Xanh lại những vùng rau sạch
(QNO) - Sau trận mưa lụt dài ngày hồi cuối tháng 12.2016, những cánh đồng trồng rau sạch trên địa bàn tỉnh đã xanh lại, đem đến nguồn thu lớn cho các nông hộ trong những ngày giáp tết này.
Vượt khó trồng rau hữu cơ
Thời gian gần đây, rau hữu cơ đã trở nên quen thuộc trong đời sống của người dân TP.Hội An. Qua thực tế tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy mô hình rau sạch này cũng đang bắt đầu được ứng dụng ở vùng chuyên canh rau Bình Triều (huyện Thăng Bình).
Đến vùng rau quả Hưng Mỹ (xã Bình Triều) vào những ngày cận tết, hiện ra trước mắt là màu xanh ngút ngát của các loại hành, ngò, tía tô, xà lách, rau dền, bí đao, bí rợ… Niềm phấn khởi hiện rõ trên những gương mặt sạm đen nắng gió của người nông dân. Ngơi tay sau khi cân đủ 10kg rau xà lách, bà Đặng Thị Hộ chia sẻ: “Chúng tôi thu được 280 nghìn đồng sau khi bán 10kg rau xà lách này, rất được giá vì trước đây mỗi kg chỉ bán được 15 nghìn đồng. Vào dịp tết, mỗi ngày chúng tôi bán được trung bình 30kg rau xà lách. Tính cổng cộng thu được hơn 15 triệu đồng trong vụ tết này”. Trên diện tích chỉ 1 sào đất, gia đình bà Hộ bố trí trồng rau hữu cơ với đối tượng duy nhất là rau xà lách, chia đều trên 10 luống. Ra giêng, bà Hộ sẽ thay rau xà lách bằng đối tượng khác, dự kiến là hành, ngò. “Trồng rau hữu cơ, chúng tôi chỉ dùng duy nhất phân chuồng, không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng. Để tránh tác hại của sâu bệnh, chúng tôi trồng luân canh, thay phiên lần lượt các loại rau sạch. Trồng rau hữu cơ rất khó, lại cho sản lượng, năng suất không cao nhưng đây là rau sạch tuyệt đối nên chúng tôi quyết theo. Giá bán cao hơn thông thường đã khích lệ chúng tôi rất nhiều” - bà Hộ nói.
Rau cải mầm được giá bán dịp tết. Ảnh: N.Q.VIỆT |
Dịp tết này, những ai sử dụng rau hữu cơ đều có thể an tâm vì chất lượng vượt trội của loại rau này. Chúng giống hoàn toàn rau trong tự nhiên vì không có chất bảo quản, không biến đổi gen, có lợi cho sức khỏe người dùng. Rau hữu cơ không bắt mắt vì có lá dày, cạnh lá ngắn, trông thô cứng, không múp míp, bóng mượt. Tuy nhiên, rau này giòn, ngọt, mùi đậm đà vì phù hợp với môi trường tự nhiên. Ông Nguyễn Tấn Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho biết, địa phương đang có chủ trương nhân rộng mô hình trồng rau hữu cơ vì các tính năng vượt ưu việt của nó. Địa phương đang xây dựng đề án trồng rau hữu cơ, sẽ trình HĐND huyện Thăng Bình vào tháng 4 tới đây, sẽ triển khai nhân rộng ngay khi được thông qua. Theo đó, lộ trình trồng rau hữu cơ sẽ được tính từng năm một đến năm 2025. “Cái khó lớn nhất để trồng rau hữu cơ là không dễ vượt qua được thói quen canh tác. Người nông dân dùng phân hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, sử dụng biến đổi gien, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản sản phẩm, giúp rau nhanh phát triển. Chừ chuyển qua dùng phân chuồng và không thực hiện các biện pháp tăng trưởng rau thì người dân e ngại. Từ thành công bước đầu của một vài hộ dân, chúng tôi sẽ chú trọng tuyên truyền, giúp người dân chuyên tâm trồng rau sạch hữu cơ trên tổng cộng hơn 120ha diện tích” - ông Vinh nói.
Phát triển rau VietGAP
Vùng chuyên canh trồng rau sạch tại khối phố 2, phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) rộn rã tiếng nói cười của các hộ nông dân. Trên diện tích 4ha, có đến gần 100 nông dân hăng hái thu hoạch rau. “Để đáp ứng nhu cầu của thị trường là cần đa dạng các loại rau sạch nên chúng tôi trồng đầy đủ các loại rau, từ rau húng, tía tô, xà lách cho đến cải bẹ, cải mầm, rau dền. Trong trận mưa lụt dài ngày, nơm nớp lo sợ tiêu điều vùng rau nhưng may mắn là mưa đã tạnh nhiều ngày trước, nắng đã lên nên rau đã xanh lại. Chừ bán được giá lắm, tăng hơn 50% giá bán so với cách đây vài tháng” - ông Phạm Đình Tín cho biết. Gia đình ông Tín canh tác rau sạch trên tổng cộng 4,5 sào diện tích. Mỗi ngày, vợ chồng ông Tín bán ra thị trường 20kg rau xà lách, hàng chục kg rau cải bẹ, cải mầm, rau dền… thu được hơn 3 triệu đồng. Đây là nguồn thu lớn khi các loại rau sạch trở nên khan hiếm vào thời điểm này.
Rau sạch đem lại giá trị kinh tế cao cho gia đình ông Phạm Đình Tín. Ảnh: N.Q.VIỆT |
Cách các luống rau của gia đình ông Tín không xa, bà Nguyễn Thị San nhanh tay cắt hái rau cải mầm. Bà San cho biết, gia đình trồng nhiều loại rau nhưng chủ yếu nhất là rau cải mầm trên tổng diện tích 2 sào đất. Theo bà San, trận mưa lụt vừa qua đã khiến cho gia đình thiệt hại hàng chục triệu đồng vì các loại rau trồng trước đó bị hư hại hoàn toàn. Ngay khi có dấu hiệu ngớt mưa, gia đình đã quyết định trồng chủ yếu cải mầm vì nhanh đến ngày thu hoạch. Từ giữa tháng chạp đến nay, mỗi ngày bà San thu được hơn 500 nghìn đồng tiền bán rau cải mầm, công thêm một số loại rau khác đem lại thu nhập gần 1 triệu đồng.
Khuyến khích sản xuất Theo ông Bùi Ngọc Huy, với quy hoạch rau, củ, quả, TP.Tam Kỳ đang triển khai nhiều cơ chế, hỗ trợ người dân, khuyến khích sản xuất. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 35% khi nông hộ mua các loại giống rau, củ, quả đảm bảo chất lượng; hỗ trợ 100% chi phí phân tích mẫu đất, nước. Khi nông hộ sản xuất theo hướng VietGAP trên diện tích từ 300m2 trở lên sẽ được hỗ trợ 40% lãi suất vốn vay của ngân hàng. Về hạ tầng, các địa phương triển khai quy hoạch sẽ tiến hành đề xuất với thành phố hỗ trợ chi phí xây dựng đường sá, điện, nước… Còn ông Nguyễn Tấn Vinh cho biết, đề án xây dựng vùng trồng rau hữu cơ đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn vài góp ý của các ngành nông nghiệp, tài chính, kế hoạch - đầu tư. Khi triển khai cụ thể, Nhà nước sẽ có các hỗ trợ tương đối lớn để các nông hộ tiếp cận, triển khai trồng rau sạch hiệu quả, tạo khởi sắc cho bộ mặt nong thôn mới của xã. |
Vùng trồng rau sạch tại phường Trường Xuân có diện tích 4 ha. Từ những năm 2007, sau khi quy hoạch, TP.Tam Kỳ đã đầu tư đường giao thông, điện, nước giúp các hộ dân yên tâm trồng rau sạch theo hướng VietGAP. Những thuận lợi từ sản xuất đã giúp các nông hộ có nguồn thu ổn định từ trồng rau sạch. Theo ông Bùi Ngọc Huy - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, từ những thành công của trồng rau sạch VietGAP ở Trường Xuân, địa phương đang triển khai quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả thực phẩm, bố trí khắp các địa bàn của thành phố với tổng diện tích lên đến 21ha. Cụ thể, 2ha tại thôn Tân Thái (xã Tam Thăng), 4ha tại khối phố 2 (phường Trường Xuân), 2ha tại thôn Thọ Tân (xã Tam Ngọc) sẽ trồng nhiều đối tượng rau ăn lá, rau gia vị, đậu bắp, đậu đũa, cà chua… Còn 8ha tại khối phố An Hà Nam, An Hà Trung (phường An Phú), 2ha tại thôn Phú Thạnh (xã Tam Phú), 3ha tại thôn Thanh Đông (xã Tam Thanh) sẽ chuyên canh trồng rau muống biển và một số loại dưa leo, dưa gang. Theo ông Huy, là thực phẩm sạch nên rau VietGAP của Tam Kỳ không thiếu thị trường. “Chúng tôi chú trọng xây dựng chuỗi giá trị cung ứng rau, củ, quả với sự liên kết chặt chẽ của Nhà nước, nhà nông, nhà phân phối và nhà tiêu dùng. Ngoài các đối tác quen thuộc là siêu thị, nhà hàng, khách sạn thì các bếp ăn tập thể như doanh trại quân đội, trường học, các khu công nghiệp sẽ là đối tượng tiêu thụ rau, củ, quả an toàn của các hộ dân” - ông Huy nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT