Hành trình chinh phục tri thức

H. THÚY 04/02/2019 06:07

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nghèo khó thôn Đại Phú (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc), ước mơ và quyết tâm chinh phục những đỉnh cao tri thức mới đã đưa Lê Ngọc Quang đến với thành công. Anh hiện là nghiên cứu sinh ngành Thông tin học tại Đại học Khon Kaen - một trong những trường đại học danh tiếng ở khu vực Đông Bắc Thái Lan, cũng là cán bộ quản lý tri thức tại Viện Mê Kông Thái Lan…

Lê Ngọc Quang.
Lê Ngọc Quang.

Ký ức và động lực

Hành trình của cậu sinh viên đất Quảng bắt đầu với tấm bằng cử nhân ngành Việt Nam học Trường Đại học Quảng Nam năm 2012. Ngay sau khi tốt nghiệp, Quang được Tổ chức Hành động bom mìn Đan Mạch (DDG) tuyển dụng làm nhân viên giáo dục nguy cơ bom mìn, khi tổ chức này triển khai Dự án Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho học sinh huyện Duy Xuyên. “Ba mình cũng bị thương do hậu quả của bom mìn sau chiến tranh (ba Quang đã mất năm 2016 - NV). Lúc ba gặp nạn, mình còn là học sinh tiểu học, nhưng mối nguy cơ và hiểm họa từ bom mìn luôn ám ảnh và thôi thúc mình quyết định làm việc cho DDG trước khi du học. Thời gian làm việc tại Quảng Nam với địa bàn dự án ở Duy Xuyên, mình và cộng sự đứng lớp tập huấn cho rất nhiều học sinh và giáo viên các cấp học của địa phương. Đây là quãng thời gian đẹp và đáng nhớ của mình” - Quang tâm sự.

Trong 3 năm làm việc ở DDG, từ vị trí nhân viên giáo dục cho đến cán bộ quản lý thông tin của dự án, Quang luôn ấp ủ hoài bão du học sau đại học tại các nền giáo dục phát triển trên thế giới để có thể đóng góp nhiều hơn, rộng hơn, ngăn chặn hiệu quả hơn những rủi ro do tai nạn bom mìn gây ra. “Chính động lực này đã giúp mình không ngừng cố gắng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ tiếng Anh” - Quang chia sẻ.

Lê Ngọc Quang (hàng ngồi, thứ 2 bên phải) trong buổi tốt nghiệp thạc sĩ năm 2017.
Lê Ngọc Quang (hàng ngồi, thứ 2 bên phải) trong buổi tốt nghiệp thạc sĩ năm 2017.

Hiện thực hóa ước mơ

Theo Quang, sinh viên Trường Đại học Quảng Nam còn chậm và thụ động. Chậm không phải vì yếu kiến thức, mà vì thiếu sự năng động và hội nhập so với các trường đại học trong khu vực, có lẽ do đặc thù một trường tỉnh lẻ. Khi bước sang năm 3 đại học, Quang bắt đầu có ý định tìm học bổng sau đại học và thật sự đã say mê với nó. “Mình nhớ có lần chia sẻ với bạn cùng lớp về ý định này và họ nói là viển vông. Nhưng mình đã tự động viên bản thân, và thế là niềm mơ ước ấp ủ đã thành công. Cũng chính nhờ học ở trường đại học tỉnh lẻ nên mình dễ dàng bày tỏ động lực trong thư tiến cử học bổng, cũng như thư trình bày lý do, động lực thúc đẩy mong muốn tham gia khóa học - motivation letter” - Lê Ngọc Quang nói.

Cuối năm 2015 Quang quyết định săn học bổng thạc sĩ tại một số nước châu Á sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các chứng chỉ và giấy tờ liên quan. Trên cả kỳ vọng, Kỳ học mùa xuân 2016 (Spring Semester) Quang được 3 trường đại học quốc gia tại Đài Loan và 1 trường đại học của Hàn Quốc cấp học bổng toàn phần cho 2 năm học thạc sĩ, bao gồm học phí và sinh hoạt phí. Sau nhiều đêm trăn trở và cân đối các khoản chi phí cuộc sống tại nước ngoài, Quang quyết định chọn Đại học Quốc gia Chung Cheng Đài Loan để theo học chuyên ngành Lãnh đạo giáo dục và phát triển quản lý tại Khoa Giáo dục. Học bổng được trao trong 2 năm nhưng Quang chỉ mất một năm rưỡi để hoàn thành chương trình thạc sĩ và tốt nghiệp loại giỏi với điểm số 90.16/100 (theo thang điểm Đài Loan).

Trong luận văn tốt nghiệp, Quang đã kết hợp kiến thức học được từ trường và kinh nghiệm thực tế, dữ liệu thu thập việc đánh giá toàn bộ dự án giáo dục nguy cơ bom mìn khi còn làm việc tại Việt Nam. Luận văn tốt nghiệp của Quang được các giáo sư trong Hội đồng đánh giá rất cao và tiến cử để tiếp tục theo học tiến sĩ. Nhận xét về luận văn của Quang, giáo sư hướng dẫn Chih-Cheng Hung đánh giá: “Nghiên cứu của Quang nằm trong phạm vi nghiên cứu rộng lớn chưa được khám phá về giáo dục nguy cơ và nhận thức bom mìn. Nghiên cứu này gợi mở những đóng góp mới và đã sử dụng hướng tiếp cận đánh giá giáo dục thay vì tiếp cận khoa học truyền thông như trước đây. Tôi và các đồng nghiệp trong hội đồng khuyến khích nên mở rộng nghiên cứu này trở thành dự án nghiên cứu ở cấp độ tiến sĩ”.

Lùi để tiến

Ngoài nghiên cứu và làm việc tại Viện Mê Kông, Lê Ngọc Quang còn dành thời gian giúp đỡ các bạn sinh viên Việt Nam có mong muốn tìm học bổng học tập tại các nước tiên tiến. Đến nay, Quang đã hỗ trợ 5 sinh viên có được học bổng toàn phần hoặc bán phần để học tập tại Hàn Quốc và Đài Loan.

Ngay sau khi Lê Ngọc Quang tốt nghiệp thạc sĩ, giáo sư Chih-Cheng Hung đã viết thư tiến cử để tiếp tục nộp học bổng tiến sĩ tại các trường đại học ở Canada. Tuy nhiên Quang đã xin hoãn vì lý do muốn tích góp thêm kinh nghiệm thực tiễn và nghiên cứu. Quang ý thức được rằng, đối với khoa học xã hội và nhân văn cần có một “độ lùi” trong nhận thức, tư duy và cả kinh nghiệm thực tế. Một tháng sau - tháng 9.2017, Quang vượt qua hàng trăm ứng viên để trở thành nhân viên chính thức tại Viện Mê Kông, Thái Lan. Đây là một trong những tổ chức liên chính phủ được điều hành bởi 6 quốc gia thành viên của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng gồm Campuchia, Trung Quốc (tỉnh Vân Nam và khu tự trị Guangxi Zhuang), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, có trụ sở đặt tại Đại học Khon Kaen với mục tiêu tăng cường hợp tác và hội nhập phát triển khu vực. “Nhân viên của viện đến từ hơn 10 quốc gia với sự đa dạng về văn hóa và nền tảng giáo dục. Công tác tại Viện Mê Kông đã giúp mình có cái nhìn đa chiều về bối cảnh và kinh nghiệm làm việc quý báu cũng như tương tác trong môi trường đa quốc gia” - Quang chia sẻ.

Giữa tháng 6.2018, Quang đón tin vui khi được nhận học bổng toàn phần chương trình đào tạo tiến sĩ của Đại học Khon Kaen cho các cá nhân đến từ khu vực Đông Nam Á và Tiểu vùng sông Mê Kông. Học bổng trị giá 325.000 bath/năm, bao gồm học phí, sinh hoạt phí, chi phí xử lý VISA, nghiên cứu và đi lại. “Để có được kết quả này là một sự cố gắng không nhỏ của cá nhân Quang và sự khuyến khích mạnh mẽ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là Viện Mê Kông. Với đề tài về quản lý tri thức cho khối phi lợi nhuận, Quang hy vọng sẽ một lần nữa mang kiến thức, kinh nghiệm có được trong quá trình làm việc để tạo ra những sản phẩm khoa học chất lượng với công trình nghiên cứu của mình. Mình sẽ cố gắng hoàn thành luận án và tốt nghiệp tiến sĩ ở tuổi 30, sau đó sẽ quay về Việt Nam góp phần xây dựng quê hương” - Quang nói.

H. THÚY

H. THÚY