Thu hút đầu tư vào công nghiệp
Trong 5 năm qua, ngành công nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình có những bước phát triển mạnh, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 24,61%.
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp - thương mại & dịch vụ Thăng Bình, trong 5 năm qua, địa phương đã thu hút được 13 doanh nghiệp đầu tư hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp làm ăn trên địa bàn là 23 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 5 nghìn lao động địa phương. Sản phẩm chính của công nghiệp Thăng Bình là may mặc, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm - thủy - hải sản. Ngoài 4 cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết là Hà Lam - Chợ Được, Kế Xuyên - Quán Gò, Nam Hà Lam và Bình Hòa, các doanh nghiệp ngoài cụm công nghiệp cũng ổn định, hiệu quả như Công ty CP may Hòa Thọ Quảng Nam, các cơ sở sản xuất gạch tuynen (Bình Lãnh, Bình Nguyên, Bình Quý), tiếp tục thu hút lao động địa phương, phát triển nền kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Định hướng phát triển công nghiệp huyện Thăng Bình từ nay đến năm 2020 là mời gọi doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển công nghiệp trên cơ sở gắn quy hoạch ngành với quy hoạch vùng, tạo tính đồng bộ và tương tác lẫn nhau. Thăng Bình đang phối hợp với các ngành của tỉnh để quy hoạch mở rộng khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) đến xã Bình Sa và Khu công nghiệp Đông Quế Sơn (Quế Sơn) đến xã Bình Phục, Bình Giang cũng như lập hồ sơ bổ sung để đề nghị UBND tỉnh nâng cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được lên thành khu công nghiệp. Huyện tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến sâu, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm, hải sản, may mặc, công nghiệp phụ trợ cơ khí, điện tử...
Theo UBND huyện Thăng Bình, định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2020 là chú trọng phát triển theo chiều sâu, hiện đại hóa từng bước sản xuất công nghiệp, phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tạo ra giá trị tăng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, yêu cầu của xuất khẩu. Huyện tạo mọi điều kiện, cùng doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng trong và ngoài cụm công nghiệp; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết, nâng cao tỷ lệ lắp đầy tại các cụm công nghiệp phấn đấu đến năm 2020 đạt hơn 70%.
Ông Phan Phước Đồng - Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp - thương mại & dịch vụ Thăng Bình cho biết, trước mắt huyện tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng như đường, điện, cấp thoát nước, xử lý môi trường, tạo sự kết nối liên thông các phân khu chức năng trong nội bộ cụm công nghiệp; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng nhanh gọn, thuận lợi cho các nhà đầu tư. Huyện xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương; xác định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp với doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho quản lý cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, huyện còn áp dụng cơ chế đặc thù của tỉnh và trung ương để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; tạo quỹ đất sạch, phát triển nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ liên quan đến công nghiệp.
VIỆT QUANG