Thu ngân sách năm 2016: Giảm bớt phụ thuộc
Chuyển tư duy quản lý sang phục vụ doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu, đẩy mạnh tăng thu, bù chi là “sứ mệnh” đặt ra cho năm 2016.
Không dễ dự báo nguồn thu
HĐND tỉnh chính thức quyết định dự toán tổng thu ngân sách nhà nước năm 2016 là 13.845 tỷ đồng (tăng 8,1% so với ước thực hiện 2015) và tổng thu ngân sách địa phương khoảng 16.701 tỷ đồng, bằng 94% so ước thực hiện năm 2015. Thu nội địa được ấn định khoảng 8.795 tỷ đồng, tăng 9,9%. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chiếm áp đảo với 6.240 tỷ đồng (khoảng 71%). Tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng thu ngân sách khu vực này vẫn tiếp tục phụ thuộc vào Tập đoàn sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai – Trường Hải (KIA và MAZDA) khi chỉ riêng 2 doanh nghiệp này đã chiếm tới 73,5% tổng thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, khoảng 55,3% tổng thu nội địa (trừ thu sử dụng đất) với 4.590 tỷ đồng. Ba khu vực còn lại (doanh nghiệp nhà nước trung ương, địa phương và FDI) và thuế bảo vệ môi trường, thu tiền sử dụng đất và thuê đất nộp một lần chỉ “khiêm tốn” chiếm 29% tổng thu nội địa.
Thu ngân sách hiện của Quảng Nam vẫn chủ yếu dựa vào tăng trưởng của ô tô Trường Hải. Ảnh: T.DŨNG |
Con số ấn định này được cho là thấp, chưa bảo đảm quy định của trung ương, nhưng Quảng Nam cũng không còn cách nào khác hơn. Hiệu quả của thu đủ, thu đúng, chống thất thu dựa vào sức khỏe doanh nghiệp. Dù đã tính toán, đưa ra khá nhiều biện pháp, nhưng rất khó có thể định lượng được phát sinh kinh tế, năng lực sản xuất, tiêu thụ của thị trường vốn trồi sụt bất ngờ…, không dễ dự lường con số thuế thu theo kế hoạch “tương đối chính xác”. Hiện các chỉ số vĩ mô như tăng trưởng tín dụng, số doanh nghiệp giải thể vẫn lớn, tồn kho tiếp tục tăng cao, cho thấy nền kinh tế Quảng Nam vẫn chưa vượt thoát khó khăn. Ngân sách đang dựa vào những yếu tố mang tính ngắn hạn, nhưng nhiều xu hướng khác cũng đang tác động đến nguồn thu. Thuế suất thuế nhập khẩu đang giảm theo lộ trình giảm thuế khi ký kết các hiệp định thương mại tự do... Đó là chưa kể các khoản viện trợ không hoàn lại, nguồn trái phiếu chính phủ cũng đang chiều hướng giảm, trong khi nguồn chi trả nợ ngày càng gia tăng.
Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính thừa nhận chỉ tiêu thu ngân sách phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ ô tô du lịch, kinh doanh ổn định và đạt mức tăng trưởng của 2 công ty Chu Lai – Trường Hải. Tuy nhiên, nguồn thu này sẽ chịu tác động rất lớn theo lộ trình cắt giảm thuế quan của AFTA, khả năng sẽ giảm sút. Nếu dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được thông qua (có hiệu lực từ ngày 1.7.2016), có thể sẽ “hụt” khoảng 750 tỷ đồng từ việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe ô tô có dung tích xi lanh từ 2.000cm3 trở xuống. Khó có nguồn thu nào khác để bù đắp. Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế cho rằng lẽ ra ngân sách có thể có thêm nguồn thu từ những gói thầu vài trăm tỷ đồng từ xây dựng vãng lai hay khai thác khoáng sản. Số thu của công trình Đông Trường Sơn có thể bằng thu phát sinh kinh tế của huyện Hiệp Đức hơn một năm rưỡi hay cấp quyền khai thác khoáng sản gia tăng nhưng không ai buộc đóng thuế tại Quảng Nam nên không thể thu được thuế…
Huy động nguồn lực từ doanh nghiệp
“Mệnh lệnh” tăng thu để giảm bớt gánh nặng bội chi ngân sách đã được ban bố, nhưng chắc chắn là điều không hề dễ dàng. Lệ thuộc quá nhiều vào năng lực sản xuất, tiêu thụ ô tô chưa hẳn là điều tốt. Sự thiếu bền vững này chỉ rõ thu ngân sách chưa thực sự bắt nguồn từ năng lực nội sinh của nền kinh tế Quảng Nam. Việc tháo nút từ khu vực sản xuất, nơi tạo ra của cải cho nền kinh tế chính là mấu chốt phát triển nhưng hiện tại chưa có chính sách gì hiệu quả để gia tăng đều ở các khu vực. Chỉ cần một ít sự thay đổi trong sản xuất, chuyển hướng đầu tư hay ảnh hưởng của thuế, phí (điều này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không thể dự lường được) thì e rằng Quảng Nam sẽ gặp khó khăn về nguồn chi trả hay đầu tư hạ tầng, khi chưa tìm được nguồn thu thay thế. Ông Nguyễn Tiến – Chủ tịch HĐND huyện Núi Thành nói chỉ riêng Núi Thành vượt đến 450 tỷ đồng, tự cân đối được thu chi, nhưng nguồn thu chính, ngay cả nhập khẩu vẫn là ô tô Trường Hải, chưa có nguồn thu nào đáng kể. Sắp tới khả năng cạnh tranh về giá, thị phần ô tô sẽ quyết liệt hơn. Khả năng sẽ nhập nhiều ô tô hay sản xuất ô tô giảm sút thì việc duy trì sản lượng xe, nguồn thu đóng góp cho Quảng Nam sẽ giảm sút. Cần một tính toán lâu dài nghiên cứu đầu tư, ổn định nguồn thu, chủ động ngân sách.
Giảm bớt sự phụ thuộc, có lẽ là chuyện đang được chính quyền tính toán, cân nhắc, không chỉ mang tính ngắn hạn khi đưa ra các chính sách trong tương lai. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói hiện tại Quảng Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Không tính toán kỹ các tác động trực tiếp sẽ bị hụt thu, khả năng “vỡ trận ngân sách” năm 2016. Chính quyền sẽ ban hành văn bản riêng về thu thuế vãng lai từ các nhà thầu và khai thác khoáng sản. Quảng Nam đang rất cần huy động nguồn lực từ doanh nghiệp. Khu vực này tạo ra giá trị công nghiệp lớn nhưng đang gặp khó khăn nên cần cơ quan quản lý hỗ trợ, bởi cứu doanh nghiệp đồng nghĩa với cứu cả hàng ngàn con người và cứu cả ngân sách. “Đồng hành doanh nghiệp phải thực sự chuyển nhận thức từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp. Nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách thì sẽ tạo hạ tầng kinh tế làm vốn mồi thu hút đầu tư. Mọi cơ chế, chính sách đều phải hướng tới tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân làm ăn” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
TRỊNH DŨNG