Tận thu khoáng sản làm vật liệu xây dựng: Nhiều sai phạm (bài 2)
BÀI 2: TÌM PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ
Để siết chặt quản lý nhà nước về khoáng sản, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, kể cả yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nặng tay các trường hợp tiêu thụ nguyên liệu bất hợp pháp; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch mỏ khoáng sản đáp ứng cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Tin liên quan
|
Khó khăn của doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng là có đủ nguồn nguyên liệu ổn định, hợp pháp. TRONG ẢNH: Khu xưởng sản xuất của Công ty CP Prime Đại Lộc.Ảnh: TRẦN HỮU |
Cầu vượt cung
Nhiều nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng rất cần các loại khoáng sản như đất sét, cát trắng, đá vôi, cát xây dựng, đất san lấp... làm nguyên liệu đầu vào. Vì trước đây, doanh nghiệp không tự tìm kiếm mỏ, hoặc có mỏ khoáng sản nhưng chỉ phục vụ ngắn hạn nên hiện nay rất lúng túng giải quyết bài toán nguyên liệu. Các địa phương liên tục đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhưng thời điểm này doanh nghiệp được cấp giấy phép còn khá khiêm tốn. Sở TN&MT nhận định, trữ lượng và công suất khai thác khoáng sản đất sét, cát trắng đã cấp phép cho các đơn vị chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy đã đầu tư. Nhiều nhà máy sử dụng nguyên liệu trôi nổi, trái quy định của Nhà nước. Tình trạng lợi dụng dự án cải tạo đồng ruộng để bòn rút tài nguyên, gây hệ lụy mất đất sản xuất, môi trường bị suy thoái, thất thu ngân sách là có thật.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khẳng định, chính quyền tỉnh một mặt tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có mỏ khoáng sản phù hợp với quy hoạch được duyệt, đồng hành tháo gỡ khó khăn giải quyết nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào; mặt khác nghiêm cấm các nhà máy, cơ sở sản xuất vật liệu hợp đồng mua bán nguyên liệu với đơn vị không có giấy phép khai thác hoặc có nhưng không đủ trữ lượng, đơn vị có xuất xứ nguồn nguyên liệu không rõ ràng. |
Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn chậm chạp xoay xở nguồn nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ. Đại diện bộ phận nguyên liệu của Công ty CP Prime Đại Lộc từng chia sẻ, công ty hoạt động nhiều năm. Nhà máy có 7 - 8 chủng loại nguyên liệu phải dùng, lâu nay Công ty CP Hóa chất mỏ miền Trung là nhà cung cấp nguyên vật liệu chính thức (chiếm 25 - 30% tổng nguồn nguyên liệu). Nguồn đất chủ yếu lấy từ TP.Đà Nẵng, mua đất từ đơn vị trung gian. Còn Công ty CP Đại Hưng (Đại Lộc) có nhà máy gạch hoạt động từ năm 2006 đến nay vẫn loay hoay tìm nguồn nguyên liệu rõ xuất xứ nguồn gốc. Trước đây do các quy định của Luật Khoáng sản chưa chặt chẽ, nên các nhà máy vừa sản xuất vừa tự tìm kiếm nguồn nguyên liệu sử dụng, tổ chức khai thác hoặc mua đất nguyên liệu bằng nhiều hình thức khác nhau. Còn Luật Khoáng sản hiện hành yêu cầu nghiêm ngặt, các nhà máy chế biến bắt buộc phải có giấy phép khai thác mỏ nguyên liệu, hoặc mua bán khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp, chính điều này khiến doanh nghiệp bị động.
Vướng mắc còn nằm ở chỗ, trong khi hàng năm tỉnh cấp giấy phép khai thác trên dưới 300.000m3 đất sét để làm nguyên liệu thì nhu cầu của các doanh nghiệp lên đến gần 570.000m3. Tổng nhu cầu nguyên liệu theo thiết kế của các nhà máy chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh mỗi năm ước cần khoảng hơn 1 triệu mét khối đất sét, 1,5 triệu tấn đá vôi và 0,6 triệu tấn cát trắng. Tuy nhiên, đến nay chỉ có hơn 3 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng gần 400.000m3 gồm Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh (xã Duy Hòa, Duy Xuyên), Hợp tác xã Gạch không nung Hiệp Hưng (thuộc Cụm công nghiệp xã Đại Quang, Đại Lộc) và Công ty TNHH Phú Hương khai thác tại thôn Mực (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang). Trước yêu cầu nghiêm ngặt khi thực hiện Luật Khoáng sản, do không có mỏ khoáng sản đáp ứng, một số doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Nguyễn Đạo cho biết, đến nay địa phương không có nhà máy sản xuất gạch nào duy trì sản xuất, kinh doanh. Năm 2016, tại xã Tam Lộc (Phú Ninh) có nhà máy gạch của Công ty CP Thương mại cung ứng vật liệu xây dựng Chí Hoàn hoạt động nhưng từ năm 2017 đã đóng cửa nhà máy này. Tương tự, tại xã Bình Lãnh (Thăng Bình), nhà máy gạch của Công ty TNHH MTV Gạch Hà Lê, đang hoạt động suốt thời gian dài, đến năm 2017 buộc phải đóng cửa do giấy phép khai thác mỏ đất sét hết hạn, nguồn dự trữ nguyên liệu cũng cạn kiệt. Để tiếp tục duy trì dây chuyền sản xuất, công ty này đang chạy thử công nghệ sản xuất gạch từ đất đỏ.
Muốn duy trì sản xuất lâu dài, các cơ sở sản xuất gạch phải có nguồn gốc đất sét hợp pháp. TRONG ẢNH: Một cơ sở sản xuất gạch tại địa bàn huyện Quế Sơn. |
Bổ sung quy hoạch
Tại nhiều cuộc họp trước đây, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong hoàn tất các thủ tục lập mỏ, cung cấp thông tin quy hoạch mỏ nguyên liệu cho doanh nghiệp. Quan điểm xuyên suốt của chính quyền tỉnh là tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép mỏ khai thác cho các doanh nghiệp nhưng nghiêm khắc xử lý các đơn vị chế biến, sử dụng khoáng sản không rõ nguồn gốc. Động thái mới nhất là ngay từ đầu năm 2018, Sở Xây dựng đã rà soát nguồn nguyên liệu sẵn có của các nhà máy trong quá trình kiểm tra, khảo sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Nhiều nhà máy chủ động tính toán nguồn đất sét hợp pháp được cung ứng từ đối tác. Điển hình, nhà máy gạch của Công ty TNHH Huy Hoàng 1 (thôn Viêm Tây 3, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn) ngoài khối lượng tồn dư 68.650m3, doanh nghiệp này còn ký hợp đồng mua lại đất của Công ty TNHH Xây dựng - thương mại và dịch vụ vận tải Duy Lộc Anh với khối lượng 20.000m3. Trong đó, đơn vị cung cấp đất nguyên liệu này đã có hợp đồng phương án cải tạo đồng ruộng với UBND xã Điện Hòa theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.
Theo Sở Xây dựng, quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trên địa bàn tỉnh có 76 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; trong đó Quế Sơn có 29 mỏ, Thăng Bình 14, Duy Xuyên 5, Núi Thành 2, Đại Lộc 26. Riêng huyện Đại Lộc có trữ lượng khoáng sản lớn nhất với hơn 20,2 triệu mét khối. Thị xã Điện Bàn không quy hoạch mỏ đất sét sản xuất gạch ngói. Ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng đề xuất, ngành sẽ tham mưu tỉnh tạm dừng hoạt động đối với các nhà máy chưa chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, chưa cung cấp hóa đơn, chứng từ hợp lệ cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan. “Để tạo điều kiện việc làm cho người lao động, tiết kiệm nguyên liệu đã khai thác và ổn định sản xuất của doanh nghiệp, trong thời gian kiểm tra đề nghị UBND tỉnh thống nhất cho các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ tại chỗ để sản xuất” - ông Vũ nói. Còn với các cơ sở sản xuất gạch tuy-nel, yêu cầu phải chứng minh hợp pháp nguồn nguyên liệu dự trữ hiện có, chịu các chế tài về xử phạt hành chính.
Về giải pháp, hiện nay Sở Xây dựng tích cực phối hợp với Sở TN&MT, Sở Công Thương, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra thẩm quyền, chế tài xử lý hành vi vi phạm chế biến khoáng sản không rõ nguồn gốc hợp pháp đối với các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng có sai phạm theo kết quả báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành tháng 11.2017. Ngành chức năng dự báo, dựa vào nhu cầu nguồn nguyên liệu trên địa bàn các huyện thì các điểm mỏ khoáng sản đã được quy hoạch. Nếu được cấp phép khai thác có thể cung cấp cho các nhà máy, sản xuất gạch tuy-nel hoạt động lâu dài. Trong khi đó, ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, quy hoạch bổ sung mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường rất cần thiết, nhưng việc cấp giấy phép phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, đánh giá toàn diện báo cáo tác động môi trường, đặc biệt không để tái diễn tình trạng lợi dụng dự án cải tạo đồng ruộng để tận thu đất trái quy định.
TRẦN HỮU