Mở hướng du lịch về phía nam

VĨNH LỘC 21/06/2017 11:14

Khu vực phía nam và phía tây của tỉnh có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch, nhưng để xây dựng được những sản phẩm du lịch thực sự chất lượng và hấp dẫn khách không hề đơn giản. Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, khai thác sản phẩm du lịch Quảng Nam vừa diễn ra tại Tam Kỳ.

Hồ Phú Ninh có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: V.LỘC
Hồ Phú Ninh có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: V.LỘC

Xây dựng sản phẩm, tạo nguồn nhân lực

Phía nam và phía tây của tỉnh được đánh giá hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để phát triển du lịch với các sản phẩm từ rừng xuống biển; từ văn hóa đến sinh thái, làng quê; từ trải nghiệm, mạo hiểm đến di tích lịch sử, cách mạng… Trong đó, chỉ riêng Tam Kỳ, nơi được xác định đóng vai trò trung tâm của các huyện phía nam đã có hàng chục di tích, danh thắng có thể xây dựng sản phẩm thu hút khách tham quan như địa đạo Kỳ Anh, biển Tam Thanh, công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng… Tương tự, các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My đều có tiềm năng du lịch rất lớn. Tuy vậy, suốt thời gian dài du lịch nơi đây vẫn chưa hiệu quả.

Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vitours,  ngoài điều kiện về hạ tầng, sản phẩm, nguồn nhân lực… còn hạn chế thì công tác quảng bá điểm đến ở các địa phương phía nam của tỉnh chưa hiệu quả. Ngành du lịch và các địa phương cần đa dạng hóa việc quảng bá, bằng cách tận dụng mạng xã hội, nhất là mời các blogger du lịch tham dự những hội nghị hội thảo về du lịch để viết bài quảng bá, vì những người này thường có một lượng người theo dõi rất lớn. Đặc biệt, mời những đoàn làm phim đến quay tại một số điểm với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng. “Nên tập trung cho truyền thông đại chúng thông qua việc phối hợp, trao đổi các phim, phóng sự về du lịch với các đài địa phương lẫn nhau, kể cả treo các pa-nô, bản hiệu quảng bá du lịch giữa các tỉnh, thành với nhau” - ông Tùng đề xuất.

Ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, hiện nay Hội An đã quá tải nên việc phát triển các điểm đến phía nam là rất quan trọng và phù hợp. Tuy vậy, điều thiếu nhất ở khu vực này là sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực làm du lịch. “Tài nguyên du lịch phía nam rất lớn nhưng chúng ta lại thiếu sản phẩm dịch vụ tại chỗ. Đơn cử như Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, rất nhiều du khách thích đến đó nhưng khi đến nơi tham quan thì không có một sản phẩm dịch vụ gì để cho khách sử dụng cả. Khách không thể đi vài chục cây số đến tượng đài chỉ có chụp một bức hình rồi về. Nên có thể nói những quy hoạch của chúng ta vẫn chưa tốt trong vấn đề cung cấp dịch vụ. Thực tế ở các hội nghị trước chúng ta hay nói mở tuyến, và Sở VH-TT&DL Quảng Nam cũng rất năng nổ trong việc tìm những điểm đến mới, nhưng khi tìm điểm đến xong rồi mà không có sản phẩm dịch vụ thì cũng không hiệu quả. Vì vậy phải cần rất nhiều nhà đầu tư lớn để đầu tư về sản phẩm. Vấn đề thứ hai, nguồn nhân lực, con người phục vụ cho sản phẩm đó. Nếu chúng ta có sản phẩm tốt nhưng nguồn nhân lực phục vụ không có thì cũng là vấn đề nan giải” - ông Lực gợi ý.

Xác định tuyến điểm và thị trường

Theo nhiều đại biểu, để có một sản phẩm du lịch tốt đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đặc biệt, việc xác định thị trường rất quan trọng. Theo ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty EMIC Hospitality (Hội An), muốn phát triển một sản phẩm nào đó trước tiên nên cố gắng định vị thị trường, phải khoanh vùng từng sản phẩm để đưa ra từng thị trường khác nhau. “Tài nguyên khu vực phía nam rất tốt nhưng hiện nay chúng ta phát triển sản phẩm quá chung chung mà không có định hướng thị trường. Điển hình như làng bích họa Tam Thanh rất đẹp nhưng chúng ta cũng chưa xác định nó sẽ phục vụ cho thị trường khách nào, dù khung cảnh làng quê khách châu Âu rất thích. Vấn đề thứ hai là liên kết phía nam, hiện nay tuyến đường ven biển rất đẹp và có nhiều dự án tốt, nhưng một điều quan tâm là nếu xây dựng đô thị mà không biết cách giữ người dân ở lại, bảo tồn văn hóa bản địa thì chúng ta sẽ mất đi rất nhiều vốn văn hóa sống. Do vậy, để phát triển du lịch một điểm đến nào tôi cũng xin đề nghị tỉnh nên bảo tồn văn hóa sống trước đã rồi mới cho phát triển” - ông Thanh nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, muốn đưa ra những sản phẩm để hấp dẫn du khách cần tránh sự đơn điệu, nhàm chán nên hàm lượng chất xám của sản phẩm là cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, phát triển vào phía nam dù đã có những hạ tầng giao thông rất cơ bản nhưng hạ tầng điểm đến cụ thể của các điểm du lịch thì vẫn còn hạn chế. “Những năm qua khu vực này đã được đầu tư, quản lý. Môi trường đã được giữ gìn, hệ sinh thái, đầu tư hạ tầng, tập huấn cho nhân lực cũng có những chuyển biến nhất định nhưng mới chỉ ban đầu, chưa thể tạo ra sức hút để hấp dẫn du khách. Du lịch là phải dựa trên các tour, tuyến các điểm đến, nếu không xây dựng được các tour tuyến, điểm đến thì dù chúng ta có một vài điểm hấp dẫn cũng khó thu hút khách. Hiện nay tỉnh giao cho Sở VH-TT&DL làm lại quy hoạch phát triển du lịch dựa trên các tour, tuyến cụ thể. Quảng Nam sẽ hỗ trợ cơ chế cho các công ty du lịch, trước mắt là hỗ trợ cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến các điểm du lịch này khai thác. Sau đó sẽ đúc rút những kinh nghiệm để điều chỉnh lại và hình thành sản phẩm, thị trường du lịch” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC