Khôi phục nguồn dược liệu
Gắn với phát triển kinh tế rừng, huyện Nông Sơn đang cố gắng khôi phục và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn để góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Cây dược liệu dần cạn kiệt
Theo báo cáo, năm 2016, Hội Đông y huyện Nông Sơn tổ chức khám cho 9.581 lượt người, nhiều hơn 735 người so với năm 2015. Trong đó có 5.098 lượt người được khám cấp thuốc tại khoa Đông y, Trung tâm Y tế huyện. Ông Võ Ngọc Minh - Chủ tịch Hội Đông y huyện Nông Sơn cho biết, xu hướng hiện nay là người dân thích “trở về thiên nhiên”, sử dụng nhiều hơn các loại thuốc có nguồn gốc từ dược liệu thiên nhiên. Trong khi đó, nhu cầu về thuốc phòng bệnh và chữa bệnh từ dược liệu ngày càng cao và đa dạng, số lượng và chủng loại thuốc theo yêu cầu của xã hội ngày càng tăng. Việc sử dụng dược liệu thiên nhiên ít tác hại hơn và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể con người.
Một thành viên trong Tổ khảo sát dược liệu huyện Nông Sơn trong quá trình tìm kiếm cây thuốc. Ảnh: Tổ khảo sát cung cấp |
Theo một số thầy thuốc đông y tại địa phương, Nông Sơn được thiên nhiên ban tặng với thảm thực vật và nguồn dược liệu đa dạng, phong phú. Cách đây hàng chục năm, cây sa nhân, mè tré, vàng đắng (địa phương quen gọi là đằng đằng), hoài sơn, tầm phục, dành dành… là những nguồn thuốc quý mà các thương lái tìm đến thu mua. Trước đây, người dân địa phương gìn giữ tài nguyên rừng rất tốt và có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng, khai thác mang tính bền vững. Ví như cây ươi khi chuẩn bị thu hái, người ta lấy dây rừng buộc và nêm chặt vào thân cây cho trái rụng, sau đó mở dây ra cho cây sống. Cây tầm phục không nhổ luôn gốc ngọn như bây giờ mà nhổ tỉa chừa lại, các loại dược liệu sống ký sinh trên thân cây cũng vừa khai thác vừa chừa lại để còn có thu hoạch sau này… Tuy nhiên, đến nay nguồn dược liệu và một số loại dược liệu quý tại địa phương đang dần cạn kiệt do nhiều nguyên nhân như đốt phát rừng trồng các loại cây keo, cao su, hiện tượng xói mòn và nạn khai thác bừa bãi. Trong khi đó việc gây trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện của một số nhóm hộ, của các thầy thuốc chỉ mang tính nhỏ lẻ, manh mún, mất cân đối và không đủ cung cấp tại địa phương.
Trước thực trạng nêu trên, huyện Nông Sơn đã giao cho Hội Đông y huyện chủ trì thực hiện đề tài “Khôi phục và phát triển một số loại cây dược liệu trên địa bàn huyện Nông Sơn”, với kinh phí thực hiện giai đoạn 1 là 55 triệu đồng. Việc làm này cũng vừa hưởng ứng đề án về phát triển cây thuốc của UBND tỉnh và chỉ đạo của Hội Đông y tỉnh về “Bảo tồn và phát triển những cây thuốc bản địa” để phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Giá trị và việc phát triển
“Thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, chữa bệnh tại nhà” Đó là phương châm được Hội Đông y Việt nam quán triệt trong việc phòng và chữa bệnh bằng đông y, nhằm đảm bảo nguồn dược liệu, chất lượng thuốc, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Bởi, theo báo cáo của Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 50 ngàn tấn dược liệu để điều chế thuốc và các chế phẩm khác. Trong đó, nguồn dược liệu của ta chủ yếu lại nhập khẩu từ Trung Quốc qua con đường phi mậu dịch, không rõ nguồn gốc, không rõ tiêu chuẩn, không có giấy kiểm nghiệm. Đặc biệt đã phát hiện khá nhiều dược liệu bị giả mạo với giá rất cao nhưng chất lượng kém dẫn đến điều trị không tốt. Theo Hội Đông y huyện Nông Sơn, để đảm bảo đầu ra cho cây dược liệu, hội sẽ tổ chức khảo sát nhu cầu dược liệu từ các phòng chẩn trị và thầy thuốc đông y; đồng thời liên kết với các hội đông y trong tỉnh về nhu cầu tiêu thụ các loại thuốc và liên kết trao đổi với các công ty, doanh nghiệp có sản xuất buôn bán những mặt hàng có liên quan đến dược liệu… |
Việc khôi phục và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn huyện Nông Sơn không chỉ tạo nguồn thuốc quý tại chỗ trong phòng chữa bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân mà còn tạo điều kiện cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế dựa trên cây dược liệu. Theo ước tính của Hội Đông y huyện, một héc ta đinh lăng cho thu nhập gấp 20 lần so với cây keo trên cùng diện tích. Bởi, trung bình một héc ta keo trồng sau 5 năm khai thác thì lợi nhuận thu được chỉ khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha. Trong khi đó, với giá trung bình khoảng 20 nghìn đồng/kg đinh lăng tươi (thân, lá và rễ), thì một héc ta sau 4 năm khai thác cho lợi nhuận khoảng 1,2 tỷ đồng. Còn cây sa nhân cũng được đánh giá là có giá trị kinh tế gấp 10 lần so với cây keo nếu trồng trên cùng một diện tích.
Từ chủ trương trên, trong tháng 8 và 9.2016, Tổ điều tra khảo sát dược liệu huyện Nông Sơn được thành lập và đã tiến hành khảo sát thực tế ở 3 xã Quế Lộc, Quế Ninh và Quế Lâm. Qua khảo sát đã ghi nhận được hơn 70 cây thuốc mà người dân và các thế hệ thầy thuốc ở địa phương trong nhiều năm qua đã dùng trong phòng và chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Trong đó nhiều nhất là cây chữa bệnh về tiêu hóa, gân, cơ, xương khớp, thần kinh suy nhược, lợi tiểu, sỏi thận, huyết áp, bệnh về gan, dị ứng, tiêu độc, thanh nhiệt giải độc… Đặc biệt, trong chuyến khảo sát đã phát hiện ra cây thuốc thượng, một loại thuốc quý nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007. Việc khảo sát, phát hiện nguồn dược liệu này là căn cứ để xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu hiện có của huyện, lập bản đồ dược liệu với mục tiêu không để mất cây thuốc quý.
Qua khảo sát, Hội Đông y huyện đã thực hiện một số giải pháp để phát triển nguồn dược liệu. Trước mắt lấy cây sa nhân làm chủ lực gây trồng tại một số vùng thuộc xã Quế Lộc, Quế Lâm và Quế Ninh với quy mô 5 - 10ha, còn một số loại cây dược liệu khác như đinh lăng, hoài sơn, cà gai leo, ba kích… thì tiếp tục tập huấn và phối hợp với Hội Nông dân huyện để triển khai cho nhân dân địa phương trồng dưới dạng vườn nhà, đồi, xen canh trong các vườn tiêu, cao su… Khu vườn của hộ ông Nguyễn Nở (thôn Đại Bình, xã Quế Trung) được Hội Đông y hỗ trợ 18 triệu đồng để thực hiện thí điểm mô hình trồng dược liệu với diện tích 750m². Trong đó, 600m² trồng cây đinh lăng, 150m² còn lại trồng những loại thuốc do Tổ điều tra khảo sát dược liệu huyện mang về như cây gun, thuốc thượng, mạch môn, hà thủ ô, nam bạch linh… Ông Nở cho biết vườn dược liệu đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn sẽ cho thu hoạch, giá trị kinh tế cao.
ANH ĐÔNG - MINH TÂM