Vì sao chuyển nguồn?
Theo Sở Tài chính, năm 2015 chưa kết thúc niên độ, các ngành, địa phương, các chủ đầu tư đang giải ngân các nguồn kinh phí nên chưa thể xác định được số chuyển nguồn sang năm 2016. Tuy nhiên, dự kiến sẽ có một số nguồn kinh phí phải chuyển sang năm 2016, dự kiến khoảng 2.360 tỷ đồng.
Không phải bây giờ tình trạng chuyển nguồn mới xảy ra. Có rất nhiều việc chuyển nguồn do nhiệm vụ chi không đúng hoặc nhiệm vụ chi đúng mà thực hiện sai nguyên tắc dẫn đến tạm ứng treo. Có thể thủ tục xây dựng cơ bản nhiêu khê, thẩm tra dích dắc, dẫn đến khó, chậm triển khai. Thậm chí con số chuyển nguồn lớn như vậy nhưng không có tiền vì không thanh toán nên phải ghi chuyển… Tuy nhiên, không ít người vẫn ngạc nhiên khi số liệu chuyển nguồn ngày càng gia tăng và con số chuyển nguồn có thể còn biến động hơn nữa (chuyển từ năm 2012 sang 2013 khoảng 1.857 tỷ đồng - sang năm 2014 là 1.763 tỷ đồng - sang năm 2015 là 2.169 tỷ đồng và dự kiến từ 2015 sang 2016 là 2.360 tỷ đồng). Giám sát của HĐND tỉnh cho thấy nhiều khoản chi đạt rất thấp như chi sự nghiệp kinh tế, môi trường chưa tới 50%. Việc bố trí kinh phí thực hiện một số nghị quyết HĐND tỉnh chưa được chú trọng. Một số nghị quyết sắp hết thời hạn hiệu lực nhưng tỷ lệ bố trí ngân sách vẫn còn quá thấp, nhiều khoản kinh phí chi thường xuyên đã bố trí trong dự toán được HĐND tỉnh phê duyệt nhưng đến nay chưa phân bổ… Sở Tài chính thừa nhận rằng nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh chỉ mới sử dụng 16,22/134,704 tỷ đồng, nhiều khoản kinh phí đầu tư chậm được phân bổ (20 tỷ đồng chương trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn vẫn chưa phân bổ, chương trình phát triển và bảo vệ rừng bền vững 29 tỷ đồng, xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh 870 triệu đồng) và kinh phí sự nghiệp hỗ trợ thoát nghèo bền vững, bảo trợ xã hội, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền điện hộ nghèo… đã không được cấp đến người dân đúng như kế hoạch. Công luận có thể đặt câu hỏi có phải vì vốn không được phân bổ kịp thời nên mới xảy ra tình trạng chuyển nguồn quá lớn?
Cho dù cơ quan quản lý đã giải trình, biện bạch với lý do rằng hợp lý theo nguyên tắc tài chính nhưng con số chuyển nguồn quá lớn, khiến công luận không thể yên tâm hay hài lòng trước những lý giải. Tất cả đều hiểu một điều rằng chuyển nguồn tức là “tiền đã được bố trí mà không xài hết” hoặc cho rằng tạm ứng chưa hoàn ứng hay thanh toán kịp là điều khó để minh chứng cho việc điều hành tài chính ngân sách linh hoạt và chuẩn xác được. Không ít phân vân khi chưa có một báo cáo cụ thể, minh bạch về con số chuyển nguồn sẽ được phân loại như thế nào. Cần một phân định cụ thể bao nhiêu nguồn kinh phí từ trung ương đẩy về cuối năm không tiêu được hoặc cho phép thời hạn thanh toán, có thể sẽ không bị mất vì khả năng sẽ thanh toán được. Mấu chốt chính là giám sát dòng tiền hay chấn chỉnh bộ máy trong việc tạm ứng, thanh toán, giải ngân bởi chủ đầu tư, ban quản lý dự án, không ai ngoài các sở, ban, ngành chính quyền địa phương. Một quy trình cụ thể, khắc phục nguyên nhân gây chuyển nguồn, để không còn tái diễn tình trạng năm nào cũng chuyển nguồn quá lớn trong khi nhu cầu đầu tư phát triển hay chi thường xuyên ngày càng thiếu hụt.
TÙY PHONG