Những con đường nối dài ước mơ

HỮU PHÚC 29/03/2017 09:09

Để dần hoàn thiện hạ tầng giao thông phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua Quảng Nam đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư các tuyến đường chiến lược kết nối các vùng miền, trung tâm kinh tế nhằm mở rộng không gian phát triển.

TẠO HÀNH LANG KINH TẾ VÙNG ĐÔNG

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được đẩy nhanh tiến độ; tuyến ven biển 129 đưa vào khai thác... đã tạo ra tuyến hành lang giao thông huyết mạch, sẽ là động lực thúc đẩy các dự án trọng điểm, giúp hiện thực hóa chuỗi logistics trong tương lai.

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn từ Đà Nẵng - Tam Kỳ dự kiến tháng 6 này sẽ thông xe. Ảnh: H.PHÚC
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn từ Đà Nẵng - Tam Kỳ dự kiến tháng 6 này sẽ thông xe. Ảnh: H.PHÚC

Rút ngắn khoảng cách

Trước đây, việc vận chuyển hàng hóa từ Quảng Nam đi nơi khác và ngược lại phụ thuộc vào quốc lộ 1 và tuyến hàng hải quốc tế... Vùng đất mở nhưng còn chật cánh cửa phát triển, do hạ tầng cơ sở vừa yếu vừa thiếu. Vì vậy, để đón đầu các nhà đầu tư chiến lược đến làm ăn lâu dài, Quảng Nam lựa chọn phương án “giao thông đi trước một bước”. Vô số đường trục ngang - trục dọc, đông - tây mở ra, nhưng tâm điểm vẫn là cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và đường ven biển 129. Đúc kết thành tựu nổi bật 20 năm tái lập tỉnh, giao thông là điểm sáng của bức tranh hạ tầng, đồng thời cũng là lĩnh vực chiếm nguồn lực đầu tư lớn nhất. Đường, không chỉ để đi lại mà còn “chỉ dấu” cho sự phát triển, là “điều kiện cần” của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dự kiến, tháng 6.2017, đường cao tốc (đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ) sẽ được thông xe, kết nối với tuyến ven biển, hứa hẹn đánh thức mạnh mẽ vùng kinh tế phía tây của tỉnh, lan tỏa xuống vùng đông nam. Ông Hoàng Việt Hưng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đặt chỉ tiêu, tháng 6.2017, đoạn sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản (JICA) từ Đà Nẵng - Tam Kỳ sẽ thông xe. Hai tháng qua, nhờ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu tăng tốc hoàn thiện nền, thảm bê tông nhựa đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ.

Đường cao tốc qua địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, đây là cơ hội kết nối, từng bước xây dựng và hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng của các vùng miền trong khu vực. Đồng thời sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư đến với vùng đất này. Dự án còn có chức năng phân luồng giao thông để kết nối vận chuyển quốc tế trong khu vực tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia qua hành lang kinh tế đông – tây. Tuyến đường còn góp phần cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân trong khu vực thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa lũ.

Ở vùng đông, chỉ mới hơn một năm khi tuyến ven biển 129 và đường Cửa Đại thông xe, đã rút ngắn khoảng cách giữa TP.Đà Nẵng với TP.Tam Kỳ hơn 9km so với quốc lộ 1, góp phần giảm tải lưu lượng giao thông hiện nay. Thêm nữa là định hướng phát triển không gian đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, thu hút các nhà đầu tư vào tuyến cửa ngõ ven biển này. Đường ven biển còn là hành lang giao thông liên vùng nối TP.Đà Nẵng, Đô thị cổ Hội An với vùng phía đông của tỉnh. Con đường chiến lược này hứa hẹn sẽ xoay chuyển ngoạn mục vùng đông.

Xây dựng chuỗi logistics

Nhiều dự án trọng điểm đã và đang triển khai ở vùng đông nam như Công ty CP Ô tô Trường Hải khởi động dự án khu đô thị Tam Hiệp, mở rộng khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải; mở rộng cầu, bến cảng và 2 tuyến đường từ cảng Tam Hiệp đến đường cao tốc và khu công nghiệp. Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Khu giải trí Everland Nam Cửa Đại; Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ); dự án Nhà máy xử lý khí và nhà máy điện – khí tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành); dự án Đầu tư phát triển dịch vụ vận chuyển khách và hàng hóa sân bay Chu Lai... sẽ là những dự án động lực giúp xoay chuyển vùng đông. Theo Công ty CP Ô tô Trường Hải, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh mạnh mẽ, doanh nghiệp khát vọng xây dựng trung tâm chuỗi logistics thông qua cảng Chu Lai Trường Hải  - cảng đầu tiên ở miền Trung có các chuyến tàu vận chuyển container đến các cảng của Hàn Quốc. Khi tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thành, sẽ mở rộng đoạn từ cảng Kỳ Hà nối với cao tốc. Đoạn tuyến này dài 2,4km nhưng bề rộng đường có thể 80m.

Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai khẳng định, việc xây dựng chuỗi logistics tại Quảng Nam thông cảng Kỳ Hà sẽ được hiện thực hóa sau khi đường cao tốc hoàn thành. Nhiều dự án hạ tầng đã, đang thực hiện như nạo vét luồng lạch sông Trường Giang, nạo vét luồng cảng Kỳ Hà (Núi Thành), sông Cổ Cò, xây dựng hạ tầng cụm cảng Kỳ Hà, tăng tần suất các chuyến bay từ Chu Lai đến các thành phố lớn và ngược lại để khai thác có hiệu quả cảng hàng không Chu Lai. Sở GTVT thông tin, năm nay sẽ tận dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh để mở rộng, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, đảm bảo kết nối đồng bộ với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến các thành phố, khu công nghiệp, vùng kinh tế động lực của địa phương. Thực tế thời gian qua, cảng và hậu cần cảng ở Khu kinh tế mở Chu Lai khó cung ứng dịch vụ logistics trọn gói do chưa kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông cả đường bộ lẫn đường biển. Cảng Đà Nẵng, cảng nước sâu Quảng Ngãi gần như “hút” hết hàng hóa vận chuyển từ các địa phương lân cận. Tuy nhiên, sau khi đường cao tốc mở ra, hàng hóa sẽ vận chuyển trên tuyến này nhiều hơn. Và cảng Chu Lai – Trường Hải lúc đó sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa của nhà đầu tư.  

Với hai con đường chiến lược (cao tốc và ven biển), Quảng Nam chắc chắn sẽ có lợi thế cạnh tranh phát triển so với các địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhưng phát triển tới mức nào còn phụ thuộc rất lớn vào “tư duy mở”, khát vọng xoay chuyển vùng đất của người xứ Quảng.

HỮU PHÚC

KẾT NỐI ĐÔNG - TÂY

Cuộc sống người dân vùng tây nam ngày càng khởi sắc từ khi đường Nam Quảng Nam (nay thuộc quốc lộ 40B) mở lên tận ranh giới Kon Tum. Tuyến đường chiến lược này được kỳ vọng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp để kết nối tạo thế liên hoàn từ đông sang tây trong hệ thống giao thông qua Quảng Nam.

Khởi sắc

Từ khi thông tuyến Nam Quảng Nam đoạn qua huyện Nam Trà My (năm 2013), diện mạo trung tâm Tắc Pỏ, đặc biệt là các xã Trà Mai, Trà Nam với địa hình trải dài hơn 37km dần đổi thay rõ nét. Nhà cửa mọc lên men sông Tranh ngày càng nhiều, một số điểm tập trung chẳng khác nào khu dân cư mới. Quay trở lại thời điểm dự án đường Nam Quảng Nam giai đoạn 1 qua Nam Trà My dài 37km đang thi công, ban đầu, UBND tỉnh quy định đến cuối tháng 3.2011 phải hoàn thành đoạn còn lại qua xã Trà Nam, nhưng do ảnh hưởng thời tiết bất thường, địa hình rừng núi quanh co trên đỉnh Ngọc Linh, địa chất phức tạp, cộng thêm tình trạng sạt lở đất đá, cây cối thường xuyên xảy ra khiến quá trình triển khai bị chậm lại. Nhưng lúc đó, lác đác nhiều ngôi nhà được cất lên tại một số vị trí thi công xong. Giờ đây, đường mới phẳng lỳ, tạo điều kiện để Trà Mai thay da đổi thịt.

Đường Nam Quảng Nam đoạn qua huyện Nam Trà My. Ảnh: CÔNG TÚ
Đường Nam Quảng Nam đoạn qua huyện Nam Trà My. Ảnh: CÔNG TÚ

Người dân địa phương khẳng định, đường sá thông suốt đã giải quyết nhiều vấn đề an sinh. Cảnh đi bộ xuống trung tâm huyện cả 2 ngày trời mới tới nơi giờ đây đã lùi xa. Dân làng được tiếp thêm động lực lao động sản xuất và chăn nuôi, có điều kiện xây dựng cuộc sống mới. Cái đói được đẩy lùi, người dân còn giữ được rừng để trồng sâm, duy trì, phát triển nguồn dược liệu quý. Nhiều người dân Xê Đăng trực tiếp vận chuyển nông sản mà mình làm ra, hoặc thu mua lại để cung cấp cho người dân, nhà máy tại các huyện lân cận thuộc tỉnh Kon Tum. Ven đường mới mở, những thửa ruộng nằm trên sườn núi tạo cảnh quan hữu tình, có thể khai thác thành sản phẩm du lịch đặc trưng.

Nhiều nhà dân được dựng lên tại xã Trà Mai.
Nhiều nhà dân được dựng lên tại xã Trà Mai.

Ngược dần về xuôi, thuộc giai đoạn 1, các tuyến tránh Tắc Pỏ (Nam Trà My), Trà My (Bắc Trà My) và Tiên Kỳ (Tiên Phước) xây dựng hoàn thành, hứa hẹn hình thành những điểm dân cư mới. Quan trọng hơn, mật độ lưu thông khu vực nội thị được chia sẻ, giảm thiểu nguy cơ xung đột phương tiện. Đưa vào sử dụng năm 2009, cầu Tam Phú nối đôi bờ sông Bàn Thạch tạo nên “mạch máu” thông suốt từ nội thị Tam Kỳ về phía biển Tam Thanh. Đoạn tuyến dài 9,38km qua địa bàn Tam Kỳ đang là một trong những trục giao thông chiến lược, mở ra nhiều cơ hội khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của đô thị tỉnh lỵ và kết nối với tuyến đường ven biển.

Cần kiên cố hóa, mở rộng

Tháng 4.2005, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án xây dựng đường Nam Quảng Nam (Tam Thanh - Tam Kỳ - Trà My - Tắc Pỏ - Đắc Tô với tổng chiều dài 209km), chạy theo hướng đông bắc sang tây nam, được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Cung đường chiến lược trên còn nối thông lên tận cửa khẩu Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), giáp nước bạn Lào chưa đầy 250km. Qua địa phận Quảng Nam, dự án có chiều dài 147,5km được bắt đầu từ xã Tam Thanh (Tam Kỳ) đến xã Trà Nam (Nam Trà My), giáp huyện Tu Ma Rông của tỉnh Kon Tum. Giai đoạn 1 dự án đường Nam Quảng Nam được triển khai thi công 55,48km, qua địa bàn Tam Kỳ (9,38km), Nam Trà My (37km) và 3 tuyến đường tránh, cùng với hạng mục kiên cố hóa khắc phục bão lũ năm 2010 phát sinh dài 3km. Đoạn qua Tam Kỳ và Nam Trà My đã đưa vào sử dụng năm 2011.

Giai đoạn 1 của dự án đường Nam Quảng Nam đã mang lại vận hội mới cho nhiều địa phương có tuyến đi qua, cơ bản đáp ứng lưu thông cho nội thị Trà My, Tiên Kỳ và đoạn qua Nam Trà My. Tuy nhiên, đường Nam Quảng Nam liên thông ĐT616 trước đây để trở thành quốc lộ 40B hiện đã quá tải, nhất là từ phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) lên Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My. Đường sá liên hoàn, mật độ phương tiện đi lại trên quốc lộ 40B ngày càng đông đúc. Tuy nhiên, bề rộng mặt đường trục giao thông độc đạo hướng lên phía tây nam nhiều năm sau ngày trở thành quốc lộ vẫn  chật hẹp, không đủ cho 2 xe tải ngược chiều lưu thông, nền đường quanh co, gấp khúc rất nguy hiểm. Gặp mưa lũ kéo dài là đất đá, cây cối phía ta luy dương sạt lở ập xuống mặt đường, ta luy âm rơi xuống vực sâu cắt đường gây ách tắc dài ngày. Mỗi khi có mưa to nhiều giờ, lũ băng qua hai ngầm sông Trường và Nước Oa thuộc địa phận Bắc Trà My. Nhiều vụ học sinh, người tham gia giao thông do “lỡ bước” đã bị dòng nước dữ cuốn trôi. “Đường sá như thế rất khó kêu gọi nhà đầu tư. Nhiều lần, doanh nghiệp về tìm hiểu cơ hội nhưng rồi một đi không trở lại” - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, ông Hường Văn Minh có lần tâm sự.  

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Trần Thanh An, tổng cộng hiện còn khoảng 101,3km quốc lộ 40B qua địa phận Quảng Nam chưa được đầu tư mở rộng. Để đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ tiến hành sửa chữa các đoạn bị hư hỏng bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ. Công việc chủ yếu là sửa chữa gia cố lề, bổ sung rãnh dọc, sửa chữa khẩn cấp một số vị trí ta luy dương sụt trượt. Nếu cung đường chiến lược này không sớm được đầu tư mở rộng, nhất là giai đoạn 2 đường Nam Quảng Nam cứ tiếp tục... nằm trên giấy thì nhiều hệ lụy sẽ tái diễn. Đặc biệt, khi dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện ô tô lưu thông sẽ tăng đột biến trên quốc lộ 40B. Bởi lẽ, tài xế quanh khu vực phải đi đến đây để nhập vào hoặc ra khỏi nút giao với đường cao tốc. Lãnh đạo ngành chức năng và chính quyền địa phương còn cho rằng, ngoài việc mở rộng những đoạn còn lại, Bộ GTVT phải có giải pháp kiên cố hóa ta luy âm và ta luy dương mới phát huy được hiệu quả cung đường chiến lược từ Tam Kỳ nối thông lên đến cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum).

TRẦN CÔNG TÚ

HỮU PHÚC