Khu kinh tế mở Chu Lai: Một giấc mơ khác

LÊ VĂN 14/12/2018 06:30

Giấc mơ tái hiện trên vùng đất mở Quảng Nam một “trung tâm kinh tế thế giới” như cảng thị Hội An xưa; về một mô hình kinh tế đặc biệt, thí điểm hội nhập kinh tế quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa, sau hơn 15 năm đã không thành hiện thực. Tuy nhiên, quá trình “vận động” của Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai, cùng những định hướng chính sách, những bài học từ thực tiễn xây dựng và phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước, đang đặt cơ sở cho một kỳ vọng khác…

Khu công nghiệp Tam Thăng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may FDI.
Khu công nghiệp Tam Thăng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may FDI.

Không có KKTM Chu Lai, Quảng Nam không có được thành tựu và cơ hội phát triển như hôm nay. Đánh giá một cách khái quát nhất đóng góp của KKTM Chu Lai với địa phương, hẳn sẽ không có nhận định nào khác. Từ một tỉnh nghèo nhất nhì cả nước, công nghiệp gần như là con số không, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn của khu vực; giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị tổng sản phẩm xã hội (GPDP) đứng đầu trong số các tỉnh, thành phố Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung; thu ngân sách trên địa bàn năm 2018, ước đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng. Trong đó, KKTM đóng góp hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp và số thu ngân sách.

Tuy nhiên, nói về Chu Lai, về KKTM đầu tiên của cả nước, không chỉ có thế…

Kỳ vọng không thành

Hơn 15 năm trước, lễ công bố Quyết định 108-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ thành lập KKTM Chu Lai trên vùng cát hoang sơ xã Tam Hiệp (Núi Thành), là một sự kiện đặc biệt trên đất Quảng. Đông đảo người dân có mặt tại buổi lễ chen lấn nhau trước những tấm pano cỡ lớn phác họa diện mạo tương lai của một vùng đất hàng chục ngàn héc ta, kéo dài từ cực nam của tỉnh đến tận Tam Thanh, Tam Thăng của TP.Tam Kỳ. Tràn đầy niềm tin và hy vọng.

Xưởng sản xuất và lắp ráp ô tô của Trường Hải tại Chu Lai. Ảnh: M.ĐỨC
Xưởng sản xuất và lắp ráp ô tô của Trường Hải tại Chu Lai. Ảnh: M.ĐỨC

Những cụ ông, cụ bà, những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn dãi dầu mưa nắng trên những vùng đất nghèo, dù không hiểu mô tê gì về kinh tế mở, vẫn hồ hởi với niềm tin về sự thay da đổi thịt của quê hương, về cơ hội đổi đời, không phải cho riêng mình mà cho con cháu. “Mình chịu thiệt thòi chút ít, chấp nhận rời bỏ mảnh đất chôn nhau cắn rốn để nhường chỗ cho Nhà nước làm kinh tế mở, cũng là hy sinh cho con cháu mình, tiếc gì?” - một cụ già có nhà cửa trong diện giải tỏa  để xây dựng khu công nghiệp cơ khí ô tô bộc bạch chân tình trong niềm hân hoan của ngày hội lớn.

Những nhà quản lý, cán bộ, công chức của cả hệ thống chính trị mơ về một sự bứt phá, một cơ hội xoay chuyển tình thế ngoạn mục của Quảng Nam, một địa phương đang loay hoay với cái đói, cái nghèo.

Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia kinh tế, trong quá trình thảo luận, tư vấn chính sách, hoàn toàn đặt niềm tin về sự tái hiện mô hình cảng thị Hội An - một “trung tâm kinh tế thế giới” của các thế kỷ trước, trên đất Quảng trong tương lai gần. Thậm chí, có nhà khoa học ví von, Chu Lai như ông thần đèn ngủ yên hàng trăm năm, nay giật mình thức dậy… Họ tin, với KKTM, đất Quảng sẽ thêm một lần nữa, đi đầu…

Nhìn sang Thâm Quyến (Trung Quốc) và nhiều đặc khu kinh tế khác, phân tích vị trí địa chiến lược của Quảng Nam, nhìn lại lịch sử mở cửa và hội nhập của xứ Đàng Trong, định hướng chính sách ở tầm vĩ mô và bản lĩnh, ý chí của người Quảng, những niềm tin và kỳ vọng ấy không phải là quá xa vời.

Nhưng giấc mơ và niềm tin đã không thành. Khu phi thuế quan, được xem là “trái tim” của KKTM trong quy hoạch và thiết kế chính sách, không thể ra đời. Một “phòng thí nghiệm về thể chế kinh tế và cơ chế quản lý hành chính đặc biệt”, không được cụ thể hóa trong thực tế. Một trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế, trung tâm trung chuyển hàng không, hàng hải và những trung tâm khác, cũng đang ở thì tương lai... Nói ngắn gọn, những mục tiêu cốt lõi nhất trong nội hàm khái niệm KKTM, sau 15 năm vẫn còn nằm trên giấy!

Và một  giấc mơ khác…

Quảng Nam cơ bản đã phải tự vận động, tự xoay xở để làm kinh tế “mở” trong tình thế khó, khi cơ chế vừa mở ra đã bị đóng lại. Kết quả của quá trình tự thân vận động này, như lời ngợi khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (tháng 3.2017), đại ý rằng, “đã chọn hướng đi đúng về tầm nhìn chiến lược trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.

Thế và lực của Quảng Nam hiện giờ đã khác.  Hơn 15 năm trước, những vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh đã lặn lội vào Nam, tìm đến tận nhà ông Trần Bá Dương (hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải – PV) và không ít doanh nhân khác để vận động, thuyết phục ra Quảng Nam làm ăn. Ông Nguyễn Quang Việt - nguyên Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Quảng Nam, đối tác chiến lược của ô tô Trường Hải - Chu Lai, nhắc lại kỷ niệm 15 năm trước: “Lúc đó, tôi và anh Trần Bá Dương đều… liều. Được ăn cả, ngã về không!”. Nay thì Quảng Nam đã có hơn 6.500 doanh nghiệp. Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, có hơn 15,8 tỷ USD đăng ký đầu tư vào Quảng Nam, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước. Riêng Trường Hải công bố con số đầu tư giai đoạn 2017 - 2025, hơn 3 tỷ USD. Các doanh nghiệp đang xếp hàng để vào Quảng Nam, thậm chí có thời điểm, Khu công nghiệp Tam Thăng buộc phải giãn tiến độ thu hút đầu tư vì không chuẩn bị kịp mặt bằng.

Không có và cũng không còn  kỳ vọng về cơ chế, thể chế thí điểm, thoáng mở trong trước mắt. “Mở”  giờ chỉ còn là cái tên. Nhưng vị thế và cơ hội của KKTM Chu Lai ngày càng được khẳng định, với Quảng Nam và rộng ra là cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch KKTM, bao phủ khu vực rộng lớn vùng cát ven biển Quảng Nam đầy tiềm năng phát triển. Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) vừa quyết định ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Quảng Nam đã định hình một tầm nhìn chiến lược với 6 nhóm dự án trọng điểm vùng Đông Nam và đang quyết liệt triển khai thực hiện. Nhiều dự án quy mô lớn đã và đang tiếp tục đầu tư, tạo nên không khí sôi động trên một vùng đất hàng trăm năm hoang vắng…

Tự thân vận động, giờ là lúc đã có thể nghĩ khác, làm khác và một giấc mơ khác về kinh tế mở, thực tế hơn, thiết thực hơn và khả thi hơn, dĩ nhiên với ý chí, quyết tâm lớn hơn, tư duy và hành động cũng phải mới mẻ, quyết liệt hơn.

Đó sẽ là giấc mơ về những đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch bài bản, khoa học để đảm bảo phát triển nhanh, bền vững và bao trùm. Một quy hoạch không để các dự án đầu tư chiếm trọn không gian biển. Những làng chài được sắp xếp lại, nhưng vẫn bảo tồn vẹn nguyên các giá trị văn hóa truyền thống, không gian sinh hoạt và sinh kế của ngư dân. Các di tích lịch sử và văn hóa không bị biến mất và ngày càng phát huy giá trị. Một bộ phận cư dân nông nghiệp vẫn đủ điều kiện để sản xuất và sinh sống trong không gian của làng quê truyền thống. Những đô thị được quy hoạch, thiết kế hiện đại, không theo mô thức phân lô bán nền, như sai lầm phổ biến ở nhiều đô thị hiện nay. Những mảng  rừng trong phố… Một vùng đất phát triển nhanh, hiện đại, hài hòa, bền vững, giàu bản sắc...

LÊ VĂN

LÊ VĂN