Người thất nghiệp chưa chuộng học nghề

HOÀNG LINH 12/06/2013 08:31

Trong 5 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh có 2.377 người nộp hồ sơ đăng ký thất nghiệp, nhưng chỉ có 2 người có nhu cầu được hỗ trợ học nghề. Con số đó cho thấy thực tế người thất nghiệp vẫn thờ ơ với việc học nghề...

Tại Văn phòng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, nhiều người lao động (LĐ) đến làm thủ tục đăng ký hưởng BHTN mà chưa quan tâm nhiều đến chuyện tìm việc làm mới, đặc biệt là chuyện học nghề. Chị Trần Thị Thúy Kiều (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) là công nhân của Công ty May Sportteam Corporation đã nghỉ việc. Khi được hỏi về chính sách BHTN, chị Kiều cười nói: “Tôi chỉ biết nghỉ việc thì được hưởng trợ cấp BHTN nên đến đây để đăng ký. Còn các chính sách hỗ trợ khác tôi chưa biết”. Khi được các cán bộ trung tâm tư vấn hỗ trợ học nghề để có thể tìm cơ hội việc làm mới, chị Kiều từ chối với lý do: “Tôi mới nghỉ sinh xong, bận chăm sóc con nhỏ nên không thể tiếp tục đi làm hay dành thời gian học nghề. Trước mắt, tôi làm hồ sơ nhận trợ cấp để nuôi con ít nhất được 1 tuổi rồi mới tính đến chuyện khác. Nếu trung tâm tổ chức lớp dạy nâng cao tay nghề may, sau này tôi sẽ sắp xếp thời gian đi học để có mức lương tốt hơn”.  

Người LĐ đến đăng ký hưởng BHTN chưa quan tâm nhiều đến học nghề. Ảnh: D.L
Người LĐ đến đăng ký hưởng BHTN chưa quan tâm nhiều đến học nghề. Ảnh: D.L

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người thất nghiệp không mặn mà với chuyện học nghề hay đăng ký tìm việc tại trung tâm là do thiếu nhận thức về quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mục đích chính của BHTN là bù đắp một phần thu nhập của người LĐ bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ LĐ thất nghiệp học nghề, tìm việc làm. Theo ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh: “Số người mong muốn được học nghề và có việc làm lại không phải ít nhưng chính sách hỗ trợ còn quá thấp nên người LĐ chưa quan tâm. Hiện nay, mỗi người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề 300 nghìn đồng/tháng và không quá 6 tháng học nghề. Số tiền thấp và thời gian ngắn như vậy khiến họ không thể nào học được nghề để thay đổi vị trí khi tham gia vào thị trường lao động”. Ông Tưởng cũng cho biết thêm, Bộ LĐ-TB&XH đang có dự thảo nâng mức hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp, sẽ trình Chính phủ xem xét trong thời gian tới.

Trong 5 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh có 2.377 người nộp hồ sơ đăng ký thất nghiệp, trong đó có 2.242 người trong độ tuổi từ 24 - 40 tuổi đã có quyết định hưởng trợ cấp. Số người được Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.219 người và có việc làm trở lại là 152 người. Điều đáng nói, chỉ có 2 người trong số những người đến đăng ký thất nghiệp có nhu cầu học nghề và được hỗ trợ học nghề trở lại, với số tiền là 2,7 triệu đồng.

Theo phân tích của Văn phòng đăng ký BHTN (Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh), người thất nghiệp chủ yếu là LĐ phổ thông ở các ngành may mặc, giày da, xây dựng. Số LĐ này qua quá trình đi làm đã có tay nghề được đào tạo tại doanh nghiệp, nên dù có thất nghiệp họ vẫn có cơ hội tìm việc làm mới. Thêm nữa, phần lớn LĐ phổ thông là nữ, có con nhỏ nên không muốn học nghề mà chỉ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp và quay lại thị trường LĐ. Đối với nam giới bị mất việc, họ quay lại thị trường LĐ tự do như đi phụ hồ, khai thác keo... để có nguồn thu nhập hằng ngày. Trong khi đó, người LĐ sau khi học nghề với thời gian tối đa là 6 tháng thì có được chứng nhận là bằng nghề sơ cấp. So ra, bằng nghề ở trình độ này khoản thu nhập không cao hơn so với LĐ phổ thông, cơ hội được tuyển dụng rất hạn chế. Đào tạo ở trình độ sơ cấp, với công nghệ lạc hậu và cách đào tạo như hiện nay thật sự rất khó thu hút người thất nghiệp vào học nghề. Vì nếu học thì tay nghề của họ cũng chẳng khá hơn, doanh nghiệp khi tuyển dụng cũng phải đào tạo lại từ đầu cho phù hợp với dây chuyền công nghệ hiện đại.

HOÀNG LINH

HOÀNG LINH