Nâng chất hỗ trợ doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 09/08/2017 08:31

Quảng Nam đã hiện thực hóa chỉ thị hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bằng nhiều kế hoạch cụ thể, bước đầu đã đem đến sự hài lòng đối với doanh nghiệp.

Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.D
Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.D

Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

Câu chuyện giải phóng mặt bằng dự án Nam Hội An chậm chạp đã được giải quyết với tinh thần thiện chí của chính quyền và nhà đầu tư. Chủ đầu tư dự án Nam Hội An đã thống nhất phương án điều chỉnh phù hợp nhu cầu thực tế tại Duy Xuyên, Thăng Bình. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho rằng các cuộc đàm phán đã đạt được sự đồng thuận. Nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng trên các khu vực đã hoàn tất giải tỏa, bồi thường, số còn lại sẽ được cơ quan quản lý, địa phương tập trung giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Một dự án khác là Khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Quảng Nam tại vùng đông cũng sẽ được tháo gỡ vướng mắc, tồn tại về giải phóng mặt bằng sau những cuộc làm việc được tổ chức trong một vài ngày tới. UBND tỉnh cũng đã ưu tiên cấp vốn để hoàn thiện các hạ tầng xương sống như đường ven biển từ Hội An đi Tam Kỳ, tiếp tục đầu tư từ Tam Kỳ đến sân bay Chu Lai. Hạ tầng sẽ dần hoàn thiện từng phần, đủ điều kiện thông tuyến, đủ các làn xe cho nhà đầu tư đưa các dự án vào vùng đông.

Nhiều năm nay, Quảng Nam luôn nỗ lực đồng hành với doanh nghiệp. Có thể nói các Nghị quyết 35 và 19 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, cùng các kế hoạch hành động của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp đã có sức lan tỏa sâu vào nền kinh tế. Không chỉ chú trọng đến cải cách hành chính, thủ tục đầu tư, thuế, hải quan..., nhiều cơ quan chuyên môn đã mở các cuộc kết nối giao thương, gắn kết thị trường, làm cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kiếm tìm và khai thác các thị trường. Những kế hoạch cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy tác dụng. Kết quả này có thể được minh chứng bằng việc tín dụng - vốn là điều nan giải với doanh nghiệp, đã được đổ khá nhiều vào nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay trong vòng 7 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay như đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đưa ra nhiều gói sản phẩm, chương trình tín dụng ưu đãi, đa dạng, lãi suất hợp lý để khách hàng có thể lựa chọn, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp. Hiện tại, có 2.685 doanh nghiệp nhỏ và vừa có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay đạt 7.659 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,21% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.

Sẽ mở rộng không gian hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay, trung tâm đã trở thành một địa chỉ giải quyết các thủ tục hành chính của doanh nghiệp, nhà đầu tư, cung cấp các cuộc xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp. Trong vòng 7 tháng qua, số lượng bộ thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành đã dần chuyển hết sang thực hiện tại trung tâm. Khả năng đến tháng 9 này, 100% bộ thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành sẽ được thực hiện tập trung tại trung tâm này. Quyết tâm thực thi Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ bằng những kế hoạch cụ thể và rộng rãi của chính quyền tỉnh đã nhận được sự hài lòng từ giới doanh nghiệp. Tại các hội nghị đầu tư, đối thoại hay gặp gỡ, doanh nghiệp đều xác nhận Quảng Nam có nhiều chuyển biến trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Chỉ số PCI năm 2016 cũng xác tín điều này khi hầu hết doanh nghiệp khảo sát cho rằng môi trường kinh doanh bình đẳng và gia nhập thị trường tại Quảng Nam đã dễ dàng hơn.

Nỗ lực cải cách đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, không chỉ cơ quan quản lý, ngay cả thương giới cũng đang trong thời kỳ lo ngại khi 96% doanh nghiệp Quảng Nam có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Bảy tháng qua đã có đến 500 doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường và khá nhiều doanh nghiệp có hàng tồn kho quá lớn nhưng chưa có một phân tích nào cụ thể về tình trạng này để tìm phương thức giải quyết. Doanh nghiệp cho rằng khá nhiều vướng mắc, kiến nghị của họ đã được tháo gỡ, nhưng cần có hệ thống đánh giá, theo dõi giám sát kết quả thực thi công tác hỗ trợ doanh nghiệp một cách khả tín. Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An cho hay chính quyền đã cung cấp môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng tốt hơn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong chờ kết quả thực thi từ cơ quan quản lý, địa phương và thực hiện đúng cam kết bởi hiệu lực các chính sách hỗ trợ vẫn chỉ mới dừng ở cấp tỉnh, chưa thể lan tỏa xuống các địa phương.

Ông Võ Văn Hùng cho hay các cơ quan công quyền sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. Rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh như đào tạo, tư vấn, thông tin thị trường… Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thì điều cần thiết phải kiến nghị Chính phủ có cơ chế tạo điều kiện cho hộ kinh doanh cá thể hiện nay chuyển đổi thành doanh nghiệp, rà soát, điều chỉnh các chính sách pháp luật trong lĩnh vực đất đai theo hướng rút gọn và đẩy mạnh phân cấp cho địa phương; bố trí kinh phí để hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp như hệ thống xử lý nước thải, rác thải…

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG