Dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Nam Trà My: Bước khởi đầu suôn sẻ
Ngay từ những ngày đầu thành lập (tháng 6.2011), Trung tâm Dạy nghề huyện Nam Trà My đã xác định mục tiêu rất cụ thể: gắn đào tạo với giải quyết việc làm; ưu tiên dạy các nghề phù hợp cho thanh niên các dân tộc thiểu số. Thay vì đào tạo đại trà, trung tâm tập trung đào tạo những nghề gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương.
Ngày càng có nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Nam Trà My được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. TRONG ẢNH: Các học viên người Xê Đăng hoàn thiện sản phẩm dệt dồ truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: B.A |
Ông Phạm Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nam Trà My cho biết, với những nghề phổ thông như may mặc, nề, mộc..., việc tuyển sinh và tổ chức dạy nghề chỉ được thực hiện khi đã cơ bản tính toán được đầu ra... Bằng cách làm này, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Nam Trà My đã mở được 17 lớp với 525 học viên. Trong đó, nghề may công nghiệp có 4 lớp với 120 học viên và đến nay, 113 người trong số này đã có việc làm ổn định. Với nghề thợ nề, trung tâm mới chỉ mở “thử nghiệm” một lớp với 30 học viên. Sau khi tốt nghiệp, đến nay toàn bộ những người theo học nghề này đã có việc làm ổn định, trong đó có 18 người làm việc tại địa phương với mức lương 100 nghìn đồng/người/ngày (sau khi đã trừ chi phí ăn uống). Riêng với nhóm nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của huyện, 210 học viên theo học kỹ thuật thú y và kỹ thuật trồng rau, hiện đã mang kiến thức, kỹ năng trở về làm việc tại các thôn bản. Ông Lê Ngọc Kích - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, với nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng các loại rau, quả phục vụ nhu cầu hằng ngày hiện vẫn còn một “khoảng trống” khá lớn. Do vậy, việc đào tạo các nghề liên quan đến 2 lĩnh vực này là rất cần thiết, góp phần từng bước giải quyết nghịch lý tồn tại lâu nay là “có đất đai, có điều kiện nhưng không sản xuất được thực phẩm tại chỗ”.
Ngoài những nghề phổ thông kể trên, năm ngoái, Trung tâm Dạy nghề Nam Trà My còn chiêu sinh đào tạo một nghề đặc biệt khác là dệt dồ và thổ cẩm, dành riêng cho con em Xê Đăng ở các xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang. Trong số 165 học viên theo học nghề này, đến nay đã có 50 người tốt nghiệp, trở về thôn bản, kết hợp với các nghệ nhân ở địa phương khôi phục nghề dệt truyền thống này. Hiện tại, ở 3 xã nói trên đã có gần 100 khung dệt; sản phẩm làm ra bước đầu được trung tâm bao tiêu, hoàn thiện và xuất bán ra thị trường... Nhận thấy nghề dệt truyền thống này có triển vọng phát triển, lại được địa phương khuyến khích, hỗ trợ nên đầu năm nay, thêm 3 lớp nữa được mở với 85 học viên...
Dễ thấy, những gì đã làm được như đã “liệt kê” ở trên chưa phải là lớn, nhưng với một đơn vị còn non trẻ như Trung tâm Dạy nghề Nam Trà My thì đó đều là những việc rất có ý nghĩa. Sau bước khởi động khá suôn sẻ này, niềm vui càng được nhân lên khi mà tâm lý ngại xa gia đình, xa cộng đồng làng đang từng bước được loại bỏ và nhất là ý thức vươn lên thoát nghèo cũng hình thành rõ nét hơn trong các cộng đồng Co, Xê Đăng nơi đây...
BẢO ANH