Dự án nhà máy thép Việt - Pháp tại Thạnh Mỹ: Hoàn toàn kiểm soát được môi trường

TRẦN HỮU 23/12/2016 09:00

Hôm qua, 22.12, Hội đồng thẩm định công nghệ dự án Nhà máy thép Việt - Pháp (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang)đã tổ chức cuộc họp lắng nghe ý kiến  phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm xây dựng hành lang pháp lý lẫn thực tiễn kiểm soát chặt chẽ môi trường.

  • Dự án Nhà máy thép Việt - Pháp: Hoàn toàn kiểm soát được môi trường
  • Di dời dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp: Chỉ thực hiện khi đảm bảo quy định về đánh giá tác động môi trường
  • Vì sao phải di dời Nhà máy thép Việt - Pháp?
  • Xây dựng Nhà máy thép Việt - Pháp tại Thạnh Mỹ: Chờ sự đồng thuận từ người dân!
  • Dời Nhà máy thép Việt Pháp lên thôn Hoa (Thạnh Mỹ): Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường
Quang cảnh buổi thẩm định dự án Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp vào sáng 22.12. Ảnh: TRẦN HỮU
Quang cảnh buổi thẩm định dự án Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp vào sáng 22.12. Ảnh: TRẦN HỮU

Phản biện đa chiều

Thống nhất cao với quyết tâm đầu tư nhà máy của doanh nghiệp, nhưng ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định công nghệ dự án này vẫn băn khoăn. Theo ông Tích, báo cáo của chủ đầu tư cần làm rõ thêm lượng bùn thải là chất thải nguy hại có chứa kim loại nặng (đồng, chì...) sau này xử lý đảm bảo không, tính toán lượng bùn thải ra và hợp đồng với cơ quan nào để tham gia xử lý? “Không loại trừ những nguồn phóng xạ vô chủ lẫn lộn trong sắt thép phế liệu. Chiếm đến 80% nguồn nguyên liệu sắt thép phế liệu từ nước ngoài nhập vào nhà máy, công ty có dự lường được sự cố bức xạ không?” -  ông Tích đặt vấn đề.

Theo quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá TĐMT dự án nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp của UBND tỉnh, trong quá trình thực hiện dự án, nếu để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng phải dừng ngay các hoạt động của dự án gây ra sự cố; tổ chức ứng cứu khắc phục sự cố; thông báo khẩn cấp cho Sở Tài nguyên - môi trường và Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Nam Giang để được chỉ đạo và phối hợp xử lý; chịu trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ chương trình giám sát môi trường như đã nêu trong Báo cáo đánh giá TĐMT, báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để theo dõi, quản lý. Số liệu giám sát phải được cập nhật đầy đủ và lưu giữ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, đánh giá diễn biến về chất lượng môi trường của khu vực. Đồng thời tuân thủ các yêu cầu về phòng ngừa, ứng cứu sự cố, vệ sinh công nghiệp, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, an toàn hóa chất trong quá trình thực hiện dự án theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Ở góc độ kiểm soát môi trường sạch từ nguồn nguyên liệu đầu vào, PGS-TS.Dương Việt Dũng - Trưởng khoa Cơ khí giao thông (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đề nghị chủ đầu tư cần làm rõ thêm quy trình xử lý nguồn phế liệu như thế nào trước khi đưa vào lò luyện cán thép. Lượng bùn lắng xuống có kim loại nặng bao lâu thì đem xử lý, không thể để lượng bùn tồn kho chất đầy rồi mới đem đi.  PGS-TS. Dũng đặt câu hỏi: “Phế liệu đưa vào nhà máy chắc chắn nhiều nguồn gốc, doanh nghiệp có phân loại được không, xử lý bằng hình thức thủ công hay máy móc hiện đại?”.  

Bà Võ Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt - Pháp cho rằng, nguồn thải chính chủ yếu là bụi và khí thải. Sản xuất ra 1 tấn sản phẩm thép sinh ra 1kg bụi. Riêng về chất thải nguy hại, cứ 3 tháng một lần doanh nghiệp hợp đồng với Công ty Môi trường xanh Đà Nẵng mang đi xử lý đảm bảo môi trường, Sở Tài nguyên - môi trường cũng theo dõi, giám sát thường xuyên. “Nhà máy nhập phế liệu vào có địa chỉ nguồn gốc rõ ràng. Hàng hóa qua cảng được kiểm duyệt nên mới cho thông quan. Nếu có chất phóng xạ trộn lẫn vào sắt phế liệu chắc chắn bộ phận chức năng ở cảng Đà Nẵng sẽ gác cổng ngay” - bà Hạnh khẳng định. Cũng theo chủ đầu tư, xử lý phế liệu đầu vào càng sạch thì giảm tiêu hao điện năng hoạt động, chi phí sản xuất thấp. Dây chuyền công nghệ, thiết bị châu Âu sẽ sản xuất thân thiện với môi trường.

Đồng thuận cao

Di dời Nhà máy thép Việt - Pháp từ thị xã Điện Bàn lên thôn Hoa - thị trấn Thạnh Mỹ gần đây thu hút sự quan tâm không chỉ ở Quảng Nam và cả TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, bản chất của công nghệ tại nhà máy thép này là tái chế sắt thép phế liệu, nguồn nước sử dụng đều tuần hoàn, không xả ra sông. Mặt khác, ngành chức năng đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) của dự án rất chặt chẽ. Đây là căn cứ khoa học để UBND tỉnh phê duyệt tính khả thi, quyết định cho phép nhà máy đầu tư. Theo bà Võ Thị Hạnh, đầu năm 2017, nhà máy sẽ chính thức đầu tư với kinh phí hơn 975 tỷ đồng. Công ty cam kết thực hiện đầy đủ các quy định đã được phê duyệt trong TĐMT, cũng như các quy định hiện hành của pháp luật, sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu. “Việc sử dụng công nghệ lò cảm ứng điện từ trung tần sẽ giúp luyện được thép có hàm lượng cac-bon rất thấp, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường khí thải trong quá trình nấu luyện thép” - bà Hạnh quả quyết. Nội dung của quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá TĐMT của dự án này cũng khẳng định, nước thải sản xuất chủ yếu làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng, hoàn toàn không thải ra môi trường, sông suối. Nước cấp vào nhà máy là nước ngầm khai thác từ các giếng khoan và từ khe suối gần khu vực dự án, tuy nhiên khối lượng không nhiều vì chủ yếu để làm mát thiết bị. Hai nguồn ô nhiễm chính của nhà máy là bụi và khí thải, nhưng quá trình thẩm định dự án các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ.

PGS-TS.Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (thuộc Hội bảo vệ thiên nhiên - môi trường Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định công nghệ dự án ủng hộ chủ trương của tỉnh về việc di dời nhà máy thép lên miền núi để tạo lực đẩy phát triển công nghiệp. Vấn đề ô nhiễm nếu nhà máy tuân thủ nghiêm túc như Báo cáo đánh giá TĐMT sẽ không thể xảy ra. Tuy nhiên, PGS-TS.Sỹ cũng lưu ý, doanh nghiệp cần đảm bảo tính ổn định nguyên liệu đưa vào lò sản xuất, xử lý dứt điểm xỉ sắt thải ra.

Tại buổi thẩm định dự án, hầu hết chuyên gia, nhà khoa học đều ủng hộ với công nghệ sản xuất và Báo cáo đánh giá TĐMT của nhà máy thép Việt - Pháp. Tuy vậy, hội đồng thẩm định cũng yêu cầu chủ đầu tư cần hoàn thiện, thực hiện đúng, đầy đủ những cam kết với UBND tỉnh, đừng để “hồ sơ đẹp” nhưng khi vận hành thì xảy ra sai phạm. Ông Phạm Viết Tích nói: “Các nhà khoa học, cơ quan quản lý đều có chung quan điểm ủng hộ xây dựng nhà máy tại thôn Hoa. Nhà máy hoàn toàn kiểm soát được ô nhiễm môi nếu như thực hiện đúng Báo cáo đánh giá TĐMT. Vấn đề ở đây là trách nhiệm của doanh nghiệp và giám sát của cơ quan chức năng nhà nước”.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU