Nhìn lại những chuyển động - Bài 2: Tín hiệu mới trong sự ổn định

LÊ VĂN 16/10/2018 03:32

Ổn định và phát triển đồng đều là đặc điểm nổi bật của tăng trưởng kinh tế nông nghiệp từ năm 2016 đến nay và cả giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, chính sự ổn định cũng đặt ra những nan đề về chất lượng tăng trưởng - một bài toán cũ, nhưng ngày càng trở nên bức bách, nhất là khi đã và đang xuất hiện những tín hiệu mới trong bức tranh nông nghiệp Quảng Nam.

Tin liên quan

  • Nhìn lại những chuyển động - Bài 1: Chuyển động của tăng trưởng
Quảng Nam có tiềm năng khá lớn về nông nghiệp nhưng hiệu quả sản xuất vẫn còn quá khiêm tốn.  TRONG ẢNH: Bộ đội biên phòng giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: M.Đức
Quảng Nam có tiềm năng khá lớn về nông nghiệp nhưng hiệu quả sản xuất vẫn còn quá khiêm tốn. TRONG ẢNH: Bộ đội biên phòng giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: M.Đức

Trong khi có sự trồi sụt bất ngờ của các ngành và lĩnh vực kinh tế khác, thì mức tăng GRDP (giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn) của nông nghiệp Quảng Nam trong các năm 2016, 2017 và dự báo 2018 lần lượt là: 3,85%, 3,38% và 4,14%; bình quân 3 năm là 3,77%. Tính đến cuối năm 2018, ngành nông nghiệp ước còn khoảng 11,32% trong cơ cấu GRDP; trong khi năm 2015 là 14,66%.

 Nhiều suy tư…  

Dễ thấy bức tranh toàn cảnh về nông thôn Quảng Nam trong những năm qua đã có sự thay đổi khá nhanh từ đồng bằng đến trung du, miền núi. Kéo theo đó là thu nhập của người dân nông thôn cũng tăng đáng kể, bình quân đầu người từ hơn 1,86 triệu đồng/tháng năm 2015, đã tăng lên hơn 2,63 triệu đồng, ước đến cuối năm 2018. Sự thay đổi tích cực này đến từ các dự án đầu tư lớn của Nhà nước trong các chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở kinh tế phi nông nghiệp và cả trong sự ổn định, đồng đều của các ngành sản xuất nông nghiệp.   

Xét riêng nội bộ sản xuất nông nghiệp, chính sự ổn định trong tăng trưởng và sự dịch chuyển khá chậm (dù tích cực, đúng hướng) về giá trị sản xuất của từng ngành trong cơ cấu chung lại là… “vấn đề” đã và đang nhận được sự quan tâm, trăn trở các các cấp, các ngành và các địa phương. Với hơn 150 nghìn héc ta đất trồng cây hằng năm, hơn 667 nghìn héc ta đất rừng, ngư trường khai thác hải sản rộng lớn với bờ biển trải dài hơn 125km và 41% số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (năm 2018), Quảng Nam có tiềm năng khá lớn về nông nghiệp nhưng hiệu quả sản xuất vẫn còn quá khiêm tốn. Kinh tế hộ hiện vẫn là chủ yếu; giá trị kinh tế thu được trên một héc ta đất còn thấp; các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; thị trường nông sản (trừ lúa gạo) luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Thực tiễn nêu trên, có thể lý giải vì sao các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng đụng đến đất nông nghiệp luôn diễn ra thuận lợi; thậm chí nhiều hộ nông dân trông chờ và phấn khởi khi được thu hồi đất; trong khi giá trị bồi thường về đất, kể cả các khoản hỗ trợ cho mỗi sào, chỉ với mức 80 - 100 triệu đồng. Nhưng kể ra, thế đã là quá hời nếu so với hiệu quả đem lại từ sản xuất. Bởi theo tính toán của nhà nông, mỗi sào đất lúa hiện chỉ cho khoản lãi bình quân khoảng hơn vài trăm nghìn đồng/vụ; nếu sản xuất lúa giống qua liên kết với doanh nghiệp, giỏi lắm cũng chỉ lãi khoảng 1 triệu đồng. Tính ra bao nhiêu năm để mỗi sào đất đem lại khoản thu nhập cho nông dân 80 - 100 triệu đồng? Bây giờ, máy móc phần lớn làm thay con người, từ khâu cày ải đến thu hoạch, thậm chí vận chuyển lương thực về tận nhà; nhưng thay vào đó, nông dân phải trả toàn bộ chi phí về dịch vụ, rốt cuộc thu nhập thực tế chẳng còn được bao nhiêu. Tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp vì thế ngày càng lan rộng.

Các nhà kinh tế đều khẳng định, không có doanh nghiệp, hợp tác xã  trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp không thể thành công. Trong khi đó, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào Quảng Nam hiện vẫn còn quá khó. Trong số khoảng 40 doanh nghiệp đang làm ăn trên lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương, chủ yếu là hoạt động liên kết đầu tư ban đầu và tiêu thụ nông sản, mà nhiều lúc, sợi dây liên kết vẫn còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Trong khi đó, phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp chưa khẳng định được vai trò chủ lực trong đổi mới sản xuất theo xu hướng vận động và đòi hỏi của thị trường.

Đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp khá lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh hàng năm, tuy nhiên chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi. Các mô hình khuyến nông, hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật của Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ tuy khá da dạng và đều khắp các vùng miền, nhưng không ít mô hình mà sự đầu tư không đem lại hiệu quả một cách chắc chắn và bền vững. Vụ đông xuân vừa qua, gần 3ha đất lúa tại cánh đồng thôn Thạnh Hòa (Quế Xuân 1, Quế Sơn) bất ngờ có một dự án khuyến nông, nông dân được hỗ trợ khoảng 400 nghìn đồng/sào về vật tư, giống để chuyển từ lúa sang trồng đậu phụng. Bà con được hỗ trợ thì làm, cuối vụ thu hoạch tự lo khâu tiêu thụ. May là được mùa, được giá. Còn hơn ở Phú Ninh vừa rồi, nông dân được hỗ trợ trồng nghệ, sản phẩm thu hoạch bán không ai mua, báo hại bà con. Những ví dụ về các kiểu khuyến nông như thế, nếu tổng kết lại, cũng không phải ít.

Và những tín hiệu vui….

Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn từ thế kỷ 18, khi kể về sản vật Quảng Nam, đã nói đến lụa tơ tằm, quế Trà My, tiêu Tiên Phước…, những hàng hóa định vị nên thương hiệu nông sản đất Quảng một thời và đã vươn ra cả thị trường quốc tế. Nông nghiệp Quảng Nam thời kỳ đó, được đánh giá là thịnh vượng so với nhiều địa phương khác.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng, nông nghiệp Quảng Nam hiện nay cũng cần chuyển đổi mạnh từ sản xuất lương thực là chủ yếu sang trồng cây thực phẩm và dược liệu. “Một thời, ta nói Quảng Nam không thể làm giàu từ nông nghiệp, nhưng trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ và nhu cầu thị trường hiện nay, rất cần suy nghĩ lại” - ông Vũ Ngọc Hoàng nói.

Chính phủ cũng đang chú trọng đặc biệt đến ngành nông nghiệp và khẳng định, nông nghiệp vừa là trụ đỡ, vừa là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Và công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp đang ngày càng lan rộng trong cả nước với những thành quả rất đáng ngạc nhiên.

Tại Quảng Nam, mấy năm qua, các huyện Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn…, đã có sự tập trung mạnh mẽ và quyết liệt cho sự phát triển các cây công nghiệp, cây dược liệu và cây ăn quả, đặc biệt là sự chuyển động đầy ngạc nhiên của cây sâm Ngọc Linh. Phong trào trồng rừng diễn ra mạnh mẽ ở các huyện trung du, miền núi nhờ hiệu quả kinh tế và tính ổn định vững chắc của thị trường; trong đó đáng chú ý là các mô hình trồng rừng gỗ lớn ngày càng được đầu tư. Nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu chú ý và xác định kế hoạch tham gia sâu vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng, cây dược liệu theo chuỗi giá trị.

Trong quy mô kinh tế hộ và tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, xuất hiện thêm nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn sản xuất với thị trường. Nhiều trí thức trẻ bắt đầu để ý đến nông nghiệp, khi phong trào khởi nghiệp - sáng tạo được phát động và lan tỏa rộng khắp trong cả nước. Năm ngoái, một kỹ sư nông nghiệp ở Tam Kỳ, đang công tác ổn định tại cơ quan nhà nước, bất ngờ rẽ hướng, chuyển sang làm ăn riêng với mô hình nông nghiệp thủy canh. Anh vừa làm để trình diễn (kết hợp quán cà phê), vừa kinh doanh, vừa đầu tư quy trình sản xuất cho những ai có nhu cầu. Nhiều bạn trẻ khác cũng rất hồ hởi và mạnh dạn đầu tư nguồn vốn khá lớn mở trang trại trồng trọt, chăn nuôi gắn với nhu cầu của thị trường.

Trong khi lao động nông nghiệp ngày càng già cỗi, thì sự trở về của những bạn trẻ, những trí thức và sự tham gia của doanh nghiệp, rõ ràng là những tín hiệu mới rất tích cực; là những đốm sáng tuy còn lẻ loi trong bức tranh kinh tế nông nghiệp Quảng Nam, song cũng đầy triển vọng.

Tất nhiên, để  tạo ra một cuộc cách mạng về nông nghiệp, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, trước hết là ở chính quyền và ngành nông nghiệp các cấp.

----------------------
Bài 3: Bất ngờ thị trường việc làm

Các kế hoạch về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã không đạt mục tiêu như mong muốn. Đâu là những diễn biến mới của thị trường?

LÊ VĂN

LÊ VĂN