Gỡ khó cho khuyến công
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có rất ít mô hình trong lĩnh vực khuyến công có sức lan tỏa. Để gỡ khó, giải pháp thiết thực đang được ngành chức năng triển khai là thực hiện các mô hình thật sự cần thiết.
Sản xuất phở sắn của gia đình bà Trần Thị Thu Thủy sẽ được sấy khô bằng máy tự động vào mùa mưa.Ảnh: Đ.C |
Rào cản
Mới đây, tại hội nghị công tác khuyến công 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên được tổ chức ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Công Thương đánh giá có ít mô hình được đông đảo người dân đón đợi, thật sự thiết thực, được nhân rộng rãi. Tại Quảng Nam, ngoài số ít mô hình được triển khai trong thời gian gần đây, hầu hết đều “chết yểu” ngay sau khi kết thúc thí điểm. Nguyên nhân được mổ xẻ là có quá nhiều sức ép khiến cho triển khai mô hình khuyến công cập rập, thiếu sát hợp. Theo ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam (Sở Công Thương), khi xây dựng mô hình trình diễn bắt buộc phải đăng ký cụ thể đối tượng thụ hưởng, các thông số kỹ thuật của thiết bị dự kiến hỗ trợ. Thời gian từ khi đăng ký đến khi được phê duyệt là 1 năm, quá dài đã phát sinh nhiều bất cập. “Những mô hình được thông qua hầu hết phê duyệt với nguồn vốn ít hơn đề xuất. Trong khi đó giá cả tăng chóng mặt làm triển khai mô hình thường bị động, không đủ vốn. Nhiều khi phải thay đổi đơn vị thụ hưởng, mức đầu tư, thông số kỹ thuật của thiết bị và phải làm lại thủ tục xin điều chỉnh đề án mà các thủ tục, quy định quá nhiều nên không tránh hỏi vướng mắc. Đáng nói là nguồn vốn đối ứng của đối tượng thụ hưởng không nhiều, khó huy động đủ nên mô hình khó đáp ứng kỳ vọng” - ông Phúc nói.
Tạo sức bật cho công tác khuyến công Tại hội nghị công tác khuyến công 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Công thương - Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, để tạo sức bật cho khuyến công trong thời gian đến, rất cần sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin, hưởng ứng. Cùng với đó, cần chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp yên tâm, cùng phối hợp triển khai mô hình. Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cần xem xét tạo điều kiện cho các chương trình, đề án khuyến công được triển khai thuận tiện. Trong thời gian tới, các địa phương cần thúc đẩy phát triển công nghiệp, tạo tiền đề cho hàng Việt Nam chất lượng cao thêm khẳng định thương hiệu, có uy tín, được đón nhận trên thị trường. |
Đến thời điểm này, tại Quảng Nam chưa có mô hình khuyến công nào được xây dựng và phát triển thương hiệu. Ngay cả mô hình được đón nhận, nhân rộng ở huyện Quế Sơn là áp dụng máy móc trong sản xuất phở sắn cũng chưa được xây dựng thương hiệu. Theo ông Trương Anh Thùy - Trưởng phòng Khuyến công (Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam), nguyên nhân là thời gian từ đăng ký đến khi được cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu kéo dài 9 - 12 tháng khiến việc thanh quyết toán gặp trở ngại vì chứng từ không hợp lệ do không nằm trong năm kế hoạch. Mặt khác, thời hạn đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia “chốt hạ” vào tháng 6 của năm trước. Vì vậy, đề án, chương trình khuyến công dự kiến áp dụng đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động từ tháng 7 trở đi sẽ không được hỗ trợ theo chương trình khuyến công quốc gia. Thêm bất cập nữa là các cơ sở công nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, khó có thể đầu tư dài hơi mà chủ yếu là ngắn hạn. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động khuyến công ban hành chưa kịp thời, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai.
Sát thực tiễn
Để khắc phục những hạn chế của công tác khuyến công trong thời gian qua, ngành khuyến công của tỉnh triển khai các mô hình có tính thực tiễn. Thời gian qua, sản xuất đồ gỗ rất phát triển trên địa bàn tỉnh nhưng công nghệ sấy gỗ chưa được chuyển giao khiến sản xuất gặp khó trong mùa mưa. Mới đây, Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam triển khai mô hình trình diễn kỹ thuật sấy gỗ theo phương pháp gián đoạn cho hộ sản xuất kinh doanh gỗ Mai Văn Thanh (thị trấn Bắc Trà My, huyện Bắc Trà My). Chương trình có tổng kinh phí 450 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của ông Thanh. Từ khi áp dụng kỹ thuật sấy gỗ, sản xuất của gia đình ông Thanh đã thuận tiện hơn rất nhiều. “Sấy gỗ rất đơn giản, chỉ là cách làm khô gỗ trong điều kiện không có nắng. Từ khi áp dụng đến nay, chúng tôi chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, giảm chi phí vận chuyển gỗ. Nhờ tăng thêm lợi nhuận, chúng tôi đã mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết được nhiều lao động địa phương” - ông Thanh nói.
Vào mùa mưa, sản xuất phở khô của gia đình bà Trần Thị Thu Thủy (khu dân phố Thuận An, thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) sẽ thuận tiện hơn nhờ vào ứng dụng hệ thống sấy phở tự động. Triển khai mô hình này, Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam hỗ trợ 80 triệu đồng, gia đình bà Thủy đối ứng 25 triệu đồng. Ông Trương Anh Thùy cho biết, công nghệ sấy phở sắn tự động lần đầu tiên đưa vào ứng dụng cho làng nghề phở sắn. Phở sau khi được kéo trên vỉ bằng máy sản xuất bán tự động sẽ được sắp lên các xe và đưa vào buồng sấy. Thông qua cảm biến truyền tín hiệu về bộ điều khiển trung tâm, các thiết bị cửa đóng mở cho quạt hút, các quạt hút, các quạt đối lưu sẽ vận hành tự động theo chế độ yêu cầu về nhiệt độ đã được thiết lập từ đầu. Sản phẩm được làm khô nhờ lượng khí nóng được cung cấp từ lò đốt vào buồng sấy thông qua hệ thống ống calorife. Hơi nóng di chuyển tuần hoàn trong buồng sấy phả đều lên các mặt của vỉ nên sản phẩm khô đạt chất lượng, không bị gãy, đứt. Bà Trần Thị Thu Thủy cho biết, để lò sấy phở sắn vận hành hiệu quả, gia đình xây buồng sấy bằng gạch chịu nhiệt cao. Xung quanh cửa buồng sấy có đệm roan cao su do đó khi đóng cửa lò không làm hao tổn khí nóng được cấp vào buồng sấy. Các động cơ để sấy phở sắn được đặt trong môi trường có độ ẩm và nhiệt độ cao nên sử dụng loại động cơ có cáp bảo vệ.
ĐĂNG CAO