Khởi nghiệp với giáo dục

TÂY BÌNH 22/05/2017 08:50

“Lợi nhuận với giáo dục là vô cùng. Ngoài việc để cơ sở tồn tại được, thì có đôi lúc, với tôi, phi lợi nhuận cũng là lợi nhuận”. Đó là quan điểm của chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp - người gầy dựng Trường Mầm non tư thục Ong Vàng (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) khi khởi nghiệp với giáo dục.

Thử nghiệm từ mô hình nhỏ

Với vốn liếng ban đầu chỉ có 50 triệu đồng tích góp từ lương giảng viên tiếng Anh Trường Đại học Quảng Nam, chị Diệp nhận định, phải thử từ nhóm mầm non. Sau khi nghiên cứu các quy chế, cách thức thành lập, năm 2010, chị Diệp thuê lại một nhà hàng để sửa chữa và bắt đầu nhận trông trẻ. Ngày đầu tuyển sinh, nhiều người đến mua hồ sơ nhưng rốt cuộc chỉ tuyển được 9 trẻ. Bởi tâm lý phụ huynh cho rằng, liệu cơ sở có đủ kinh nghiệm để đảm bảo cho con cái của mình. “Hơn lúc nào hết, chỉ có lăn xả vào làm mới mong tạo được uy tín, nhất là ở lĩnh vực giáo dục trẻ nhỏ. Cũng may, ba mẹ tôi đều là nhà giáo nên họ ủng hộ, hỗ trợ tôi về chuyên môn cũng như san sẻ khó khăn tài chính trong thời gian đầu” - chị Diệp nói. Từ 9 trẻ ban đầu, dần dà con số tăng lên đến 100. Đó là những con số biết nói, thể hiện sự ghi nhận của phụ huynh khi đặt niềm tin tại nhóm mầm non tư thục Ong Vàng.

Chị Diệp (ngoài cùng, bên trái) trong hoạt động ngày nhà giáo Việt Nam của nhà trường. Ảnh: T.BÌNH
Chị Diệp (ngoài cùng, bên trái) trong hoạt động ngày nhà giáo Việt Nam của nhà trường. Ảnh: T.BÌNH

“Sau hai năm thử nghiệm, tôi nghĩ rằng phải làm điều gì đó để khẳng định đường hướng phát triển ở lĩnh vực mình lựa chọn. Bất cứ môi trường nào, nhất là giáo dục rất cần sự chuyên nghiệp”. Với suy nghĩ ấy, năm 2012, chị Diệp quyết định đầu tư, nâng cấp nhóm mầm non trở thành Trường Mầm non tư thục Ong Vàng và bắt đầu hoạt động vào năm 2013. Số lượng học sinh được tuyển theo nhiều độ tuổi sẽ là nguồn gối đầu để phát triển các lớp sau này. “Thật ra ban đầu cũng rất khó khăn. Vốn ít, non kinh nghiệm nhưng chính quyết tâm làm tới cùng cũng như may mắn đã tạo nền tảng chắc chắn. Phải thử, và thử với quy mô nhỏ xem thị trường, năng lực của mình có “khớp” với nhau không. Được thì lấy đà tiến tới, nếu không cũng chưa đến nỗi lao đao” - chị Diệp chia sẻ kinh nghiệm.

Các cháu trải nghiệm làm lính cứu hỏa.
Các cháu trải nghiệm làm lính cứu hỏa.

Theo ông Lê Trung Thiêng - Phó phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên, Trường Mầm non tư thục Ong Vàng là mô hình tư thục đầu tiên của huyện phát triển thành công. Có hai yếu tố để đạt được kết quả trên chính là niềm tin, tâm huyết của một cô giáo cùng với quy trình xây dựng bài bản, chặt chẽ. Trước khi phát triển từ nhóm tư thục thành trường mầm non, chị Diệp đã xây dựng đề án, Phòng GD-ĐT tham mưu, góp ý hoàn chỉnh trước khi đưa vào thực hiện. “Thực ra ban đầu, tôi sợ mô hình này khó cạnh tranh với trường công lập, bởi cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy, đội ngũ giáo viên trường công quá ổn định. Thế nhưng, bằng cách làm sáng tạo và quyết đoán, chị Diệp đã khẳng định chất lượng và thương hiệu của Trường Mầm non Ong Vàng. Để đến thời điểm nay, nhà trường không chỉ phục vụ cho học sinh trên địa bàn huyện mà đã mở rộng sang các huyện lân cận như Quế Sơn, Điện Bàn. Đồng thời nhận được sự đánh giá cao của UBND huyện và Phòng GD-ĐT” - ông Lê Trung Thiêng nói.

Có thể thấy, sự sáng tạo của chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp trong phát triển Trường Mầm non tư thục Ong Vàng chính là đồng bộ hóa đội ngũ giảng dạy và cơ sở vật chất ngay từ đầu. Ông Lê Trung Thiêng đánh giá: “Chị Diệp rất nhanh nhạy trong việc tiếp thu các dịch vụ giáo dục ở thành phố lớn sao cho phù hợp với điều kiện của nhà trường và phụ huynh. Từ việc gắn camera để phụ huynh theo dõi hoạt động của con đến dịch vụ đưa đón trẻ tạo thuận lợi rất lớn cho học sinh ở xa. Mô hình này thành công cũng góp phần chia sẻ gánh nặng giáo dục của huyện, nhất là vấn đề thiếu cơ sở vật chất ở lứa tuổi từ 3 - 5”.

Phi lợi nhuận... cũng là lợi nhuận

Từ số vốn 50 triệu đồng ban đầu, sau gần 7 năm gầy dựng, đến nay riêng phần đầu tư cơ sở vật chất của Trường Mầm non tư thục Ong Vàng lên đến khoảng 12 tỷ đồng. Trường có 17 lớp với mức học phí từ 800 nghìn đồng, 1 triệu đồng, 1,2 triệu đồng và lớp chất lượng cao là 1,7 triệu đồng. Tổng cán bộ công nhân viên, giáo viên nhà trường là 43 người, mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng tổng mức lương dành cho giáo viên người nước ngoài là 1.500USD/tháng.

Chi phí mỗi xe đưa đón trẻ hiện nay là 11 triệu đồng/tháng; trong đó chị Diệp phải bù lỗ xấp xỉ 6 triệu đồng/xe/tháng. Chị Diệp bảo, dù là hoạt động phụ nhưng không kém phần quan trọng trong chiến lược phát triển thương hiệu của nhà trường. Bởi không phải phụ huynh nào cũng có thể sắp xếp thời gian đưa đón con, nhất là vùng lân cận. Thông qua dịch vụ xe đưa rước góp phần tạo điều kiện tối đa để các em đến được với Trường Mầm non tư thục Ong Vàng. “Đó là một trong những yếu tố mà tôi tính toán để đưa vào phần lãi của cơ sở” - chị Diệp nói. Theo đó, 4 xe được chia thành các nhóm đưa đón trẻ gồm: xã Duy Trung - Duy Sơn, Duy Thành - Duy Vinh, thị trấn Nam Phước thuộc huyện Duy Xuyên - Điện Phương thuộc huyện Điện Bàn và Quế Xuân thuộc huyện Quế Sơn. Bên cạnh đó, nhà trường còn mời giáo viên nước ngoài giảng dạy tiếng Anh, giáo viên chuyên dạy vẽ và aerobic để đứng lớp, tập luyện cho các em. Có thể thấy, nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục thân thiện cho trẻ nhận được nhiều người ủng hộ. Theo đó, cô Trần Thị Mộng Long sau khi nghỉ hưu trong ngành giáo dục, đã đồng ý nhận vị trí Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Ong Vàng, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên môn. Chính sự hợp tác này góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cho nhà trường. “Sau khi nghỉ hưu tôi cũng muốn dành thời gian cho bản thân, gia đình. Thế nhưng, trước sự tâm huyết của chị Diệp, tôi muốn góp chút sức của mình để hỗ trợ những người trẻ dám nghĩ, dám làm và làm rất trách nhiệm như chị Diệp” - cô Long cho hay.

Một trong những điểm nhấn xây dựng chất lượng của nhà trường là thành lập Trung tâm anh ngữ Golden Bee (Ong Vàng). Với lợi thế là một giảng viên tiếng Anh, chị Diệp ngoài chuyên môn còn có sự đam mê nên quyết tâm tìm cho được giáo viên nước ngoài đạt chuẩn về giảng dạy. Để làm được điều này, chị Diệp “săn” các giáo viên người nước ngoài từng dạy tại những trung tâm Anh ngữ lớn trên cả nước, nhất là ILA. Anh Brian Taylor sau khi kết thúc hợp đồng với trung tâm Anh ngữ ILA tại TP.Hồ Chí Minh, tình cờ đọc được thông báo tuyển sinh từ Trường Mầm non tư thục Ong Vàng đã quyết định đến tìm hiểu. “Tôi gắn bó với Trung tâm Anh ngữ Golden Bee trước hết không phải vì mức lương mà muốn được trải nghiệm nhiều môi trường giáo dục khác nhau. Đặc biệt, khi tiếp xúc với cách làm của chị Diệp, tôi rất ấn tượng. Ngoài ra, giữa học sinh thành phố và nông thôn có sự khác biệt, đó là tinh thần ham học hỏi của các em cũng góp phần truyền cảm hứng cho tôi. Các em thật sự yêu thích chứ không phải học theo ý muốn của cha mẹ như phần lớn ở thành phố. Chị Diệp cũng tạo điều kiện để tôi có thể tìm hiểu văn hóa của người dân nơi đây”.

“Cái được lớn nhất khi mình làm bằng tâm huyết, đó là nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và cộng hưởng của người làm chuyên môn cũng như địa phương. Điều này không thể quy đổi một cách cụ thể nhưng tạo nền tảng rất lớn để xây dựng cơ sở giáo dục uy tín. Mỗi ngày được nhìn các cháu vui chơi, được trải nghiệm với một nền giáo dục mới, được tôn trọng và lớn lên, với tôi đó là hạnh phúc” - chị Diệp chia sẻ.

TÂY BÌNH

____________________

Bài dự thi "Những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo" năm 2017

TÂY BÌNH