Vì sao phải di dời Nhà máy thép Việt - Pháp?

TRẦN HỮU 06/10/2016 08:40

Những ngày qua, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin UBND tỉnh có chủ trương di dời Nhà máy thép Việt - Pháp từ  thị xã Điện Bàn lên huyện miền núi Nam Giang, khi đặt ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, không chỉ riêng tại khu vực đặt nhà máy mà cho cả vùng hạ du và cả TP. Đà Nẵng!  PV Báo Quảng Nam đã vào cuộc để làm rõ vấn đề.

Địa điểm sẽ xây dựng Nhà máy thép Việt - Pháp tại Nam Giang là thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ. Diện tích quy hoạch là 17ha, cách trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ khoảng 5km. Hiện khu vực này có 16 hộ dân sinh sống. Số hộ dân này sẽ di dời đến nơi khác trước khi khởi công xây dựng.

Chủ trương di dời từ đâu?

Năm 2010, với chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp, UBND huyện Điện Bàn (cũ) đã cho phép Công ty TNHH Thép Việt -  Pháp đầu tư nhà máy thép tại Cụm công nghiệp Thương Tín 1, phường Điện Nam Đông trên diện tích gần 3ha, vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Theo giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất trong 11 năm đầu và được hưởng một số ưu đãi khác. Năm 2012, khi đi vào hoạt động, nhà máy đã gặp phải  sự phản đối của người dân do ô nhiễm tiếng ồn và bụi khói bay vào khu vực dân cư sinh sống. Từ đó đến nay, nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác động môi trường của nhà máy.  Từ  năm 2013 đến nay có 8 lần Sở TN&MT lấy mẫu các chất thải kiểm tra và tất cả đều đảm bảo môi trường theo quy định. Quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng cho kết quả tương tự. Dù vậy, người dân vẫn không đồng tình với sự tồn tại của nhà máy chủ yếu do ô nhiễm tiếng ồn, mùi khói từ nhà máy phát ra.

  • Xây dựng Nhà máy thép Việt - Pháp tại Thạnh Mỹ: Chờ sự đồng thuận từ người dân!
  • Công bố kết quả kiểm tra tình hình ô nhiễm ở nhà máy thép Việt Pháp
  • Người dân chặn đường vào nhà máy thép Việt Pháp
Nhà  máy thép Việt - Pháp tại phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.H
Nhà máy thép Việt - Pháp tại phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.H

Năm 2014, xuất phát từ nhu cầu phát triển đô thị, xây dựng thị xã Điện Bàn, UBND huyện xét thấy nhà máy thép nằm trong Cụm công nghiệp Thương Tín 1 gần khu dân cư không còn phù hợp với quy hoạch, nên huyện đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp với  Công ty TNHH Thép Việt - Pháp khảo sát lựa chọn địa điểm để di dời nhà máy.  Như vậy chủ trương di dời nhà máy này đã có cách đây hơn 2 năm, nhưng theo bà Võ Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt - Pháp, sở dĩ di dời chậm là do doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, thời gian sản xuất, kinh doanh ngắn chưa thể thu hồi vốn; đồng thời những kiến nghị về hỗ trợ, bồi thường chưa được địa phương đáp ứng.  Theo  ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, ngoài Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp tại Cụm công nghiệp Thương Tín còn có 11 cơ sở, doanh nghiệp khác trên địa bàn  cũng thuộc diện di dời ra khỏi khu dân cư.

Có hay không nước thải nhà máy đổ xuống hạ lưu?

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: ”Không có chuyện ô nhiễm môi trường như  đồn thổi”
Quan điểm nhất quán của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là không chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá mà để lại hậu quả cho môi trường. Với Nhà máy thép Việt - Pháp, làm gì có chuyện xả nước thải ra sông, ra suối, gây ô nhiễm nguồn nước ở hạ lưu? Trước đây, chúng ta kêu gọi họ đầu tư để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn. Bây giờ địa  điểm không còn phù hợp với quy hoạch, phải vận động họ di dời. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm vận động, hỗ trợ doanh nghiệp. Di dời là việc phải làm, tất yếu như vậy. Vấn đề là sau chủ trương của UBND tỉnh, các ngành chức năng và nhà máy phải khẩn trương hoàn thiện mọi thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật, mới cho phép khởi công xây dựng. Đồng thời nhà máy phải tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt chẽ việc này.

Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT cho hay, cuối tháng 9 vừa qua, đơn vị đã mời các chuyên gia có uy tín về lĩnh vực môi trường thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) dự án đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp với quy mô 180 nghìn tấn/năm tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ. Kết quả, các chuyên gia đều thống nhất thông qua TĐMT. Ông Viễn cũng cho biết, việc đưa nhà máy lên vị trí thôn Hoa - thị trấn Thạnh Mỹ là hợp lý nhất, bởi nơi đây chính quyền huyện Nam Giang đã quy hoạch cho phát triển công nghiệp. Ngoài nhà máy này còn có Nhà máy sản xuất xi măng Thạnh Mỹ.

Phó Giám đốc Sở TN&MT, bà Lê Thị Tuyết Hạnh thông tin thêm, nguyên liệu chính mà nhà máy sử dụng là sắt thép phế liệu để nấu, hoàn toàn không sử dụng quặng. Về công nghệ, nhà máy dùng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải. “Nước thải sản xuất chủ yếu làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại, hoàn toàn không thải ra môi trường, sông suối. Nước cấp vào  nhà máy là nước ngầm khai thác từ các giếng khoan và từ khe suối gần khu vực dự án, tuy nhiên khối lượng không nhiều vì chủ yếu để làm mát thiết bị. Hai nguồn ô nhiễm chính của nhà máy là bụi và khí thải, nhưng quá trình thẩm định dự án các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ” - bà Hạnh khẳng định.

Tại địa phương, theo ông Chơ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang, khi triển khai thực hiện chủ trương của UBND tỉnh,  huyện Nam Giang đã mời  16 hộ dân thuộc diện giải tỏa, di dời trong phạm vi dự án xuống tận nhà máy thép tại Điện Bàn để tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất; sau đó, mời đại diện nhà máy và các ngành chức năng đến UBND huyện để thuyết minh, báo cáo chi tiết về công nghệ, khả năng gây ô nhiễm môi trường cho các hộ dân và cán bộ chủ chốt của huyện. “Kết quả, các hộ dân đều ký cam kết đồng ý di dời. Địa phương phấn đấu từ nay đến cuối năm, sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng bàn giao cho dự án”- ông  Chơ Rum Nhiên khẳng định. Cũng theo ông Nhiên, lãnh đạo nhà máy đã cam kết sử dụng thường xuyên 300 lao động, trong đó người địa phương chiếm hơn 80% tổng lao động khi nhà máy đi vào sản xuất.

TRẦN HỮU

Tái chế thép hoàn toàn không xả nước thải ra ngoài
Để nắm thêm những thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng công nghệ  ở Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp,  PV Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ  Hồ Tấn Quyền - Phó Tổng thư ký Tổng hội cơ khí Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí tự động hóa tỉnh Quảng Nam. Ông Quyền quả quyết rằng, quy trình, công nghệ tái chế sản phẩm phôi thép ở Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp chỉ sử dụng nguồn nước tuần hoàn làm mát sản phẩm, hoàn toàn không xả ra sông Bung, sông Vu Gia. Một số phương tiện truyền thông phản ánh gần đây còn ví von đầu tư nhà máy thép ở thượng nguồn sông là “Formosa Quảng Nam” là không nắm bản chất của dự án là gì. Quy trình công nghệ sản xuất khác nhau trời vực.

P.V:Điểm khác nhau đó là gì, thưa ông?

Tiến sĩ Hồ Tấn Quyền:  Trước tiên tôi khẳng định, Nhà máy thép Formosa bản chất sản xuất quặng mỏ sắt, qua công đoạn xử lý thành quặng thô, sử dụng lò cao nung nấu, bổ sung than cốc, đá vôi và các phụ gia khác. Quá trình xử lý ra gang lỏng sau đó thổi ôxy vào, cuối cùng ra sản phẩm phôi thép và gang. Công nghệ xử lý phức tạp, cần lượng nước lớn để sản xuất nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt nguồn nước. Ngược lại, Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp bản chất là tái chế sắt thép phế liệu. Nguyên liệu vào đã có sắt thép. Bình quân 1,05 tấn sắt phế liệu sau khi qua công nghệ nấu luyện thép (bằng điện) sẽ cho 1 tấn thép. Nguyên liệu vào chỉ sắt thép chứ không có bất cứ loại gì, quá trình tái chế sắt thép toàn bộ bằng điện.

P.V: Công nghệ mà Nhà máy thép Việt - Pháp sử dụng cũ kỹ, lạc hậu không?

Quy trình sản xuất tại Nhà máy thép Việt - Pháp:
Sắt thép phế liệu gang -> Xử lý phế liệu -> Nạp phế liệu ->Nấu luyện (lò trung tần) -> Lò trung gian -> Máy đúc liên tục -> Phôi thép -> Hệ thống con lăn dẫn -> Máy cán thô -> Máy cán liên hoàn -> Sàn làm nguội -> Thép thành phẩm.

Tiến sĩ Hồ Tấn Quyền: Hoàn toàn ngược lại. Công nghệ nhà máy này sử dụng là cảm ứng điện từ trung tần. Có thể hình dung khi đưa một khối kim loại vào một từ trường biến thế, xuất hiện dòng điện tạo phôi thép nóng chảy. Cho nên công nghệ này chỉ tiêu hao điện thôi; còn nước chỉ làm mát sản phẩm, hoàn toàn không tham gia quá trình sản xuất.  Đây là công nghệ tiên tiến nhất tính đến thời điểm này.  Minh chứng là nếu dùng công nghệ điện trở cũ thì để có 1 tấn sắt tốn gần 1.200kWh, trong khi dùng cảm ứng điện từ trung tần chỉ tiêu hao điện năng khoảng 650 - 700kWh. Nói chung công nghệ cảm ứng điện từ trung tần hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường, ít tạo ra các chất khí độc.

P.V: Vậy nguồn ô nhiễm của dự án này là gì, thưa ông?

Tiến sĩ Hồ Tấn Quyền: Tôi khẳng định lần nữa, do nước dùng để lọc tuần hoàn sử dụng lại, nằm trong hệ thống làm mát sản phẩm nên không phải lo về nước thải ra môi trường. Ô nhiễm chính chủ yếu là khí thải, bụi nhưng với quy trình xử lý qua nhiều công đoạn, nồng độ ô nhiễm nằm dưới ngưỡng cho phép.

P.V:Xin cảm ơn ông!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

TRẦN HỮU