Cuộc "rượt đuổi" đầu tư
Tìm vốn đầu tư hạ tầng để thúc đẩy các dự án đầu tư vào vùng đông nam vẫn là điều khó khăn khi nguồn lực ngân sách hạn hẹp. Đầu tư cái gì, vào đâu... để tạo động lực phát triển là bài toán không dễ có câu trả lời.
Nhiều… nhưng chưa đủ
Có thể nhìn thấy sự thay đổi khá nhanh ở vùng đông nam Quảng Nam trong thời gian gần đây. Không chỉ sự hiện diện của con đường Thanh niên ven biển hay đường cứu hộ, cứu nạn nối thông Hội An đến Tam Kỳ, những tuyến đường giao thông khác như những lát cắt kết nối vùng ven biển với quốc lộ 1, giúp miệt biển không còn như “ốc đảo cô đơn” giữa nguồn tài nguyên tiềm tàng đợi ngày khai phóng. Theo UBND tỉnh, hiện trên dọc vùng đông nam Quảng Nam đã có đến 45 dự án, công trình hạ tầng quan trọng được đầu tư với tổng kinh phí 6.447 tỷ đồng. Số kinh phí này đã tạo thêm sinh khí sôi động cho vùng đất này bằng sự nhộn nhịp trên hệ thống luồng, cảng biển Kỳ Hà; các khu dân cư, khu tái định cư, các nhà máy xử lý môi trường… đã mọc lên trên vùng cát đầy nắng gió. Tuy nhiên, tốc độ đầu tư hạ tầng vùng đông nam hiện vẫn không mạnh vì thiếu nguồn lực đầu tư. Đồng bộ là cái đích đến cuối cùng của bất cứ bài toán đầu tư hạ tầng nào, nhưng tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ vẫn là bài học nhãn tiền. Một phần do trình độ tư vấn, thiết kế kém, không tính toán được đầy đủ hạng mục và chi phí cần thiết của công trình, phải mất thời gian bổ sung, điều chỉnh. Khó khăn giải phóng mặt bằng nên xu hướng chủ đầu tư chọn là cắt khúc dự án, giải tỏa đến đâu giao nhà thầu làm đến đó, dẫn đến sự kết nối còn hạn hẹp…
Hạ tầng cảng Tam Hiệp sẽ được tiếp tục đầu tư. Ảnh: T.D |
Hạ tầng vùng đông nam chưa đủ độ hấp dẫn để kêu gọi đầu tư. Nếu các doanh nghiệp trong nước mong muốn được hưởng lợi và trông chờ vào những tác động từ ưu đãi về thuế, cải thiện môi trường pháp lý, thì khối doanh nghiệp nước ngoài trông chờ nhiều nhất vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng và đó cũng là lý do, đồng thời là sức ép lớn nhất của khối này khi thương thảo với chính quyền, trước khi quyết định có mở rộng đầu tư hay không. Trong các hội nghị xúc tiến đầu tư, những yếu kém trong hệ thống cơ sở hạ tầng, chậm trễ xây dựng cầu đường, đường liên tỉnh, cảng biển và các hạ tầng trên đất liền có liên quan là những vấn đề được nêu ra nhiều nhất. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng sẽ không để tình trạng manh mún hay dở dang, tiếp tục điệp khúc “đợi vốn”. Chính quyền tuyên bố chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải. Không thể để nỗ lực hay cam kết phát triển rồi cũng quay trở về cái vòng luẩn quẩn, dàn trải, manh mún vì thiếu nguồn lực.
Gian nan tìm vốn đầu tư
Theo kế hoạch, chính quyền Quảng Nam sẽ phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành tuyến đường bộ ven biển nối Đà Nẵng - Tam Kỳ - sân bay Chu Lai, các tuyến đường ngang nối quốc lộ 1 với vùng ven biển. Không chỉ vậy, cây cầu vượt quốc lộ 1 tại Tam Hiệp, nạo vét luồng cảng Tam Hiệp để đón tàu 20.000DWT, phấn đầu đưa sản lượng hàng hóa qua cảng Kỳ Hà và cảng Tam Hiệp đạt 5 triệu tấn/năm và xúc tiến đầu tư sân bay Chu Lai… cũng sẽ được xây dựng. Ngoài ra, cũng sẽ đưa vào một số khu du lịch cao cấp ven biển tại Duy Xuyên, Thăng Bình, bắt đầu hình thành và phát triển khu đô thị Nam Hội An. Cơ quan quản lý dự báo đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xuất khẩu sẽ chiếm 30% và khu vực năng động này sẽ chiếm đến 65% thu ngân sách Quảng Nam.
Để có được kết quả khả quan này, nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật để hỗ trợ cho các chương trình, dự án trọng điểm vùng đông nam sẽ lên đến 8.508 tỷ đồng cho 5 năm đến. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, với trách nhiệm được giao, cơ quan này sẽ không chờ đợi, sẽ chủ động, tích cực vận động, vận dụng, triển khai tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tranh thủ các nguồn vốn, các chương trình mục tiêu vốn ngoài kế hoạch, vốn tín dụng và kêu gọi cộng đồng, xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng… Mục tiêu sẽ tạo ra nhiều lợi thế so sánh cho các nhà đầu tư. Ông Diện kiến nghị UBND tỉnh có cơ chế tài chính ổn định hàng năm trên cơ sở trích lại từ nguồn thu phát sinh tại Chu Lai để đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, thống nhất chủ trương cho vay vốn tồn ngân, vốn ngân hàng phát triển, tổ chức tín dụng…
Tham vọng đầu tư hạ tầng hoàn thiện để thúc đẩy cơ hội tăng trưởng khu vực này là điều không bàn cãi, nhưng do vốn đầu tư cho hạ tầng rất lớn, chính quyền địa phương sẽ không đủ nguồn lực để đầu tư như ý định. Mặc dù cơ quan quản lý phân tích sẽ tìm nguồn từ ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ, ngân sách địa phương, vốn ODA, vốn vay ADB và vốn của các nhà đầu tư, nhưng chắc chắn việc tìm kiếm nguồn không phải là điều dễ dàng! Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, việc cân đối tài chính hợp lý cho năm 2016 đã hết. Nếu có cơ chế để lại toàn bộ cho Chu Lai thì còn gì ngân sách Quảng Nam? Vay tồn ngân kho bạc cũng chỉ được 1 năm, còn vay ngân hàng thì lãi suất cao… Quan trọng là chưa biết tìm nguồn trả nợ từ đâu. Theo ông Chín, tiến độ giải phóng mặt bằng hay đầu tư hạ tầng theo dạng cuốn chiếu. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, nguồn lực yếu nên cần tập trung vốn cho các công trình thiết yếu. Đường Đà Nẵng - Chu Lai phải hoàn thành dứt điểm. Trước mắt vẫn là việc tìm vốn cho hạ tầng sắp xếp dân cư. Cần đeo bám các cơ chế chính sách trung ương, tỉnh. Nếu không thì không đủ lực để phát triển. Định hướng tiến tới việc tìm vốn là từ vượt thu, tăng thu và dùng quỹ đất để tái đầu tư.
TRỊNH DŨNG