Nỗ lực cứu vãn nghề muối
Nỗ lực tự cứu mình của diêm dân Tam Hòa (Núi Thành) đang gặp thuận lợi khi mới đây chính quyền địa phương đề xuất với huyện triển khai quy hoạch nghề muối nhằm phát triển bền vững, ổn định đời sống người dân.
Sản xuất sạch hơn
Chúng tôi trở lại các cánh đồng muối của xã Tam Hòa sau một ngày cơn dông bất chợt kéo đến khiến nhiều diêm dân khốn đốn. Ở làng muối thôn Bình An và Hòa Bình, nhiều diêm dân đang đắp lại bờ ruộng, kéo nước mặn rửa sạch bụi đất do dông gió đưa đến. Người dân tỉ mỉ kéo bạt, đóng cọc, phân chia lại từng ô ruộng muối hôm qua còn đang thu hoạch dở dang. Nắng như cháy lưng mà từng nhóm người cắm cúi làm việc như không màng đến sự khắc nghiệt của thời tiết. “Tôi làm muối trên tổng diện tích 9 sào. Từ đầu vụ đến nay đã thu hoạch được 25 tấn muối. Hôm qua trời dông, gió đùng đùng kéo đến, không trở tay kịp, muối đang kết tinh đến hồi thu hoạch bị hỏng nhiều. Chừ sửa sang lại ruộng muối rồi kéo nước mặn vào, sản xuất tiếp. Phải lao động thật đều tay, muối sạch mới bán được” - ông Võ Đăng Ghi (thôn Bình An) nói.
Ông Võ Đăng Ghi bên muối thu hoạch được. Ảnh: N.Q |
Theo ông Ghi, niềm vui đang đến với diêm dân, giá muối sau hồi xuống thấp đã trở lại, ổn định dần khi tư thương đến ruộng mua với giá 900 đồng/kg. Ông Ghi dự tính, đến cuối vụ sẽ thu được hơn 50 tấn muối, bán được khoảng 45 triệu đồng, trừ chi phí có thể lãi hơn 30 triệu đồng. “Muốn có muối sạch, chúng tôi đầu tư mua bạt, lót hết các diện tích đất làm muối, đảm bảo vệ sinh. Nguồn nước mặn phải đảm bảo trong sạch thì hạt muối mới tinh, trắng” - ông Ghi cho biết.
Sản xuất muối là nghề truyền thống của diêm dân xã Tam Hòa. Nghề này lắm thăng trầm, có thời gian hầu hết đất làm muối chuyển thành hồ tôm. Sau khi nuôi tôm bết bát, diêm dân lại đầu tư làm muối. Mấy năm qua, tưởng nghề này không còn khi có một số dự án xin phép đầu tư, chuyển diện tích làm muối sang hoạt động công nghiệp nhưng chưa thành. Vài năm qua, diện tích sản xuất muối của diêm dân xã Tam Hòa ổn định ở mức 13ha nhưng hiện tại, chỉ còn một nửa. Bấp bênh đầu ra trong thời gian qua đã khiến một số diêm dân nản lòng, chuyển sang đi phụ hồ, đi biển hoặc vào nhà máy, xí nghiệp công nghiệp làm công nhân. Để ổn định sản xuất, các diêm dân còn lại đã góp vốn, đầu tư hệ thống thủy lợi, dẫn nguồn nước biển về rồi phân tỏa ra các ruộng bằng ống nhựa khép kín để đảm bảo chất lượng nguồn nước. Quy trình sản xuất muối của diêm dân cũng chặt chẽ hơn, đặc biệt là độ kết tinh của muối. Họ chờ muối khô đến 5 - 7 ngày mới thu hoạch để muối rắn chắc. Nhờ không lẫn tạp chất, có độ mặn lớn, chất lượng cao nên muối có đầu ra ổn định hơn.
Quy hoạch làng muối
Ông Nguyễn Quang Diệu - Chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho rằng, nghề muối được người dân địa phương gắn bó và đem lại lợi nhuận nên xã tạo điều kiện để họ sản xuất thuận lợi hơn, ổn định thu nhập. Bởi vậy, quy hoạch để sắp xếp lại nghề muối, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch là điều cần thiết. Theo đó, Tam Hòa sẽ tập trung xây dựng cánh đồng muối ở thôn Hòa Bình, huy động diêm dân vào sản xuất tập trung trên diện tích hơn 10ha. “Xây dựng mô hình sản xuất muối sạch tập trung bằng hình thức lót bạt, chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới đến người dân để họ nâng cao hiệu quả lao động, tăng thu nhập là điều cần thiết” - ông Diệu nói. Giải pháp kỹ thuật được UBND xã Tam Hòa nêu ra là trong vùng sản xuất muối, nước biển sẽ được dẫn qua hệ thống thủy lợi, tập trung vào các ô bay hơi. Khi nước biển tích tụ, đạt độ muối khoảng 25% thì dùng bơm để đưa vào hệ thống lắng lọc, xử lý tạp chất. Sau đó, phơi nắng khoảng 7 ngày để đạt muối chất lượng cao.
Theo UBND xã Tam Hòa, khi lập quy hoạch lại nghề muối, địa phương đã tính đến đầu ra cho sản phẩm muối sạch. Theo đó, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tam Hòa (Hợp tác xã Tam Hòa) sẽ thu mua muối của các diêm dân và sơ chế để xuất bán theo các hợp đồng đã ký với các huyện miền núi của Quảng Nam trong thời gian qua. Hiện tại, Hợp tác xã Tam Hòa đang sở hữu nhà máy sơ chế muối, hoạt động với công suất 3 tấn/ngày. Tuy nhiên, thời gian qua, do lượng muối sản xuất tại địa phương không đáp ứng đủ nên Hợp tác xã Tam Hòa phải đi mua muối ở tỉnh Phú Yên về sơ chế, xuất bán. “Địa phương có nghề muối truyền thống mà diêm dân rất gắn bó trong khi đó Hợp tác xã Tam Hòa phải đi mua muối ở một số địa phương thuộc tỉnh Phú Yên về sơ chế, bán lại là rất không nên. Chúng tôi chỉ mong huyện phê duyệt, giải ngân vốn để triển khai nhanh quy hoạch nghề muối, tạo thuận lợi cho diêm dân sản xuất” - ông Diệu nói. Theo UBND xã Tam Hòa, để xây dựng vùng sản xuất muối tập trung ở thôn Hòa Bình, nguồn vốn cần đầu tư khoảng hơn 14 tỷ đồng. Trong đó, Hợp tác xã Tam Hòa và huy động của diêm dân là 30%, vốn vay là 20%, 50% vốn còn lại cần được huyện thông qua và giải ngân.
NGUYỄN QUANG