Chọn lựa nhà đầu tư chất lượng
Rất khó có đủ mọi cơ chế, chính sách, nguồn lực và tất cả điều kiện để giải quyết những khó khăn cho bài toán phát triển. Nhưng lựa chọn nhà đầu tư chất lượng để rộng đường khai phóng vùng đông là một lựa chọn có tính quyết định của Quảng Nam.
Làn sóng đầu tư mới
Vùng đông Quảng Nam lâu nay còn nhiều khó khăn mặc dù được đánh giá có đủ tiềm lực phát triển kinh tế. Không ít nhà đầu tư tìm đến và để lại những dự án đầu tư dang dở, những bức tường thành bỏ hoang, mọc đầy cỏ dại. Thiếu một con đường liên thông và cách trở đò giang được xác định là trở lực chính để vùng đông phát triển. Không thể đứng nhìn tiềm lực ngủ yên, chính quyền Quảng Nam đã đi đến một quyết định có tính phiêu lưu “bắc cầu qua sông Thu Bồn” trước nguồn lực hạn hẹp. Nỗ lực tự thân cùng với sự vận động từ các nguồn lực trung ương, cầu Cửa Đại đã nối nhịp, thông suốt theo con đường cứu hộ vào đến Tam Kỳ, Núi Thành. Con đường mơ ước này dự kiến sẽ chính thức thông tuyến vào ngày 24.3 năm nay, một làn sóng đầu tư mới cũng đã xuất hiện trên vùng đất này từ nhiều tháng qua.
Khu công nghiệp Tam Thăng đang sôi động đầu tư xây dựng. Ảnh: T.DŨNG |
Ông Lê Vũ Thương - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai nói, khó có thể hình dung trước tốc độ phát triển nhanh chóng ở khu vực này. Chỉ chưa đầy 12 tháng, hàng loạt nhà máy đã mọc lên giữa trảng cát mênh mông. Không chỉ dệt may Panko được đầu tư ở Tam Thăng (Tam Kỳ), nhiều công ty khác cũng đã thông báo tuyển dụng nhân công phục vụ nhà máy. Ông Thương cho biết nhiều dự án cam kết đúng tiến độ, chuẩn bị cho một chu trình sản xuất mới bắt đầu trong một vài tháng nữa. Ở Núi Thành, nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô thuộc Khu công nghiệp Tam Hiệp và Tam Anh trên nền tảng sự lan tỏa, kết nối Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải đã sẵn sàng phát động từ chính năng lực tài chính và chiến lược chiếm lĩnh thị trường của Thaco. Khu vực Tây Sơn Tây (Duy Hải, Duy Xuyên), nhà đầu tư dự án Nam Quảng Nam đã khởi động những hạng mục đầu tiên. Đường giao thông, điện chiếu sáng nội bộ và trung tâm điều hành dự án đã dần lộ diện trên những trảng cát.
Các nhà thầu đang thảm nhựa những đoạn cuối cùng cho ngày thông tuyến đường cứu hộ cứu nạn đến Tam Kỳ. |
Theo UBND tỉnh, những dự án đầu tiên đầu tư trên vùng đất này là những dự án chất lượng, mạnh về khả năng tài chính. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng ưu tiên đặt ra trong kế hoạch ngắn hay dài hạn vẫn là thu hút có chọn lựa nhà đầu tư công nghệ cao, có tiềm năng phát triển để bảo đảm môi trường. Chọn cách thu hút bằng những dự án, nhà đầu tư chất lượng là một sự thay đổi lớn. Có thể với những dự án đó, Quảng Nam vẫn nằm trong tình trạng gia công, nhưng đã ở mức cao hơn với hàm lượng công nghệ cao hơn thay vì những mối hàn mang danh công nghệ. Tất cả điều này thể hiện sự lựa chọn dứt khoát cho tương lai Quảng Nam: tăng trưởng mọi mặt trong hiện tại vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa.
Chọn dự án khả thi
Không gian phát triển vùng đông nam Quảng Nam khoảng 45.000ha đã được “ấn định” dành cho 6 chương trình, dự án trọng điểm. Tuy nhiên, sự lựa chọn được cho là dứt khoát này không phải lúc nào cũng thuận chiều khi “lịch sử thu hút đầu tư” đã từng để lại hệ lụy. Quảng Nam đã từng thu hút đầu tư bằng mọi giá, bất chấp năng lực tài chính nhà đầu tư đã khiến nhiều mảnh đất đắc địa dọc biển bị cắt nhỏ, phân lô… dẫn đến tình trạng không ít nhà đầu tư cố tình găm, giữ đất chờ ngày sang nhượng hoặc góp vốn liên doanh. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, không cần phải thu hút đầu tư bằng mọi giá. Đất bỏ hoang không ai làm gì nhưng khi đụng tới là có chuyện. Thiếu quản lý khoa học, chặt chẽ đã dẫn đến nhiều sự cố tranh chấp. Bài học rõ nhất là giải tỏa quốc lộ 1 và đường cao tốc. Vì vậy cần xác lập rõ ràng về chủ quyền sử dụng đất. Tại sao rất nhiều năm qua, con số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho dân vẫn quá ít ỏi so với thực tế?
Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thừa nhận quỹ đất vùng đông biến động không bình thường. Thực tế, việc quản lý đầu tư, giải phóng mặt bằng đang khó. Nguyên nhân chính là sự phối hợp về quản lý lãnh thổ chưa chặt chẽ. Sự xem xét hồ sơ pháp lý vùng đông không rõ ràng, vướng mắc nhất là không xác định được cụ thể ranh giới, hiện trạng đất đai. Chỉ khoảng 50% được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan tư vấn có giỏi đến mấy nhưng địa phương không hợp tác thì không thể làm gì được. Chính quyền cần bố trí một khoản kinh phí nhất định để giải phóng mặt bằng trước. Nếu không thì lại liên tục vướng, gỡ mãi sẽ không xong.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng cần phải có luận cứ rõ ràng về việc chọn khu vực này đầu tư theo các dự án đã định. Đã là dự án động lực thì không cần nhiều dự án mà hơn hết là đánh giá lại thực trạng các dự án. Không thể xây dựng cơ chế đặc thù cho cả vùng. Chỉ có cơ chế cho từng dự án cụ thể, bởi địa phương không thể đặt ra luật chơi riêng. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai nói, phát triển 3 nhóm dự án công nghiệp ô tô, dệt may và Nam Hội An là ưu tiên hàng đầu. Tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD triển khai toàn bộ dự án Nam Hội An sẽ không thay đổi. Cơ quan này đã xác minh rất kỹ năng lực các nhà đầu tư, cho thấy họ có đủ tiềm lực tài chính để rót vốn và thực hiện thành công dự án.
TRỊNH DŨNG