Chợ xã hội hóa

CHIÊU THỤC ANH 24/01/2017 13:42

(Xuân Đinh Dậu) - Bức tranh hạ tầng thương mại của tỉnh trong những năm gần đây đã có mảng màu sáng khi thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác. Nhiều khu chợ xã hội hóa ra đời, tạo diện mạo mới cho đô thị.

Chợ điển hình

Bà Trần Thị Hoa (lô 200 – 210, tầng 2, chợ Nam Phước, Duy Xuyên) vừa bán không ngớt tay, vừa tranh thủ trò chuyện rằng, cách đây hai năm, khu chợ cũ ai cũng ngán cái cảnh lộn xộn, mất vệ sinh. Rồi sau khi khu chợ được xây dựng khang trang, đưa vào hoạt động, nhiều tiểu thương khiếu nại vì cho rằng sắp xếp chỗ buôn bán không hợp lý. “Hồi đó sợ lên tầng 2 sẽ khó buôn bán, bởi biết tâm lý người dân mình quen tạt đâu mua đó, mua ở những nơi thuận tiện. Rất may là ban quản lý chợ biết lắng nghe góp ý, sắp xếp, quy hoạch rõ ràng, minh bạch nên chuyện đó không xảy ra.

Chợ Nam Phước, Duy Xuyên. Ảnh: VĂN SỰ
Chợ Nam Phước, Duy Xuyên. Ảnh: VĂN SỰ

Buôn bán có phần đắt hàng hơn nên ai cũng vui vẻ cả” - bà Hoa nói. Ông Lê Văn Thông - Phó ban Quản lý chợ Nam Phước chia sẻ, cách thức di dời, hoạt động của chợ Nam Phước “có những cái thiệt không giống ai” nhưng phần lớn bà con tiểu thương ủng hộ. “Một tuần sau khi có quyết định, số lượng tiểu thương hoạt động trong chợ cũ là 200 thì khi vào chợ mới đã tăng lên gấp đôi. Đánh nhanh rút gọn, số lượng tăng đột biến và không có phản ứng xấu như các chợ khác là điều chúng tôi thấy hài lòng. Sự thành công của chợ phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng đặc biệt là sự công khai, minh bạch và có các chính sách về mức phí chợ hợp lý, vì người dân” - ông Thông nói.

Chợ Nam Phước có diện tích khoảng 1ha, nằm trong vùng lõi của dự án khu phố chợ Nam Phước rộng 25ha do Công ty CP Đầu tư xây dựng 569 đầu tư theo hình thức BOT. Thuộc chợ hạng 2 theo quyết định của UBND tỉnh nhưng số lượng tiểu thương hoạt động ở mức chợ hạng 1 và là chợ kiểu mẫu thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương. Sau gần hai năm đi vào hoạt động, chợ Nam Phước dần trở thành trung tâm đầu mối nông sản trong và ngoài tỉnh. Chợ gần như hoạt động liên tục 24/24h. Ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Duy Xuyên nói: “Diện mạo khu phố chợ Nam Phước cũng thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực, nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế của không chỉ riêng huyện Duy Xuyên mà còn cả các vùng lân cận. Cả ngàn lô đất trong dự án đã gần như có chủ, chứng tỏ tiềm năng kinh tế của vùng Nam Phước, Duy Xuyên đã được nhiều người nhìn thấy”. Còn theo bà Nguyễn Thị Trâm - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), do phương án đầu tư, hoạt động hợp lý nên mô hình chợ mới Nam Phước đã đem lại lợi ích cho nhiều bên, cả nhà đầu tư, địa phương và đặc biệt là người dân, là mô hình kiểu mẫu cần được nhân rộng.

Khuyến khích đầu tư

Cũng giống chợ Nam Phước, chợ Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) được xây dựng theo hình thức BOT từ 5 năm trước, do Công ty CP Đầu tư và xây dựng 501 xây dựng trên diện tích 14.000m2. Chợ Vĩnh Điện được xây mới đã thúc đẩy khu phố chợ Vĩnh Điện ra đời, diện mạo của thị xã cũng được cải thiện tích cực với việc quy hoạch sắp xếp rõ ràng, gọn, phù hợp kiến trúc đô thị. Việc xây dựng khu phố chợ này cũng góp phần mở rộng diện tích đô thị, giãn dân cư. Ngoài Nam Phước, Vĩnh Điện, trên địa bàn tỉnh còn có không ít chợ cũng được xây dựng theo hình thức xã hội hóa như chợ Điện Nam, Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), chợ Trung tâm thương mại (TP.Tam Kỳ)... “Tuy nhiên, không phải chợ nào cũng đạt được thành công, sự ủng hộ ngay lập tức của các tiểu thương và người dân sống khu vực lân cận. Nhưng có thể nói, dựa vào bài học của các chợ được xây dựng mới theo hình thức xã hội hóa, bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương đã có những thay đổi đáng kể. Vậy nên, chủ trương của sở vẫn mong muốn có sự góp sức của xã hội để thay đổi, cải thiện nhiều chợ đang ở tình trạng cũ kỹ, ẩm thấp, xập xệ...” - ông Lê Thành Lưu, Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ.

Toàn tỉnh hiện có 154 chợ, trong đó có hai chợ hạng 1, 14 chợ hạng 2 và 138 chợ hạng 3. Tổng số hộ kinh doanh qua mạng lưới chợ hiện nay khoảng 23.000 hộ. Không thể phủ nhận chợ là đầu mối quan trọng tiêu thụ hàng hóa được sản xuất tại địa phương, đặc biệt là hàng nông sản. Và xu thế đầu tư xây dựng chợ theo hình thức xã hội hóa là tất yếu, cần cái bắt tay của nhiều phía để dần xóa bỏ những khu chợ tạm bợ, có nguy xảy ra rủi ro, tai nạn.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH