Về gươl dạy nghề

DIỄM LỆ 13/06/2014 10:37

Đảm nhận công tác dạy nghề ở địa bàn miền núi với nhiều khó khăn, thách thức; thời gian qua, Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi (TNDTMN) Quảng Nam đã có nhiều cách làm sáng tạo, góp phần tích cực trong công tác dạy nghề, chuyển đổi nghề ở các địa phương.

Cầm tay chỉ việc

Nằm ở xã Cà Dy (huyện Nam Giang), Trường Trung cấp Nghề TNDTMN Quảng Nam có nhiệm vụ đào tạo nghề cho đồng bào DTTS ở các huyện miền núi của tỉnh. Tại cơ sở của trường, việc đào tạo chủ yếu tập trung hệ trung và sơ cấp. “Đối với hệ trung cấp nghề, khâu tuyển sinh ban đầu là hết sức quan trọng, bởi kế hoạch tuyển sinh mỗi năm từ 100 - 150 người. Muốn tuyển sinh được, giáo viên của nhà trường phải về tận các bản, thôn nóc, nhờ các già làng trưởng bản có uy tín cùng vào cuộc, tuyên truyền về việc học nghề cho thanh niên. Việc tuyển sinh đối với các trường trung cấp nghề ở đồng bằng đã khó, với miền núi còn khó gấp bội. Khi tuyển sinh được rồi, trong quá trình học giáo viên phải luôn động viên, quan tâm tới học sinh, kịp thời can thiệp, không để học sinh nghỉ học giữa chừng. Dù vậy, trong các khóa học đều rơi rớt không ít”- ông Nguyễn Quí Quý, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề TNDTMN Quảng Nam tâm sự. Ông Quý cho biết thêm, lao động đồng bào DTTS có số lượng nhiều nhưng chất lượng thấp, phần lớn tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở nhưng rất ít trung học phổ thông, chưa có ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp. Dạy nghề cho thanh niên DTTS không chỉ dạy về kỹ năng nghề, mà còn dạy rất nhiều vấn đề khác như cách ứng xử trong môi trường làm việc công nghiệp, tính kỷ cương kỷ luật...

Học sinh hệ trung cấp nghề hàn trong một tiết học thực hành tại trường. Ảnh: D.L
Học sinh hệ trung cấp nghề hàn trong một tiết học thực hành tại trường. Ảnh: D.L

Riêng đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, giáo viên của trường phải cùng ăn cùng ở với đồng bào để dạy nghề. Việc dạy nghề thường diễn ra ở những gươl làng, dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc, trực tiếp, dễ hiểu nhất. Và dĩ nhiên, giáo viên phải theo học viên, vận động học viên đến gươl học nghề, giáo viên phải biết tiếng của đồng bào, đồng bào hỏi gì trả lời nấy. Lao động đồng bào DTTS chịu đi học nghề đã là thành công, dạy thế nào để họ nghe và theo học, ứng dụng được vào sản xuất mới quan trọng. Và dạy nghề ở miền núi, chỉ những nghề nông nghiệp như kỹ thuật trồng rừng, nuôi và phòng bệnh cho các con vật nuôi là có thể ứng dụng được, những nghề phi nông nghiệp rất khó đào tạo, nếu có chỉ thành công ở nghề nề hoàn thiện, mộc dân dụng. Dù khó khăn, nhưng từ năm 2010 đến nay, nhà trường đã đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn được 3.500 người, trong đó 2.450 người là đồng bào DTTS.

Nâng cao chất lượng

Đào tạo nghề lưu động, gắn đào tạo nghề với các dự án của huyện miền núi, liên kết với doanh nghiệp để lo việc làm cho người học là những hướng đi chủ yếu mà Trường Trung cấp Nghề TNDTMN Quảng Nam đã thực hiện, và duy trì trong thời gian tới. Với việc liên kết với Tập đoàn Xuân Thành, nhà trường đã đào tạo 15 học sinh nghề hàn và 50 học sinh nghề vận hành thiết bị sản xuất xi măng. Tất cả số học sinh này đều đang làm việc khá tốt ở Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang). Pơ Long Nam, một học sinh của trường đang làm việc tại Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ, tâm sự: “Hồi mới được vận động đi học nghề, tôi cũng ngại lắm, nghe nghề làm xi măng mới quá, sợ làm không được. Nhưng được học ở trường, rồi được đi đào tạo ở nhà máy tận tỉnh Hà Nam, giờ tôi đã thành thạo công việc vận hành rồi. Tôi cũng đã quen với kiểu làm việc ở nhà máy, kỷ luật và nghiêm túc giờ giấc, nguồn thu nhập ổn định lắm!”. Sau khi đào tạo cho học sinh thành thạo nghề, nhà trường chủ động tìm nguồn, giới thiệu với doanh nghiệp đến phỏng vấn, nhận việc đối với học sinh ngay trong lễ tốt nghiệp. Như nghề may công nghiệp, xưa nay học sinh không thích vào nhà máy làm việc, nên học nghề xong thường bỏ nghề, hoặc đi làm bỏ công ty trở về làng, bởi không chịu được tính kỷ luật trong công nghiệp. Bây giờ, dù tâm lý đó vẫn còn phổ biến, nhưng đã khắc phục được phần nào qua sự động viên của giáo viên. Có 15 học sinh nữ là đồng bào DTTS học nghề may thời trang tại trường đã được giới thiệu đến Công ty May DHF ở Đại Lộc để làm việc trong năm 2013, 15 người này đều làm việc tốt, không bỏ việc về làng như những khóa trước.

Đào tạo nghề cho đồng bào DTTS ở các huyện miền núi cần phải có đội ngũ giáo viên có tâm, kiên trì, đặc biệt phải hiểu biết về văn hóa, tiếng nói của đồng bào. Tập thể 35 giáo viên, cán bộ của Trường Trung cấp Nghề TNDTMN Quảng Nam có đến 50% là đồng bào DTTS, chính những cán bộ, giáo viên này sẽ là cầu nối giúp thông tin của nhà trường đến được với người dân. Kỹ năng dạy nghề của giáo viên không ngừng được bồi dưỡng, nâng cao, giáo trình phải được xây dựng phù hợp với trình độ của đồng bào, điều kiện của miền núi. Ông Quý cho biết: “Các hội thi của tỉnh như Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm, Hội giảng giáo viên dạy nghề, nhà trường đều tích cực tham gia. Bởi qua các hội thi như thế, giáo viên của trường có điều kiện giao lưu học hỏi với các trường nghề trong toàn tỉnh, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy. Trong tháng 6 này, Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn tỉnh được tổ chức tại nhà trường, đây là cơ hội tốt cho toàn bộ giáo viên, cán bộ của trường được học hỏi kinh nghiệm”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ