Lập nghiệp ở Hội An
Không phải cư dân Hội An, nhưng lại chọn đất này để khởi nghiệp, đôi vợ chồng trẻ Trần Hữu Tiệp và Phạm Thị Minh Nguyệt chậm rãi nhưng chắc chắn, từng bước đưa những sản phẩm da thuộc tiệm cận hơn với thế giới thời trang - lĩnh vực vốn dễ dàng gặp thất bại bởi thị trường cạnh tranh gay gắt.
Trần Hữu Tiệp và nhà thiết kế của hãng Kerber với câu chuyện gia công túi cho các thương hiệu lớn.Ảnh: L.Q |
Đã bước sang năm thứ tư, Hữu Tiệp và Minh Nguyệt dừng chân ở Hội An. “Hè năm 2014, tụi mình du lịch tại Hội An. Và đến cuối năm đó thì mình mở xưởng may… đồ da, chuyên cung cấp các loại túi xách da thuộc cho những shop lưu niệm tại Hội An” - Trần Hữu Tiệp nói. Nhưng cái duyên của Tiệp và Nguyệt với đất Hội An, phải khởi đi từ nền tảng, vốn liếng họ nắm trong tay. “Vốn tiền bạc thì rất mỏng. Trăm ngàn thứ ở đây đều phải bắt đầu bằng tiền. Không một sự giúp sức nào bởi mình hoàn toàn là khách ở đất này. Nhưng cái vốn mình tự tin, vốn nằm lòng của mình, là tay nghề may” - Tiệp nói. Tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang ở Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội, qua một hơn một năm làm nghề tại một số công ty may mặc, chưa kể nhận làm thêm tại nhà, làm thiết kế mẫu cho một số công ty lớn, nên các kỹ thuật về may mặc trên mọi chất liệu với Tiệp đều là những chuyện đơn giản. Nhưng chỉ khi vào Hội An, làm lại từ đầu với chất liệu da, thì mới đúng là thời điểm sở trường của Tiệp được phát huy.
Gọi là xưởng nhưng như Tiệp chia sẻ, đó chỉ là một góc nhỏ ở căn phòng trọ, anh và bạn gái khi ấy - là vợ hiện tại, thức xuyên đêm để xâu kim, xỏ chỉ. Góc vỉa hè với những chiếc túi, chiếc ví bằng da may tay trải trên một chiếc bạt nhỏ của họ, luôn trở thành góc thu hút… những bạn Tây. Từ chính những góc vỉa hè này, họ được các shop thời trang của Hội An để ý. “Và rồi trở thành nơi gia công túi, ví da cho những cửa hàng may mặc, lưu niệm lớn ở phố cổ. Cho đến đầu năm 2017, mình mới bắt đầu mở cửa hàng cho riêng mình” - Tiệp nói. Từng đồng lời được cóp nhặt, sau những ngày dãi nắng dầm mưa - theo đúng nghĩa đen của nó, để một tiệm chuyên hàng da thuộc Hoian Leather (với sản phẩm gắn logo chữ P) tại số 235 Nguyễn Duy Hiệu (Hội An) được những “tín đồ” thời trang rỉ tai nhau. Cả trên mạng xã hội, cả bằng những cuộc chuyện trò về sản phẩm thủ công độc đáo, Hoian Leather Shop của Tiệp được nhắc đến như một trong những địa chỉ “may đồ da” chất lượng của Hội An.
Những chiếc túi da, tuy không gắn mác của bất cứ thương hiệu lớn nào, nhưng giá cả bán ra khá cao so với các loại túi xách thời trang hiện hành ở thị trường, vậy mà vẫn luôn được khách lựa chọn tìm tới. Và nhiều nhất vẫn là các khách Tây. “Người Tây thích những chiếc túi may thủ công bằng da thuộc. Vậy nên khi đến cửa tiệm của mình, họ chia sẻ là đúng như điều họ đang tìm kiếm. Những sản phẩm không thua gì các thương hiệu nổi tiếng, nhưng so với mức giá tụi mình đưa ra, khoảng từ 8 trăm nghìn đến 2 triệu đồng, thì họ lại bảo là rẻ” - Tiệp chia sẻ.
Chính những chiếc túi, ví da hàng độc từ bàn tay mẫn cán của Tiệp và vợ mình, đã lôi cuốn cả những nhà thiết kế của các thương hiệu túi nổi tiếng ở châu Âu. Kerber - một thương hiệu túi thời trang của Thụy Điển đã tìm đến với Tiệp và đặt điều kiện gia công cho những mẫu túi họ đem tới. Chưa kể, một số thương hiệu thời trang thế giới khi tìm phụ kiện cho người mẫu đã tìm tới đặt hàng thông qua những chuyến du lịch tại Hội An. Từ những cơ hội tiếp xúc lớn như vậy, lại một giấc mơ mới thành hình với “chàng thợ may da” Trần Hữu Tiệp. Anh nói: “Mình muốn hướng tới một phân khúc thị trường mới, với các mặt hàng cao cấp dành cho những đối tượng chuyên biệt. Trong suốt gần 4 năm ở phân khúc bình dân với thị trường bán lẻ, mình biết và hiểu được thị trường tương lai cần gì. Và chắc chắn, mình muốn bay xa chứ không muốn đứng một chỗ. Chọn hướng đến dòng hàng da cao cấp sẽ gặp rất nhiều thử thách, nhưng nếu vượt qua được thách thức thì mình mới trưởng thành hơn”.
LÊ QUÂN