Xây dựng chính quyền thân thiện
Chương trình “cà phê doanh nhân” được mở từ tháng 3.2016 như là sự tiếp nối các sáng kiến “Một cửa liên thông”, “tiếp xúc định kỳ ngày 5 hàng tháng” và “Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp” đã dần xác lập niềm tin tương tác cùng doanh nghiệp và xây dựng một chính quyền thân thiện, gần dân và doanh nghiệp.
Tương tác doanh nhân
Sau hai chương trình “cà phê doanh nhân” về dệt may và chăn nuôi được mở bắt đầu từ tháng 3.2016, cuộc “trà dư, tửu hậu” lần thứ ba về lĩnh vực vật liệu xây dựng đã được những người tổ chức (Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam) chọn không gian ấm cúng Vinahouse Space (Điện Bàn) để bàn luận chuyện đời, chuyện nghề của thương giới. Giữa không gian cởi mở, thân thiện, gần gũi, các doanh nhân đã thật sự mở lòng, dễ dàng trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo tỉnh về những khó khăn, vướng mắc, những điều mà họ dường như vẫn còn dè dặt, e ngại khi góp ý hay hiến kế bằng văn bản qua kênh trực tuyến Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Khá nhiều doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn chuyển đổi sản xuất từ gạch thủ công sang công nghệ gạch không nung, thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến ngành điện. Doanh nghiệp mong muốn UBND tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung của từng địa phương để thuận tiện hơn trong vấn đề sản xuất. Họ đề nghị các cơ quan quản lý cần thông tin rộng rãi các quy trình công nghệ, quản lý kỹ thuật và chính sách mới để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thực hiện.
Các doanh nhân cùng lãnh đạo tỉnh “uống cà phê” và trao đổi về những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm.Ảnh: TRỊNH DŨNG |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - người chủ trì “cà phê doanh nhân” nói trước doanh nhân, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và các ngân hàng thương mại cùng “uống cà phê” rằng chính quyền ghi nhận những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện tại. Ông Thanh thừa nhận đến ngày 1.1.2017, tất cả doanh nghiệp sản xuất theo phương pháp gạch thủ công sẽ phải chuyển sang sản xuất gạch không nung là lộ trình đầy khó khăn. Ông yêu cầu doanh nghiệp phải có nguồn nguyên liệu hoặc đăng ký mỏ để chuẩn bị nguyên liệu sản xuất. Tất cả doanh nghiệp phải lên kế hoạch, lộ trình chuyển đổi hợp lý, cụ thể, đầu tư máy móc, thiết bị, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện tại ở từng địa phương đã có quy hoạch cụ thể các vùng nguyên liệu. Sở Xây dựng cũng sẽ tổ chức một hội thảo, phổ biến rộng rãi các quy trình công nghệ, quản lý kỹ thuật, các chính sách mới của trung ương và Quảng Nam để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thực hiện. Ông Thanh cũng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu cụ thể, lên kế hoạch phát triển ngành, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ doanh nghiệp sản xuất, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. “Chính quyền và cơ quan quản lý luôn cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp để ngày càng hoàn thiện cơ chế, chính sách, phục vụ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam sản xuất, kinh doanh hiệu quả…” - ông Thanh nói.
Chính quyền gần doanh nghiệp
Nhiều vướng mắc, kiến nghị của doanh nhân từ hai buổi “cà phê” về dệt may và nhiều lĩnh vực khác. Một lãnh đạo Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho biết, tiếp doanh nghiệp định kỳ là phiên họp chính thức để UBND tỉnh lắng nghe, giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp cụ thể đã đăng ký nội dung trước đó. Sau phiên họp sẽ có thông báo chỉ đạo các sở, ngành, liên quan tháo gỡ vướng mắc hay Cổng thông tin hỗ trợ tiếp nhận và xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp. Đây là nỗ lực tiếp nối các sáng kiến trước đây để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sự thân thiện, chuyển từ quản lý sang phục vụ đã kéo chính quyền ngày lại càng gần với doanh nghiệp hơn.
Nhiều doanh nghiệp nói nếu không có sự đồng hành này thì sẽ khó cho Đồng Tháp xếp thứ 2 cả nước trên bảng xếp hạng PCI 2015, trong đó có 2/10 chỉ số thành phần đứng đầu cả nước là tính năng động và chi phí thời gian và nhiều năm liên tục nằm trong tốp 5 dù địa phương này được coi là khuất nẻo so với nhiều tỉnh, thành khác. Hầu hết những doanh nhân cùng “uống cà phê” hiểu rõ việc thay đổi môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Nam không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Kết quả thăng hạng chỉ số PCI xếp thứ 8/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 6 bậc so năm 2014) và xếp thứ hai vùng duyên hải miền Trung, thuộc nhóm tốt, trở thành gương mặt mới trong tốp 10 tỉnh, thành dẫn đầu chỉ số PCI, có đủ năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư cao nhất Việt Nam, đã phần nào đánh giá năng lực cải cách của chính quyền địa phương đã phát huy tác dụng. Song họ vẫn hy vọng rằng các chính sách không nên chỉ có tính “thời vụ” mà cần chiến lược lâu dài trong suốt quá trình phát triển kinh tế. Quyền được biết hay việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện rốt ráo dù chỉ thông qua những cuộc cà phê này sẽ xác lập niềm tin của doanh nghiệp vào chính quyền hơn. Nếu điều này không thay đổi, ít khả năng thực hiện thì “một cửa liên thông”, đối thoại thường kỳ, “cổng thông tin điện tử” 100% hay “cà phê doanh nhân” vẫn chỉ mang tính hình thức, lấy điểm nhất thời và sẽ chẳng mang lại kết quả cải thiện bao nhiêu.
Ông Trịnh Minh Vân - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (Bộ KH&ĐT) cho rằng cải thiện chỉ số PCI không của riêng ai. Chính quyền cần xem xét, hài hòa lợi ích giữa dân - doanh nghiệp - Nhà nước, xem lại hiệu lực hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn của các điểm số, xây dựng một chính quyền thân thiện, gần dân, gần doanh nghiệp… Tất cả phụ thuộc vào tư duy năng động lãnh đạo, quản lý và tư duy quản trị của doanh nghiệp… thì không có lý do gì năng lực cạnh tranh, chương trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Nam không thể đạt đến mức tốt nhất.
Quảng Ngãi thực hiện “cà phê doanh nhân” Buổi “cà phê doanh nhân” đầu tiên vừa được tổ chức tại nhà khách UBND tỉnh Quảng Ngãi. Mô hình “cà phê doanh nhân” đầu tiên trên cả nước được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp triển khai và đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng đánh giá cao mô hình “cà phê doanh nhân” tại Đồng Tháp và nhiều lần yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần đối thoại trực tiếp, lắng nghe doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tại buổi “cà phê doanh nhân” đầu tiên ở Quảng Ngãi, nhiều doanh nghiệp cũng đã cởi mở chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Các doanh nghiệp đều cho rằng việc UBND tỉnh tổ chức buổi uống cà phê với doanh nhân là đúng với nguyện vọng, xu thế hiện nay để tạo sự gần gũi giữa chính quyền với doanh nghiệp. So với việc tổ chức họp, đối thoại lâu nay thì việc mở cà phê doanh nhân rất có ý nghĩa. Đó là không hành chính hóa mà trao đổi rất vô tư, cởi mở. Buổi cà phê doanh nhân cũng là dịp để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, những ý tưởng kinh doanh mới cũng được nêu ra để được trao đổi, góp ý, đưa sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả hơn. Đại diện các doanh nghiệp mong muốn các buổi cà phê doanh nhân không chỉ diễn ra mỗi tháng 1 lần mà tỉnh nên thường xuyên tổ chức nhiều lần hơn. Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhìn nhận buổi cà phê không phải là cuộc họp để giải quyết hết những vấn đề nhưng ở đây tạo điều kiện trao đổi. “Qua buổi hôm nay có những vấn đề giải đáp chưa được, nhưng cũng có cái được. Qua trao đổi, thấy những vấn đề quan tâm, cái được, cái chưa được, cái doanh nghiệp cần… tôi thấy rất bổ ích. Quảng Ngãi luôn xem thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh” - ông Thọ nói và cho rằng sự nỗ lực đa dạng hóa các kênh thông tin là việc làm rất có ý nghĩa, giúp cho tỉnh Quảng Ngãi sửa đổi, ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế. Theo kế hoạch, sau buổi đầu tiên thí điểm này, định kỳ một tháng 2 lần, những cuộc gặp sẽ được tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tại căng tin nhà khách UBND tỉnh, số 54 đường Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi. M.Đ (theo Chinhphu.vn) |
TRỊNH DŨNG