Trách nhiệm doanh nhân
Không chỉ làm từ thiện, những doanh nhân tận lực cho ra những sản phẩm định vị thương hiệu địa phương hay quốc gia, đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng… sẽ thu lại lợi ích vô hạn, không chỉ được tính bằng tiền.
Từ thiện thôi… chưa đủ
Bà Hứa Thị Anh - chủ khách sạn Phú Thịnh (Hội An) luôn miệng cười giữa những ngày triển lãm ảnh “Sắc màu của Trời và Đất” của nhà báo Vũ Công Điền trong sân khách sạn. Những bức ảnh được trưng bày tại triển lãm như “góp thêm” sự tiếc nuối, lo sợ những gì sắp mất của làng quê Việt trước sự bào mòn của thời gian và tốc độ phát triển nóng của thời đại công nghiệp dưới mắt nhìn của nhiếp ảnh gia Vũ Công Điền. Đặc biệt, số tiền bán được các tác phẩm này sẽ góp nguồn tài trợ cho các hoạt động từ thiện của nhóm VCD mà doanh nhân Hứa Thị Anh là một thành viên nhiều năm qua.
Sản xuất ra những hàng hóa chất lượng, tạo dựng nên thương hiệu Việt chính là khát vọng của doanh nhân. Ảnh: T.D |
Cũng giống như bà Hứa Thị Anh, mỗi doanh nhân có trách nhiệm đều đã chọn cách chia sẻ cộng đồng khác nhau. Doanh nhân thường chiếm ưu thế trong tiến trình mang tình thân đến cộng đồng. Thaco chọn tài trợ cho Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng, Agribank chọn tài trợ chính cho Giải Việt dã truyền thống do Báo Quảng Nam để khích lệ khát vọng học tập và rèn luyện sức khỏe và không ít doanh nhân đã góp thêm tiền cho những nhóm thiện nguyện chọn xây những ngôi nhà, ngôi trường tình nghĩa ở khắp vùng nông thôn Quảng Nam trong thời gian qua. Khá nhiều doanh nhân đã âm thầm nhận đỡ đầu, tặng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, hỗ trợ tiền chữa bệnh, mổ tim… cho những người thiếu may mắn. Không thể đo đếm được đã có bao nhiêu tiền của, công sức của cộng đồng doanh nhân trong cuộc hành trình chia sẻ nỗi đau, khó nhọc của người nghèo, bất hạnh… Có thể nói rằng, nếu thiếu họ, nỗ lực của Chính phủ, chính quyền địa phương có đến mấy cũng khó đáp ứng hết yêu cầu và sự mong mỏi của dân chúng.
Nhưng chỉ từ thiện thôi đã đủ chưa. Câu trả lời của khá nhiều doanh nhân là điều ấy không đủ. Trách nhiệm doanh nhân là tạo ra những sản phẩm, đáp ứng sự mong đợi của cả cộng đồng mới là điều phải được hướng đến đầu tiên.
Khát vọng!
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco từng phát biểu trước diễn đàn doanh nghiệp do Chính phủ tổ chức hôm 29.4.2016 rằng doanh nghiệp gánh vác sứ mệnh phát triển kinh tế. Chủ thể chính tham gia hội nhập là cộng đồng doanh nghiệp thông qua sản phẩm, dịch vụ của mình và nền kinh tế của đất nước. Khả năng cạnh tranh, hội nhập thành công chỉ khi cộng đồng doanh nghiệp mạnh và nền kinh tế mạnh. Nếu không thì thế hệ đi sau sẽ rất khó để tiếp nối sự nghiệp. Không gì khác hơn, doanh nhân phải đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, rèn luyện ý chí, nghị lực và tinh thần yêu nước để phát triển doanh nghiệp. |
Có một sự thật đáng mừng, gần đây, trong các diễn ngôn của doanh nghiệp, doanh nhân luôn có những dấu ấn về khía cạnh sinh thái, nhân đạo để làm nổi bật phần đóng góp của họ cho xã hội. Và đó là cam kết làm ra những sản phẩm tốt nhất cho xã hội. Kinh doanh hướng đến lợi nhuận, nhưng không vì thế mà bất chấp cả những tác hại lên môi trường là cách mà Victoria, Khoa Trần (Hội An); hay kêu gọi du lịch tình nguyện của du khách của Công ty Lữ hành Lê Nguyễn (Hội An) để giúp những người dân nghèo địa phương hoặc mở tour xây dựng làng để bảo vệ văn hóa đồng bào của Công ty Hoa Hồng… đã tạo dựng thương hiệu, nhận được niềm tin của người tiêu dùng. Đó mới chính là câu trả lời cho trách nhiệm xã hội của doanh nhân. Doanh nhân Phan Xuân Thanh đã chọn cách mở doanh nghiệp xã hội với nguyên tắc lợi nhuận dành cho tái tài trợ cộng đồng. Thanh nói trong những nguyên tắc căn bản trong bán hàng của xu hướng kinh doanh thế giới trong tương lai thì nguyên tắc đầu tiên là phải tái đầu tư cho cộng đồng. Nếu doanh nghiệp nào quên điều đó thì sẽ không thể nào có sự phát triển bền vững. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ nghĩ đơn giản là làm trách nhiệm xã hội hay xây dựng thương hiệu trên những hình thức PR. Điều đó chỉ tồn tại nhất thời trong một vài show diễn, sau đó sẽ bị lãng quên ngay. Việc từ thiện mang tính cứu trợ khẩn cấp chỉ là một phần của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, doanh nhân.
Thị trường Việt Nam đã rộng cửa hơn với hàng loạt FTA được ký kết. Thị trường Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng sẽ khó tránh khỏi tình trạng hàng hóa ngoại nhập tràn ngập thị trường. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt” đang tạo cơ hội rất lớn cho doanh nhân. Ưu tiên chọn hàng Việt rõ ràng không đơn giản là một hành vi kinh tế mà ủng hộ hàng nội, bảo vệ nền sản xuất trong nước cũng thể hiện lòng yêu nước. Lòng yêu nước tuy không khó để khơi dậy nhưng không dễ để nuôi dưỡng. Không thể cổ động người dân yêu nước chỉ qua hành vi mua sắm mà còn thay đổi nhận thức về hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Trong một thị trường quốc tế không còn rào cản, hàng Việt, dịch vụ Việt phải tốt hơn, đẹp hơn và rẻ hơn hàng hóa các nước khác… mới có thể thuyết phục và khơi gợi niềm tự hào của người Việt Nam.
Thử tưởng tượng đến một ngày nào đó, khi nền sản xuất các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống, hệ thống phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng khắp cả nước và các ngành làm hàng xuất khẩu, kể cả nông sản, thủy sản... đều nằm trong tay doanh nhân nước ngoài, làm sao chúng ta có thể yên tâm về rủi ro lệ thuộc ở nhiều góc độ. Trách nhiệm này không thuộc về doanh nghiệp, doanh nhân thì thuộc ai? Đó là câu hỏi của cả cộng đồng người Việt dành cho thương giới tự mình đi tìm câu trả lời.
TRỊNH DŨNG