Cơ hội việc làm cho người khuyết tật

HOÀNG LIÊN 05/07/2013 08:23

Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng và tổ chức phi chính phủ, Hội Người khuyết tật (NKT) huyện Đại Lộc đã và đang nỗ lực tổ chức các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho những người kém may mắn trong xã hội.
Lớp học nhạc hiếu

Từ sự hỗ trợ của tổ chức Apheda Việt Nam và Sở LĐ-TB&XH, lớp dạy nhạc hiếu với 9 thành viên là NKT đến từ nhiều địa phương trên địa bàn Đại Lộc được tổ chức giảng dạy từ cuối năm 2012. Tại buổi lễ bế giảng mới đây, các học viên đã chứng tỏ được năng khiếu và kết quả khổ luyện của mình khi chỉ trong một thời gian ngắn đã nắm vững lý thuyết, nhạc cụ, nhạc lý và thông thạo nhiều bản nhạc phục vụ tang, lễ. Nhiều đại biểu tham dự buổi bế giảng đều đánh giá cao nỗ lực của thầy và trò trong suốt khóa học.
Nguyễn Hoàng Linh (SN 1980, thị trấn Ái Nghĩa), nữ học viên duy nhất lớp học chia sẻ: “Tôi không thể đi lại từ nhỏ, trải qua những tháng ngày đau buồn nhưng may mắn tôi nhận được sự quan tâm từ gia đình, cộng đồng. Lớp học đặc biệt này, thầy nhiệt tình, trò quyết tâm kiên trì theo đuổi niềm đam mê. Tôi chọn học đàn tranh bởi đã thích từ nhỏ, hơn nữa loại hình này phù hợp với nữ. Mỗi ngày là một niềm vui, tôi hòa nhập cộng đồng, tôi tàn nhưng không phế”. Cạnh đó, anh Huỳnh Xí, học viên đàn ghi ta xúc động: “Nhạc hiếu là một nghề nhưng cũng là một bộ môn nghệ thuật. Một người khiếm thị như tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận biết nhạc cụ, nhận diện nốt nhạc, nhưng nhờ có đam mê dẫn lối, tôi đã vượt qua số phận. Xin cảm ơn thầy Huỳnh Bá Sơn, nhà tài trợ đã giúp tôi có một công việc, nghề nghiệp phù hợp, giúp giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho xã hội, gia đình.

Các học viên khuyết tật biểu diễn trong lễ bế giảng. Ảnh: H.LIÊN
Các học viên khuyết tật biểu diễn trong lễ bế giảng. Ảnh: H.LIÊN

Đến nay, các học viên lớp nhạc hiếu ai cũng nắm được 6 - 7 bản nhạc cúng, nhạc tụng, ai cũng rành nhạc nghi lễ với những bài Xuân nữ, Nam ai, Nam Bình, bài tạ... Tất nhiên, để có được thành quả đó, công lao của người thầy hết sức to lớn. Đối với những học viên khiếm thị, thầy phải “cầm tay chỉ việc”, ban đầu cho tiếp xúc với nhạc cụ, nốt nhạc, sau đó thầy phải ghi âm qua điện thoại để họ nghe, thẩm âm... Mỗi thành viên, thầy phải dạy theo mỗi phương pháp khác nhau. Thầy Huỳnh Bá Sơn cho biết: “Nghề nhạc hiếu không phải một sớm một chiều là có thể học được. Có điều, tôi rất mừng khi trong một thời gian ngắn, các anh chị đã vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì đam mê. Nhưng cũng cần thêm thời gian, cần thêm sự hỗ trợ của xã hội để họ có điều kiện nâng cao tay nghề, có thể trụ vững”.

Cộng đồng sẻ chia

Trong suốt khóa đào tạo, từ nguồn kinh phí hỗ trợ 180 triệu đồng của chương trình “Việc làm bền vững và tăng cường vị thế cho NKT trong cộng đồng” và từ sự hỗ trợ 25 triệu đồng của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện, Hội NKT Đại Lộc đã trang bị phòng học, trả lương cho giáo viên đứng lớp, hỗ trợ toàn học viên suốt khóa học như chi phí xăng xe cộ đi lại, tiền ăn trưa, tiền bồi dưỡng 50.000 đồng/buổi học… Học viên còn nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng như cựu chiến binh Hồ Thị Cưu hỗ trợ 300kg gạo để học viên ăn trưa; một chủ doanh nghiệp hỗ trợ 11 suất quà để học viên đón tết ấm áp.

Theo ông Nguyễn Huy - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH), điều phối viên tổ chức Apheda Việt Nam, lớp học nghề nhạc hiếu này thuộc dự án thứ 3 mà Apheda tổ chức tại Quảng Nam, sau lớp vi tính và lớp vàng mã. Riêng mô hình dạy nghề nhạc hiếu này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại một số địa phương khác. Để các học viên sống được bằng nghề, cần trải qua 1 bước đào tạo nữa. Ông Nguyễn Văn Nhơn - Phó Chủ tịch UBMT huyện Đại Lộc cho biết, rất mong những mô hình này tiếp tục được nhân rộng để tăng vị thế của NKT trong cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Cần thành lập 1 nhóm hoặc 1 câu lạc bộ nhạc hiếu. Các thành viên khi đi phục vụ tang lễ cần phải được hỗ trợ hệ thống âm thanh, nhạc cụ, trang thiết bị… với chi phí đến vài trăm triệu đồng. Các cấp, ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng cần tiếp tục hỗ trợ để họ có công ăn việc làm, trụ vững và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình.

Theo ông Trương Tấn Bửu - Chủ tịch Hội NKT huyện Đại Lộc, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục xin kinh phí từ đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, tiếp tục bồi dưỡng nghề cho học viên, tạo điều kiện cho các anh chị em lập thành 1 đội nhạc hiếu phục vụ việc tang lễ tại địa phương. Ngoài ra, hội sẽ xin nguồn kinh phí từ tổ chức hỗ trợ NKT Việt Nam để hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị giúp các anh chị em có điều kiện hành nghề.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN