Cải thiện quan hệ lao động trong doanh nghiệp

DIỄM LỆ 23/06/2014 08:47

Quan hệ lao động (QHLĐ) trong doanh nghiệp (DN) chính là cách ứng xử giữa chủ sử dụng lao động (LĐ) và người LĐ. Khi QHLĐ hài hòa, sự phát triển của DN được thúc đẩy, và nếu mối quan hệ ấy bị tổn thương sẽ là rào cản lớn đối với DN.

Tại hội thảo về quan hệ lao động, các đại biểu khẳng định mối quan hệ lao động hài hòa góp phần phát triển doanh nghiệp.Ảnh: DIỄM LỆ
Tại hội thảo về quan hệ lao động, các đại biểu khẳng định mối quan hệ lao động hài hòa góp phần phát triển doanh nghiệp.Ảnh: DIỄM LỆ

Trách nhiệm xã hội của DN

“QHLĐ, tiền lương và sự phát triển của DN” là câu chuyện được Sở LĐ-TB&XH mang ra mổ xẻ trong một hội thảo vừa được tổ chức. Câu chuyện chưa bao giờ cũ. QHLĐ chính là cách ứng xử, thường là theo chiều từ trên xuống, từ chủ sử dụng LĐ đối với người LĐ. Trong thực tế, chủ sử dụng LĐ có cách ứng xử khéo léo, dung hòa được lợi ích của DN với lợi ích của mỗi người LĐ thì phát triển tốt, không xảy ra xung đột lợi ích giữa đôi bên. “Trong tỉnh có nhiều DN đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình, nên xây dựng được lòng tin nơi người LĐ. Các quy định của pháp luật LĐ được các DN đó thực hiện tốt, có nhiều chính sách, chương trình thiết thực chăm lo cho người LĐ. Như DN đã kịp thời trả lương, thưởng, chủ động điều chỉnh tăng tiền lương, trợ cấp, hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại, khám bệnh, đào tạo và sử dụng LĐ phù hợp với từng vị trí việc làm... Chính những yếu tố này đã tạo nên sự gắn bó của người LĐ với DN, giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh, tạo ra lợi nhuận cũng là tạo ra giá trị lợi ích cho cả đôi bên” - ông Lê Sáu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phân tích.

Điển hình như ở Công ty CP Phước Kỳ Nam (Khu công nghiệp Thuận Yên, TP.Tam Kỳ) có hơn 1.400 LĐ đang hoạt động sản xuất giày da xuất khẩu. Phương châm “lấy lòng” người LĐ của lãnh đạo công ty này chính là tạo niềm tin, sự gắn bó giữa người LĐ với DN. Mục đích hoạt động của DN là hiệu quả, lợi nhuận, và mục đích của người LĐ là lợi ích bản thân từ tiền công, lương thưởng, các chế độ liên quan. Khi lợi ích đôi bên được hài hòa, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty luôn thuận lợi. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, cán bộ Phòng Tổ chức - hành chính công ty, cho biết: “Để duy trì QHLĐ hài hòa, lãnh đạo công ty luôn quan tâm đến lợi ích của người LĐ. Tiền lương, thưởng là mối quan tâm hàng đầu của người LĐ nên chúng tôi đã xây dựng quy chế tiền lương rõ ràng, có thưởng phạt công minh, trả đúng theo mức quy định, đúng kỳ hạn cam kết với người LĐ. Tổ chức công đoàn của công ty luôn đồng hành với người LĐ, lắng nghe tiếng nói của họ và đề đạt với lãnh đạo công ty giải quyết, chăm lo cho đời sống cho anh chị em công nhân”. Ngoài ra, Công ty CP Phước Kỳ Nam đã xây dựng các ban giám sát trực tiếp như ban kiểm tra nhà ăn, ban an toàn..., nắm bắt kịp thời những vấn đề phát sinh hàng ngày. Tại mỗi xưởng sản xuất của công ty đều có đặt hòm thư góp ý theo hình thức đối thoại tự do.

“Chìa khóa” tháo ngòi xung đột

Ở những DN thường xảy ra đình công, lãn công chính là do cách ứng xử của chủ sử dụng LĐ đối với người LĐ không tốt, không đúng luật, khiến quyền lợi của công nhân LĐ bị ảnh hưởng. Điểm lại, 13 cuộc đình công, ngừng việc tập thể xảy ra từ năm 2012 đến tháng 6.2014 đều do tranh chấp LĐ. Bà Đoàn Thị Hoài Nhi - Trưởng phòng Lao động - tiền lương - bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH) nói: “Các cuộc đình công hầu như tập trung đòi hỏi những quyền lợi thiết thân nhất của công nhân về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, tăng ca và chế độ tăng ca, chế độ độc hại, điều kiện làm việc, quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công khai về tiền lương, tiền công, thưởng, phụ cấp, phản ứng về hành vi đối xử của chủ sử dụng LĐ. Cách ứng xử không đúng sẽ động chạm đến người LĐ và là con đường nhanh nhất dẫn đến đình công, ngưng việc tập thể”. Thực tế qua giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, những DN xảy ra đình công hầu hết là do chưa có thỏa ước LĐ tập thể, nội quy LĐ, thang bảng lương, không ký kết hợp đồng LĐ, chế độ cho người LĐ không đảm bảo...

Trong quan hệ lao động ở doanh nghiệp, lắng nghe người lao động là việc nên được chủ sử dụng lao động thực hiện thường xuyên.  Ảnh: D.L
Trong quan hệ lao động ở doanh nghiệp, lắng nghe người lao động là việc nên được chủ sử dụng lao động thực hiện thường xuyên. Ảnh: D.L

Bản thân DN cũng khẳng định QHLĐ hài hòa chính là “chìa khóa” giúp DN phát triển. Ông Huỳnh Ngọc Tài - Trưởng phòng Nhân sự (Công ty TNHH CCI Việt Nam, Núi Thành) chia sẻ: “Điều quan trọng trong QHLĐ là quan hệ hai chiều. Người sử dụng LĐ có các quy định và hướng dẫn người LĐ thực hiện, và người LĐ cần phản hồi lại những vấn đề họ còn chưa hiểu, thắc mắc để chủ sử dụng LĐ có dịp giải thích, hoặc chỉnh sửa nếu chưa đúng. Để lắng nghe công nhân, công ty chúng tôi có “kênh thông tin nhân viên”, thành viên là người LĐ của công ty tự nguyện tham gia, họp hằng tháng để tổng hợp phản hồi từ người LĐ, báo cáo cho lãnh đạo công ty. Hoặc người LĐ có thể đóng góp qua hòm thư hay đường dây nóng đến lãnh đạo công ty. Nhờ vậy, chúng tôi luôn kịp thời nắm bắt tâm tư người LĐ, không để mối QHLĐ bị rạn nứt dẫn đến những xung đột không đáng có”.

Giữ gìn mối QHLĐ tốt đẹp, vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội trong DN và sự đồng hành, giúp đỡ từ chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước là không thể thiếu. Thanh tra, kiểm tra kịp thời có thể giúp DN khắc phục sai sót, thực hiện đúng pháp luật LĐ, và tuyên truyền cho người LĐ hiểu pháp luật, hiểu cái gì đúng và không đúng, làm cầu nối giữa hai bên trong mối QHLĐ cũng góp phần đáng kể giảm thiểu xung đột LĐ, giúp DN phát triển bền vững.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ