Tạo cú hích phát triển các cụm công nghiệp
Nội dung quan trọng được bàn bạc, thảo luận tại buổi làm việc của HĐND tỉnh với Sở Công Thương về thực hiện các nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra chiều ngày 27.6 là nhận diện thực trạng, tìm cách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập CCN Tây An 1 (huyện Duy Xuyên), nâng tổng số CCN có quyết định thành lập trên địa bàn tỉnh là 54 CCN. Tính đến nay, đã có 318 dự án đăng ký đầu tư vào các CCN, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án hơn 16.968 tỷ đồng. Trong đó, có 259 dự án đã thực hiện đầu tư với tổng nguồn vốn thực hiện là 8.327 tỷ đồng, tổng số lao động làm việc trong các CCN là 31.310 lao động. Trong khi đó, toàn tỉnh mới có 3 CCN đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, gồm CCN Trường Xuân với 10 doanh nghiệp đã đấu nối nước thải vào hệ thống chung, còn 6 doanh nghiệp chưa thực hiện đấu nối; CCN Hà Lam - Chợ Được (Thăng Bình) đã xây dựng hệ thống nước thải tập trung nhưng chưa đưa vào hoạt động do chưa đầu tư hệ thống xả thải; CCN An Lưu (Điện Bàn) đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 9 tới đây với công suất 700m3/ngày đêm.
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, qua khảo sát tình hình biến động và xác định nhu cầu lao động ngành dệt, may, da giày tại các CCN đã nhận thấy tay nghề lao động thấp, chưa đáp ứng nhu cầu công việc. Các doanh nghiệp khó tuyển được lao động mới, nhất là lao động có tay nghề cao. Trong khi đó, lực lượng lao động tại các CCN luôn biến động, thiếu trước hụt sau gây trở ngại sản xuất của doanh nghiệp. “Số lao động ngành dệt, may, da giày có xu hướng chuyển dịch sang các nghề mới có môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn như du lịch, dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do thiếu lao động” - ông Nguyễn Quang Thử nói.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 27,3 nghìn tỷ đồng (tăng 12,53% so với cùng kỳ năm trước). Tính đến nay, Quảng Nam có 38,7 nghìn cơ sở bán lẻ hàng hóa đang hoạt động với 54,9 nghìn lao động, 159 chợ đạt tiêu chuẩn, trong đó có 2 chợ hạng 1 (Tam Kỳ và Hội An), 13 chợ hạng 2 và 144 chợ hạng 3.
Trước những khó khăn về sản xuất của các ngành dệt, may, da giày ở các CCN, ngành công thương đề xuất với HĐND tỉnh cần có ý kiến với UBND tỉnh khi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các CCN nên chú ý đến trình độ công nghệ để giảm bớt công lao động; có chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận, đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh. “Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp quản lý CCN, do vậy đề nghị HĐND tỉnh có ý kiến với UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng quy chế ưu đãi đầu tư thay thế Quyết định 06 và Quyết định 15, trong đó, nâng mức hỗ trợ đầu tư để tạo thêm điều kiện giúp các CCN đảm bảo bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư, kiện toàn hệ thống xử lý nước thải” - ông Thử nói thêm.
Ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là bền vững, ổn định nhưng các hạn chế về sản xuất, xử lý nước thải tại các CCN trên địa bàn tỉnh lại đang cho thấy tầm nhìn, chiến lược... thiếu lâu dài. Công tác đào tạo nghề phục vụ cho lao động các nghề dệt, may, da giày đã không đáp ứng được yêu cầu. Các CCN phát triển chưa đạt kỳ vọng, thiếu nguồn lực để đầu tư hệ thống xử lý nước thải, mới chỉ chiếm 0,058% là đáng lo. Các đề xuất của Sở Công Thương là rất đáng ghi nhận, trong thời gian đến sẽ nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ để các CCN tạo mặt bằng sạch cũng như đầu tư, kiện toàn hệ thống xử lý nước thải. “Về đổi mới, cải tiến công nghệ là rất cần thiết đối với doanh nghiệp bởi tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 là quá rõ ràng. Tỉnh có cơ chế hỗ trợ nhưng các doanh nghiệp phải nỗ lực vận động cho phù hợp với yêu cầu phát triển, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm” - ông Nguyễn Đức nói.