Hướng đến phát triển bền vững
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững là một trong những nội dung quan trọng tiếp tục được đặt ra và thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 6 (khóa XXI) tổ chức hôm qua 1.12.
Kinh tế tăng trưởng ấn tượng
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường trình bày tại hội nghị nêu rõ: năm 2016, kinh tế Quảng Nam đạt được nhiều kết quả đáng mừng với tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 14,73%, cao nhất trong 10 năm gần đây (vượt 4,7% kế hoạch đề ra). Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 613 triệu USD. Tổng thu ngân sách trong năm ước đạt 19.450 tỷ đồng (bằng 140,5% dự toán; tăng 29,3% so với năm 2015). Nhiều công trình trọng điểm quy mô lớn được đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2016 hàng loạt công trình, dự án trọng điểm tiếp tục thi công đã khớp nối hạ tầng giao thông thông suốt giữa vùng đông nam và vùng tây, giữa đô thị và nông thôn, liên kết các tuyến ven biển... Quảng Nam cũng tập trung nguồn lực cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và kết hợp phát triển lĩnh vực trọng yếu.
Năm 2016, toàn tỉnh đón gần 4 triệu lượt khách, thu nhập xã hội ước đạt 6.763 tỷ đồng. Ảnh: T.S |
Đáng lưu ý là sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, đảm bảo nguồn vốn đối ứng kịp thời; xây dựng cơ chế khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) trên tất cả các lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Lê Phước Hoài Bảo, năm 2017 ngành sẽ tham mưu cho tỉnh rà soát, xác định danh mục dự án cần sử dụng nguồn vốn ODA theo thứ tự ưu tiên để bố trí kế hoạch trung hạn, dài hạn. Trước mắt dành nguồn lực vào mhững dự án trọng điểm mang tính đột phá, có sức lan tỏa cao để tạo động lực thúc đẩy phát triển. Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh, năm 2017 sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để trung tâm hành chính công tỉnh hoạt động ngay từ đầu năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và công dân.
Năm 2016, toàn tỉnh đón gần 4 triệu lượt khách, thu nhập xã hội ước đạt 6.763 tỷ đồng (chiếm khoảng 8,5% GDP của tỉnh). Tuy nhiên, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần cải cách thể chế, thu hút đầu tư cùng sự vào cuộc của các ban ngành liên quan. Đặc biệt có cơ chế thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ, tạo sự đột phá về sản phẩm và điểm đến. Còn ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thì đề xuất, tỉnh cần có cơ chế mạnh mẽ đưa doanh nghiệp lên miền núi đầu tư. Ở khu vực phía tây của tỉnh nên xác định phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thiên nhiên, mạo hiểm. Về giải pháp phát triển miền núi, ông Bửu đề xuất nên cụ thể hóa các chương trình hành động bằng đề án, dự án phát triển cây dược liệu, bởi thực tiễn chứng minh loại cây này có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần cây lúa, bắp... “Ngành nông nghiệp sớm kiểm kê rừng, phân loại chi tiết 3 loại rừng, tiến tới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho dân” - ông Bửu nói.
Kiểm soát ô nhiễm
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Cụ thể tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại vùng nông thôn còn thấp; công nghệ xử lý rác thải hiện nay còn thô sơ, chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Tỷ lệ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung thấp; các làng nghề chưa xây dựng hạ tầng xử lý chất thải. Một số “điểm nóng” về môi trường chậm được khắc phục, gây nên tình trạng khiếu kiện lâu dài, mất an ninh trật tự tại địa phương. Công tác xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thiếu kiên quyết. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT, một số địa phương, doanh nghiệp còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ xây dựng hệ thống xử lý môi trường, nhất là trong việc quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Ngành tài nguyên môi trường sẽ tham mưu cho tỉnh trước mắt kiểm tra, hậu kiểm về bảo vệ môi trường với các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200m3/ngày đêm trở lên và xả thải ra sông, biển; rà soát và đánh giá lại tính hiệu quả, khả thi của 16 dự án thủy điện vừa và nhỏ chưa được triển khai, xem xét loại bỏ các dự án có quy mô công suất dưới 5MW.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhìn nhận, hiện Quảng Nam có 3 yếu tố tác động đến môi trường gồm rác thải nông thôn, rác thải công nghiệp và rác thải do biến đổi khí hậu. Riêng khâu xử lý môi trường nông thôn còn nhiều khó khăn và bất cập. Vì vậy, các địa phương cần chủ động xem xét đưa ra giải pháp xử lý rác thải từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, cụ thể đầu tư lò xử lý rác thải sinh hoạt tại chỗ. “Quan điểm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh là không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư; kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường, cấm nhập khẩu công nghệ lạc hậu và triển khai các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; đồng thời nâng cao năng lực chủ động úng phó với biến đổi khí hậu, hưóng tới mục tiêu phát triển bền vững” - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh.
TR.HỮU - V.LỘC