm rất nhiều kỹ thuật làm móng rất đẹp của Hàn Quốc. Đặc biệt, tôi biết được rằng, chăm sóc móng không chỉ đơn giản là làm đẹp mà còn để bảo vệ sức khỏe bàn tay, bàn chân con người. Sau học, tôi tiếp tục làm công việc của mình tại một cửa tiệm ở trung tâm thương mại Tam Kỳ với mức lương cao hơn hơn”.
Hiệu quả từ một dự án
Tại ngày hội việc làm dành cho phụ nữ chúng tôi còn bị thu hút bởi gian hàng mây tre đan của phụ nữ xã Bình An (huyện Thăng Bình). Đây cũng là nghề đã được dự án Xây dựng và vận hành trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ tài trợ thực hiện tại xã Bình An, qua đó dạy nghề và tạo việc làm cho 40 phụ nữ nghèo, đơn thân. Tại gian hàng của nhóm, vừa trình diễn đan giỏ mây bà Nguyễn Thị Bê (xã Bình An) vừa vui vẻ chia sẻ: “Lúc đầu học đan cũng khó lắm, đòi hỏi khéo léo và kỹ thuật, nhưng học rồi dần quen. Đến nay tôi đã có thể tạo nên những sản phẩm đơn giản như rổ, giỏ đi chợ, các loại giỏ hình hộp... Trước đây tôi đâu nghĩ đến chuyện học nghề nào đó. Nhưng được vận động đi học và thấy việc có một nghề dành cho lúc nông nhàn có thêm thu nhập là quá hợp lý nên tôi theo học”. Bà Trần Thị Hồng Anh - Tổ trưởng tổ hợp tác mây tre đan Bình An thông tin: “Lớp học do dự án tài trợ đã trang bị cơ bản phương pháp kỹ thuật đan, giúp học viên nắm rõ thông số các mặt hàng của từng sản phẩm. Lớp học còn tạo điều kiện bồi dưỡng cho chị em khi đi học nghề, cung cấp phôi liệu, dụng cụ làm nghề. Sau lớp học, chúng tôi đã hình thành tổ hợp tác, tôi chịu trách nhiệm nhận hàng từ các công ty về cho chị em gia công với mức thu nhập bình quân hàng tháng trong thời gian nông nhàn 1 - 2 triệu đồng/người”.
Quảng Nam là tỉnh miền Trung duy nhất và là một trong 3 tỉnh của cả nước được Quỹ Phụ nữ và gia đình quốc tế Hàn Quốc thuộc Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc tài trợ thực hiện dự án. Bà Hyeyoung Heo - cán bộ điều phối của dự án tại Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi chọn Quảng Nam bởi tỉnh còn nghèo, cơ hội việc làm cho phụ nữ còn ít. Ngoài tạo cơ hội nghề nghiệp, việc làm, dự án còn thúc đẩy hoạt động bình đẳng giới trên địa bàn”. Theo ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, ngoài đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho phụ nữ, dự án còn tập huấn, năng cao năng lực cho cán bộ của trung tâm về kỹ năng quản lý và vận hành mô hình Trung tâm Nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ. Cán bộ trung tâm đã được học kỹ năng tư vấn nghề và việc làm, hỗ trợ việc làm, quản lý hỗ trợ người lao động sau học nghề và giới thiệu việc làm, kiến thức về bình đẳng giới… “Từ sự hỗ trợ của dự án, hiện nay trung tâm đã hình thành nên các nhóm tư vấn hoạt động khá hiệu quả. Chúng tôi đang có nhiều ý tưởng xây dựng kế hoạch phát triển trong thời gian tới như mô hình “Một điểm đến”, tổng đài tư vấn qua điện thoại, cà phê - việc làm. Trung tâm hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn không chỉ có năng lực, kỹ năng mà còn chuyên sâu để thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ tư vấn, truyền đạt kỹ năng nghề cho phụ nữ nói riêng và người lao động nói chung” - ông Tưởng cho hay.
DIỄM LỆ