Giữ lửa tình nguyện
Tình nguyện luôn được xem là thuộc tính đặc trưng, là nhu cầu của tuổi trẻ. Thanh niên Quảng Nam luôn sẵn sàng dấn thân, xung phong đến những nơi gian khổ để san sẻ, giúp đỡ đồng bào nghèo khó, khẳng định tinh thần “đâu khó có thanh niên”.
Tuổi trẻ Quảng Nam giúp dân bê tông hóa giao thông nông thôn. Ảnh: THIÊN NGÂN |
Rộng khắp
Hơn 15 năm qua, kể từ khi “Thanh niên tình nguyện” trở thành phong trào lớn trong cả nước, bóng dáng áo xanh tình nguyện đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân xứ Quảng. Đặc biệt, mỗi dịp hè hay khi mưa bão, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) lại về với những miền quê, những vùng sâu gian khó giúp dân. Các hoạt động tình nguyện của thanh niên luôn được người dân đánh giá là rất thiết thực. Mỗi dịp, mỗi chuyến tình nguyện qua đi, ĐVTN lại xây dựng nên một công trình trực tiếp phục vụ đời sống cho người dân địa phương.
Tuổi trẻ Tây Giang có nhiều điều kiện thuận lợi tham gia phong trào tình nguyện khi huyện ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về huy động lực lượng thanh niên tham gia lao động công ích, xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2013 - 2023. Bí thư Huyện đoàn Bríu Thị Sen cho biết: “Xác định chủ trương về định hướng xây dựng nông thôn mới, huyện đoàn đã tích cực triển khai và vận động ĐVTN đóng góp tài năng, sức trẻ của mình cho quê hương. Dù điều kiện đi lại, sinh sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi Đoàn phát động chiến dịch tình nguyện, các bạn luôn nhiệt tình lên đường”. Với các đơn vị miền núi, những phần việc được chọn như khai hoang ruộng lúa nước, xây dựng cầu gỗ bắc qua suối… là những công trình điển hình mang tính biểu trưng cho sức mạnh của sự đoàn kết ĐVTN. “Có thể huy động được kinh phí, nhưng nếu không có sức người và sự tình nguyện của những trái tim nhiệt huyết thì khó có thể làm nên các công trình. Được đi trên những con đường mới, cây cầu vững chãi... người dân ở đây ai nấy tấm tắc ngợi khen tấm lòng của ĐVTN” - Alăng Hoàng, Bí thư Đoàn xã Ba (Đông Giang) chia sẻ.
Ở vùng đồng bằng, nhiều cơ sở đoàn cũng đã mang sức trẻ tham gia đóng góp những công trình, phần việc ý nghĩa cho nhân dân. Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình - Phan Thị Nhi nói: “Hoạt động tình nguyện của thanh niên hôm nay không chỉ đơn thuần là thăm, tặng quà, là khám bệnh phát thuốc mà cao hơn nữa là tính bền vững với việc để lại những công trình thanh niên có giá trị lâu dài”. Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ chủ động kết nối, hình thành các câu lạc bộ (CLB), đội nhóm tình nguyện với khoảng 50 CLB đang hoạt động hiệu quả. Những cái tên như: Chong chóng xanh, Nguyện ước xanh, Ban mai, Trái tim hồng, Nhân ái, Kết nối yêu thương, CLB Hội đồng hương Phú Ninh, Đại Lộc quê mình... đã trở nên thân quen với nhiều chương trình thiện nguyện mang lại lợi ích cho xã hội.
Để hoạt động hiệu quả và nhận được sự tin cậy, hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các CLB tổ chức, quản lý rất chặt chẽ, từ nhân sự đến tài chính. Danh sách ủng hộ của các nhà hảo tâm được công khai kịp thời trên website, facebook, forum của CLB. Khi trao tiền cho bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có hình ảnh, biên nhận. “Để các CLB có thể duy trì hoạt động, nếu chỉ có tấm lòng của các thành viên không thôi thì chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội” - Nguyễn Minh Vương, Chủ nhiệm CLB Hội đồng hương Phú Ninh nói.
Giữ lửa
Theo anh Phan Văn Bình - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh, trong phong trào tình nguyện hiện nay, các cấp bộ đoàn, hội luôn chú trọng “tình nguyện tại chỗ”. Chính sự vào cuộc của tổ chức đoàn, hội và ĐVTN địa phương đã duy trì hoạt động cho các công trình dân sinh, như sân chơi cho thiếu nhi, nhà văn hóa thôn, bản... Tuy nhiên, chất lượng một số hoạt động tình nguyện và giá trị sản phẩm tình nguyện chưa cao. Theo anh Bình, trong thời gian tới, các đội hình tình nguyện, các CLB, đội nhóm cần phải mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động, huy động được đông đảo ĐVTN và các tầng lớp nhân dân cùng vào cuộc để mang lại những lợi ích thiết thực với từng địa phương.
Nói về việc giữ lửa các hoạt động tình nguyện của tổ chức đoàn, nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, Trưởng Văn phòng đại diện báo Thanh Niên tại Đà Nẵng (đơn vị có nhiều phối hợp trong các hoạt động tình nguyện tại Quảng Nam) nêu bật yếu tố sáng tạo của thanh niên. Sự sáng tạo phải được đi kèm với tính quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực. “Người trẻ hơn người lớn tuổi ở chỗ sáng tạo. Nhưng lại chưa bằng người lớn tuổi hơn về kinh nghiệm. Vì kinh nghiệm phải trải qua thời gian mới có. Cho nên, các bạn trẻ có sáng tạo nhưng cũng cần tham khảo kinh nghiệm, ý kiến của người lớn hơn. Có tâm, có ý tưởng thiện nguyện thì phải theo đuổi đến cùng, thắp lửa thì phải giữ cho được ngọn lửa đó” - nhà báo Nguyễn Thế Thịnh nói.
Liên quan đến câu chuyện “giữ lửa” trong hoạt động tình nguyện, Nguyễn Minh Vương trải lòng: “Tình nguyện như một ngọn lửa đang cháy. Nếu chúng ta để lửa cháy quá to sẽ chóng tàn, nhưng cũng không để lửa cháy quá nhỏ sẽ dễ vụt tắt. Thế nên, hãy giữ ngọn lửa tình nguyện cháy vừa phải, để những người bất hạnh được sưởi ấm”. Vương cho biết, có nhiều chuyến tình nguyện xa cả trăm cây số, đường rừng núi nguy hiểm; lại có đợt mang hàng hóa vào vùng lũ, nước dâng cao… nhưng anh em vẫn quyết tâm thực hiện bằng được. Với nhiều bạn trẻ, hoạt động thiện nguyện cứ như một niềm đam mê. Làm người khác nở nụ cười hay rơi giọt nước mắt vì cảm động là họ lại thấy mình hạnh phúc vô cùng. “Để có hiệu quả, các hoạt động tình nguyện phải được tổ chức khoa học, bài bản từ khảo sát nhu cầu, địa điểm, các điều kiện cần thiết để triển khai. Điều cần lưu ý, khi triển khai bất cứ chương trình gì, CLB, đội, nhóm tình nguyện nên bám sát với các tổ chức đoàn, hội tại địa phương đó để có sự hỗ trợ, đem lại hiệu quả hoạt động cao nhất” - Vương chia sẻ.
THIÊN NGÂN