Thách thức cho đô thị mới
Trở thành thị xã hơn một năm nay, Điện Bàn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận diện thách thức
Sau hơn một năm được công nhận là thị xã, kinh tế của thị xã Điện Bàn tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Sự khởi sắc thể hiện rõ trong xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, thu hút đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ, phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công. Trong đó, điểm nhấn là Điện Bàn cán đích nông thôn mới 2015. Bên cạnh những kết quả đạt được, thị xã cũng gặp nhiều tồn tại như: địa phương chưa có sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng mặc dù có nhiều làng nghề truyền thống; hạ tầng cụm công nghiệp (CN) chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Một trong những nguyên nhân là ngân sách thị xã không có nguồn vốn ứng trước tạo quỹ đất sạch trong các cụm CN đã quy hoạch bài bản. Nằm khu vực ven đô, việc xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm cây trồng còn bỏ ngỏ. Tại vùng đông, nhiều công trình nằm trong số 20 dự án du lịch ven biển còn trong giai đoạn thai nghén. Tiến độ cam kết vạch ra rõ ràng, song một vài nhà đầu tư lúc triển khai thì ì ạch.
Công nhân Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đang thiếu chỗ ở, trường học cho con em công nhân. Ảnh: C.T |
Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc nhận định, mục hạ tầng hiện thiếu về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu dịch vụ xã hội khi Điện Bàn thành thị xã. Đơn cử như lĩnh vực giáo dục, văn hóa phục vụ 5 phường thuộc khu vực vùng cát. Thực tế cho thấy, Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc và một số cụm CN thu hút số lượng lớn lao động từ các vùng trong và ngoài tỉnh về đây sinh sống, tham gia sản xuất. Có công nhân “kéo” cả gia đình tập trung tạm trú, nhiều đôi lứa nên duyên vợ chồng rồi quyết tâm định cư hẳn tại khu vực gần nhà máy, xí nghiệp. Điều ấy đã dẫn đến cơ sở vật chất trường học ở vùng đông hiện nay bị quá tải. Các khu nhà ở cho công nhân, trung tâm thể dục thể thao, công viên sinh hoạt cộng đồng vẫn thiếu. Cơ sở hạ tầng đô thị chưa đồng bộ cũng đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối, cấp thiết nhất là hệ thống mương thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh trên 2 tuyến ĐH8.ĐB, ĐH9.ĐB. Trong lúc đó, tuyến ĐH7 huyết mạch nối ĐT605 đến ĐT607 (tại Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc) chưa có tiền đầu tư phần đường…
Cần thêm nguồn lực
Xác định còn nhiều lĩnh vực cần khơi thông, nhưng trước mắt để xây dựng Điện Bàn đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2020, địa phương đang cần cơ chế tài chính từ cấp trên. Theo đó, lãnh đạo thị xã đã kiến nghị tiếp tục hỗ trợ cơ chế trích lại 70% nguồn thu quyền sử dụng đất thuê có thời hạn nộp tiền một lần, đất các dự án ven biển, đất đô thị... của các dự án trên địa bàn thị xã do tỉnh quản lý và đầu tư. Phần thuộc về tỉnh hưởng 30% trong giai đoạn hiện nay để lại cho Điện Bàn đầu tư giải phóng mặt bằng, san lấp, trồng cây xanh các tuyến đường ven biển. Những dự án nào do thị xã làm chủ đầu tư và quản lý, UBND tỉnh để lại 100% nguồn thu quyền sử dụng đất thuê có thời hạn nộp tiền một lần...
Trước đây, người dân Điện Bàn từng có nguyện vọng được cấp trên đầu tư một dự án động lực mang tính kết nối liên vùng đông - tây. Có thể ĐH7.ĐB nối dài, hay ĐH8ĐB nối dài hoặc đường trục chính đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (kết nối vào 2 điểm đầu của ĐH7.ĐB và ĐH8.ĐB). Cùng với đó, thị xã kiến nghị tỉnh tiếp sức xây dựng trung tâm thể dục thể thao Bắc Quảng Nam; lập dự án đầu tư mới Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu tại phường Điện An. Nhằm đáp ứng tốc độ tăng dân số diễn ra rất nhanh tại các phường vùng đông, tỉnh quan tâm phân bổ có mục tiêu vốn đầu tư xây dựng các trường học. Là một trong những địa phương có số cụm CN được quy hoạch nhiều (sau Đại Lộc) nhưng Điện Bàn đang thiếu nguồn lực để hoàn thiện. Trước những hạn chế trên, UBND tỉnh đề nghị thị xã chủ động làm việc, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhất là các dự án phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ, nhà ở công nhân, y tế, giáo dục. Tạo cơ hội cho các dự án ven biển thực hiện tạo nguồn thu về lâu dài; phối hợp tốt với các chủ đầu tư thực hiện nạo vét sông Cổ Cò; phát triển nông nghiệp đô thị với chương trình chăn nuôi tập trung, trồng trọt sản phẩm chất lượng cao.
Có thể thấy, vấn đề nội lực mới là tiền đề tháo gỡ khó khăn, tạo bước đột phá cho Điện Bàn. Tại buổi tiếp xúc cử tri vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh, muốn Điện Bàn đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2020, các cấp, các ngành liên quan phải đặt ra hàng loạt mục tiêu để thực hiện. Trong đó, địa phương tiếp tục đầu tư cho một số xã để phấn đấu trở thành phường; giữ vững và nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt được ở các xã nông thôn mới. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Phan Minh Dũng cho hay, đề cương “Dự án bảo tồn và phát triển cây tre; khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm để phát triển du lịch sinh thái nhằm cải thiện bền vững điều kiện sống của cư dân thị xã Điện Bàn theo hướng tăng trưởng xanh” đã được địa phương xây dựng. Đơn vị tư vấn đang hoàn thiện đề án tiền khả thi.
CÔNG TÚ