Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn - Bài cuối: Định hình cơ chế hỗ trợ đặc thù

HOÀI NHI 09/10/2015 08:36

Trên cơ sở Nghị định 210 của Chính phủ, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch & đầu tư xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc thù nhằm đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

  • Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn: Nhiều vấn đề đặt ra - Bài 2: Nỗ lực "kéo" nhà đầu tư
  • Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn - Bài 3: Còn nhiều khoảng trống
  • Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn - Bài 1: Đánh thức tiềm năng
  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI

Những “phác họa” ban đầu

Ông Đoàn Ngọc Minh - Trưởng phòng Hợp tác đầu tư (Sở Kế hoạch & đầu tư) cho biết, theo dự thảo cơ chế này, ngoài việc áp dụng Nghị định 210 của Chính phủ, căn cứ vào điều kiện đặc thù của tỉnh, sẽ ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ cho các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu tư vào 9 lĩnh vực trọng yếu. Theo đó, đối với dự án DN liên kết với người dân có đất để sản xuất thì tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho người dân thông qua hợp đồng liên kết. Còn đối với dự án mà người dân góp vốn bằng diện tích đất được cấp quyền sử dụng đất vào DN để sản xuất thì hỗ trợ 5 triệu đồng/ha cho người tham gia góp vốn bằng đất. Các dự án được hỗ trợ phải bảo đảm những điều kiện như có quy mô đất sản xuất từ 20ha trở lên, lĩnh vực sản xuất thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp - nông thôn, dự án nằm trong quy hoạch được duyệt hoặc chấp thuận cho phép đầu tư của UBND tỉnh…

Dự án nuôi trồng thủy hải sản là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ đầu tư. Ảnh: HOÀI NHI
Dự án nuôi trồng thủy hải sản là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ đầu tư. Ảnh: HOÀI NHI

Nếu DN có dự án sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng trung tâm ươm và sản xuất giống cây trồng, xây dựng trung tâm thực nghiệm để giáo dục nông nghiệp cho học sinh thì được tỉnh hỗ trợ đền bù thiệt hại 100 triệu đồng/ha nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án đối với đất đã được cấp quyền sử dụng cho người dân. Riêng đối với dự án đầu tư vùng sản xuất rau an toàn, xây dựng trung tâm ươm và sản xuất giống cây trồng còn được hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/dự án để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Cạnh đó, hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng, cải tạo đường giao thông trục chính nội đồng, hệ thống thủy lợi, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước của vùng sản xuất tập trung với số tiền không quá 3 tỷ đồng. Các dự án được hưởng hỗ trợ đầu tư phải đảm bảo những điều kiện như có quy mô sản xuất tập trung từ 20ha trở lên, dự án nằm trong quy hoạch được duyệt hoặc chấp thuận cho phép đầu tư của UBND tỉnh…

Nếu DN có dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp thì được hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án để xây dựng hạ tầng về điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị. Trong trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào thì ngoài mức hỗ trợ trên còn được hỗ trợ thêm 70% chi phí nhưng không quá 3 tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục vừa nêu. Những dự án được hưởng hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện là công suất giết mổ một ngày đêm của mỗi dự án phải đạt tối thiểu 100 con gia súc hoặc 1.000 con gia cầm, hoặc 50 con gia súc và 500 con gia cầm…

Cần chỉnh sửa để phù hợp

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của ngành liên quan, chính quyền các địa phương và một số DN nhằm xây dựng hoàn chỉnh cơ chế hỗ trợ đặc thù nêu trên. Tại diễn đàn này, nhiều đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần chỉnh sửa một số nội dung của cơ chế để phù hợp với điều kiện sản xuất ở Quảng Nam. Theo ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, đối với dự án sản xuất rau VietGAP, nên quy định có diện tích từ 10ha trở lên là được hỗ trợ chứ quy định diện tích từ 20ha trở lên là quá cao, các địa phương miền núi không thể thực hiện được. Ngoài ra, cũng nên sửa cụm từ “rau VietGAP” thành “rau, củ, quả VietGAP”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nêu ý kiến: “Theo tôi, nếu buộc chủ dự án xây dựng cơ sở giết mổ tập trung phải đảm bảo điều kiện là có công suất giết mổ một ngày đêm đạt tối thiểu 100 con gia súc hoặc 1.000 con gia cầm, hoặc 50 con gia súc và 500 con gia cầm thì không khả thi. Nên chăng, cần xem xét giảm số đầu con xuống, bởi hiện nay ở nhiều nơi đâu dễ gì tìm ra một cơ sở giết mổ có quy mô lớn như thế. Tại những vùng khó khăn như Nông Sơn, điều đó lại càng không thể”.

Đối với dự án xây dựng cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông - thủy sản, nhiều đại biểu đề nghị nên quy định mỗi dự án có doanh thu hàng năm khoảng 30 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động thì được hưởng cơ chế hỗ trợ, thay vì quy định có doanh thu mỗi năm từ trên 50 tỷ đồng đến dưới 80 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 100 lao động như trong cơ chế dự thảo. Ngoài ra, nếu buộc chủ dự án sử dụng 60% lao động tại địa phương là quá cao, nên chăng hạ tỷ lệ này xuống còn 30%...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cơ bản thống nhất với những đề xuất nêu trên. Đồng thời yêu cầu cơ quan soạn thảo đưa phần hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng trung tâm thực nghiệm để giáo dục nông nghiệp cho học sinh ra khỏi cơ chế đặc thù này. Cạnh đó, nên bổ sung thêm phần hỗ trợ cho dự án nuôi trồng thủy hải sản ở những vùng ven sông chứ không nhất thiết khu biệt tại hồ thủy lợi, thủy điện. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng nên nghiên cứu bổ sung phần hỗ trợ cho những dự án đầu tư xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ của ngư dân vào cơ chế này. Trước những ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là các tổ hợp tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói: “Cơ chế này chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Còn đối với tổ hợp tác thì sắp tới tỉnh sẽ có cơ chế riêng”.

HOÀI NHI

HOÀI NHI