Ứng xử với nợ ngân sách

TÙY PHONG 30/12/2015 08:42

Lịch sử đầu tư đã để lại hệ lụy khó giải quyết nên cần một hành động cụ thể, dứt khoát trong việc làm sạch nợ (kể cả nợ ưu đãi đầu tư vượt trội) hiện nay.

Có thể nói sự khác biệt lớn của đầu tư xây dựng cơ bản năm 2015 chính là khả năng tỷ lệ giải ngân sẽ đạt đến 100% khi kết thúc niên độ ngân sách. Thành công này một phần nhờ vào kế hoạch phân bổ sớm, thời tiết thuận lợi, các ban quản lý, chủ đầu tư đã chuyên nghiệp, điều tiết, điều chỉnh kịp thời tiến độ giải ngân… Nhưng có một lý do cũng quan trọng không kém là Giám đốc Kho bạc Nhà nước toàn quyền xử lý, chế tài, xử phạt các chủ đầu tư, nhà thầu nợ tạm ứng kéo dài. Nếu nhà thầu chậm hoàn ứng sẽ chịu phạt, còn nếu nhà thầu gửi hồ sơ tới chủ đầu tư đúng quy định, nhưng chủ đầu tư xem xét hồ sơ có hợp lý hay không nhưng ngâm quá lâu, vượt thời gian quy định thì chính chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm và chịu phạt tiền. Toàn bộ tiền bị phạt này sẽ được lấy từ tiền cá nhân của những người vi phạm.

Chế tài trách nhiệm cá nhân vi phạm (lấy tiền túi bỏ ra nộp phạt) có thể được xem là một cách làm mới nhằm chấm dứt nạn tạm ứng kéo dài nhiều năm không giải quyết được. Nhưng hiện tại nhiều công trình chưa có khối lượng để thanh toán còn khá lớn, nhất là khoản nợ tạm ứng từ năm 2010 trở về trước đến nay vẫn chưa thể thu hồi được hay nợ thuế ưu đãi đầu tư vẫn luôn đặt trên bàn nghị sự. Nhiều chủ đầu tư đã gửi đơn xin xóa nợ các nhà thầu, tư vấn đã giải thể, nhưng không ai đủ thẩm quyền để xử lý. Câu chuyện nợ tạm ứng không thể thu hồi luôn nóng trên các cuộc họp. Không ít ý kiến chất vấn gay gắt rằng ai sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ không thể thu hồi này. Còn lời giải thích suốt mấy năm nay của chủ đầu tư hay ban quản lý là số nợ đọng không thể thu hồi thuộc về các dự án, gói thầu đã ngừng thi công, một số đơn vị tư vấn, nhà thầu đã giải thể… không thể tìm ra địa chỉ. Ngay những bản án đã được thi hành vẫn không thể xác định được tài sản và không biết kêu ai tới tòa. Những câu hỏi và trả lời đều không đi đến một kết cục cụ thể nhiều năm qua, cho dù ai cũng biết “sự cố” này thực sự là khoảng trống của việc buộc lỏng quản lý ngân sách.

Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và nhiều văn bản khác đã được công bố sẽ tạo thêm kỷ cương ngân sách và chắc chắn không một ai dám hoặc muốn để nhận nợ về mình. Tuy nhiên, lịch sử đầu tư đã để lại hệ lụy khó giải quyết nên cần một hành động cụ thể, dứt khoát trong việc xử lý số nợ này khi chủ đầu tư hay ban quản lý tuyên bố “bó tay”. Chắc chắn sẽ phải có cách để xử lý vì không thể quy trách nhiệm được cho một ai trong hiện tại. Vì thế, cần một ứng xử cấp bách để làm sạch nợ (kể cả nợ ưu đãi đầu tư vượt trội). Không thể để treo mãi trên các báo cáo và cuộc họp nào cũng đem ra mổ xẻ mà không đi đến kết quả cuối cùng.

Quảng Nam chuẩn bị bước vào sân chơi toàn cầu mới mẻ, lớn hơn và nguồn lực ngân sách hạn hẹp nên không thể chấp nhận cách làm thiếu kỷ cương như thực tế đã bày ra. Không bàn đến chuyện đúng hay sai nữa, bởi tất cả là chuyện đã rồi. Vấn đề quan trọng là siết kỷ cương ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu lực đầu tư công. Lỗ hổng pháp lý hay quản lý cần được khắc phục, bằng không các hoạt động giám sát của các cơ quan quản lý sẽ chẳng đem lại kết quả đáng kể trong chuyện quản lý ngân sách!

TÙY PHONG

TÙY PHONG