Gian nan "cuộc chiến" chống chuyển giá
Kết quả thu ngân sách năm 2015 khá khả quan nhưng áp lực tăng thu để bù đắp thiếu hụt ngân sách ngày càng gia tăng đã buộc cơ quan hành thu đưa ra nhiều biện pháp. Không thể trông chờ vào nguồn tăng thu đột biến như các năm trước, cơ quan thuế và ngay cả thành viên HĐND cũng nêu việc tìm biện pháp chống chuyển giá như là một phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Chưa có con số thống kê chính thức doanh nghiệp báo lỗ hay số thuế phải truy thu từ các cuộc chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI, nhưng những doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, có hoạt động liên kết, hoặc lỗ có dấu hiệu chuyển giá hay doanh nghiệp chuyển nhượng vốn, có số hoàn thuế lớn và doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế đều nằm trong diện này. Khi công bố sẽ có ít nhất khoảng 14,65% số doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra, kiểm tra tại trụ sở, có nghĩa là cơ quan thuế đã tỏ rõ quyết tâm “lập lại trật tự” pháp luật thuế, nhất là câu chuyện chống chuyển giá. Điều này cũng cho thấy cơ quan thuế đã bắt đầu nghi ngờ chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI khi không ít doanh nghiệp báo lỗ hoặc lãi rất thấp nhưng doanh thu hàng năm vẫn tăng, liên tục mở rộng đầu tư và chiếm thị phần xuất nhập khẩu cao trong các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ tại Quảng Nam.
Cục Thuế Quảng Nam cho hay không phải cơ quan này không biết chuyện chuyển giá. Nếu “đánh mạnh” vào khu vực này sẽ có khả năng thu thêm vài trăm tỷ đồng hàng năm, nhưng thực tế không như dự định. Chống chuyển giá phụ thuộc vào kết quả kiểm tra của nhiều yếu tố. Rõ nhất là việc xác định cho được giá trị thực của dây chuyền hay nguyên liệu bảo đảm đầu vào như thế nào thì tầm cơ quan thuế địa phương không thể biết được do không có cơ sở đối chiếu. Khó có thể phát hiện sai phạm ở tài sản cố định hay doanh thu đặc thù vì dấu hiệu lỗ thường rơi vào những sản phẩm không thể đối chiếu. Hiện chỉ có Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan ở nước ngoài để được cung cấp số liệu về giá thành sản xuất rồi mới có thể xác định chuyển giá như thế nào… Chẳng hạn như ngành giày da, có công ty chỉ sản xuất mỗi mũi giày thì không có cách gì đối chiếu! Thực tế đã có không ít cuộc kiểm tra chống chuyển giá đã xảy ra. Cơ quan thuế ra lệnh truy thu, nhưng rốt cuộc không thiếu những mệnh lệnh hành chính được ban ra và số thuế truy thu đã phải hạ thấp xuống. Hiện tại, hằng năm, cơ quan thuế vẫn tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng có lẽ vẫn chỉ là những cuộc thanh tra, kiểm tra thông thường mà chưa thể và chưa đủ cơ sở để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ về chống chuyển giá.
Nguyên tắc và công cụ đã có, cơ quan thuế có thừa quyết tâm để tiến hành những cuộc thanh tra, kiểm tra cụ thể về chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI, nhưng cơ quan quản lý sẽ khó đấu tranh khi biểu hiện chuyển giá ngày càng tinh vi. Không ít doanh nghiệp có hoạt động liên kết có dấu hiệu chuyển giá ưu đãi du lịch sinh thái, thu nhập cá nhân thông qua hoạt động chuyển nhượng vốn thu nhập người nước ngoài, vốn ODA, hợp đồng cho thuê quản lý của các dự án du lịch, ngân hàng nước ngoài… Cơ quan thực thi pháp luật thuế khó có đủ nhân lực, trình độ và khả năng ngoại ngữ để liên lạc, phối hợp với cơ quan thuế nơi công ty FDI hay doanh nghiệp kê khai thu nhập chính tìm ra lỗ hổng né thuế…
NHẬT PHONG