Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn - Bài 3: Còn nhiều khoảng trống
Mấy năm gần đây, Quảng Nam thu hút nhiều dự án trọng điểm của quốc gia, qua đó khẳng định là một trong những điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp. Song, mục tiêu đầu tư hướng vào nông nghiệp - nông thôn vẫn còn khoảng trống rất lớn và đang vấp phải nhiều trở ngại.
Những vướng mắc
Không thể phủ nhận, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn trên địa bản tỉnh đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương và là động lực để xây dựng thành công nông thôn mới. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi. Ông Dương Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Quế Sơn cho biết, cái khó trong thu hút đầu tư là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất cho doanh nghiệp rất lớn, trong khi đó nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, huyện luôn thiếu vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu một cách đồng bộ. Ông Hoàng nói: “Quế Sơn không được thiên nhiên ưu đãi về đất đai để phát triển nông nghiệp, thực tế là phần lớn diện tích đất lúa vẫn còn rất manh mún, năng suất thường đạt thấp. Nhưng khi chuyển đổi sang phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thì vướng phải quy định của Chính phủ về quản lý nghiêm ngặt diện tích đất sản xuất lúa. Ví dụ như ở xã Quế Cường và Quế Thuận hiện có nhiều cánh đồng canh tác lúa nằm sát tuyến ĐT611 phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời, những năm gần đây nông dân thường bỏ hoang hoặc sản xuất kém hiệu quả. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đến đặt vấn đề thuê số diện tích đất lúa đó để đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp nhưng địa phương không thể chấp thuận”.
Nhiều doanh nghiệp đang mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ở Duy Xuyên, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động. Ảnh: HOÀI NHI |
Một số ý kiến khác cho rằng, thủ tục hành chính từ khâu quy hoạch, xúc tiến đầu tư, thỏa thuận địa điểm, tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt dự án… vẫn còn quá rườm rà. Điều này khiến không ít doanh nghiệp nản lòng. Cạnh đó, năng lực hiểu biết, trình độ nhận thức của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế, mang nặng tư tưởng tiểu nông, ôm đàn giữ đất, không chịu cấp đất cho nhà đầu tư trong khi đó quá trình canh tác gặp muôn vàn khó khăn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng liên tục xuống cấp, nhất là hệ thống đường giao thông ở nhiều nơi nhỏ hẹp và hư hỏng nặng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn. Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên, địa phương hiện thiếu hụt hàng nghìn lao động có tay nghề. Một số doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất và cần tuyển dụng 4.700 lao động nhưng ở địa phương khó đáp ứng, đó là chưa kể những doanh nghiệp lớn khác đã nhận bàn giao mặt bằng và đang tiến hành triển khai xây dựng nhà máy. Dự kiến, đến đầu năm 2016 thêm nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo lãnh đạo một số địa phương, các chính sách đã ban hành trong những năm qua chưa đủ lực để thu hút doanh nghiệp về nông thôn. Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào khi họ quyết định đầu tư thì vấn đề lợi nhuận thường đặt lên hàng đầu nhưng khi hướng vào nông nghiệp - nông thôn thì phải đối mặt với nhiều rủi ro, thời gian thu hồi nguồn vốn bỏ ra tương đối dài. Mặt khác, thị trường luôn biến động, sức mua yếu, trong khi cả đầu vào lẫn đầu ra cho sản phẩm hàng hóa đều gặp khó. Không chỉ vậy, trình độ lao động có tay nghề còn thiếu và yếu, nguồn nguyên liệu không ổn định, cộng với chi phí vận tải luôn ở mức cao. Chất lượng các mặt hàng nông sản vẫn còn nhiều điều phải cân nhắc. Cạnh đó, mô hình liên kết 4 nhà gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông còn lạc lõng, thiếu chặt chẽ dẫn đến việc nhà nông thu hoạch nông sản xong thì chẳng thấy bóng dáng đơn vị thu mua đâu. Rồi vấn đề tiếp cận các chính sách, hỗ trợ lãi suất, vốn vay lại không hề đơn giản do vướng phải nhiều thủ tục. Việc đổi mới dây chuyền sản xuất và ưu tiên ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ của khoa học công nghệ trong khâu chế biến, thu hoạch vẫn chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng mức…
Thiếu bền vững
Nhờ vào những cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng với nguồn nguyên liệu dồi dào mà những năm qua các doanh nghiệp về địa bàn nông thôn Quảng Nam đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy, phân xưởng nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa vì thua lỗ và đẩy người nông dân vào tình cảnh điêu đứng. Còn nhớ cách đây không lâu, Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân (huyện Đại Lộc) tuyên bố vỡ nợ tạo nên cú sốc lớn đối với chính quyền và người dân. Nhà máy này ra đời và đi vào hoạt động tháng 4.2011, thuộc dự án sản xuất xăng sinh học thân thiện với môi trường bằng công nghệ cao lớn nhất Việt Nam. Nhưng đến cuối năm 2012, nhà máy chính thức ngừng hoạt động vì nợ nần chồng chất khiến hàng loạt hộ dân ở Quảng Nam và Tây Nguyên gặp khó khăn, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Hay như Nhà máy Đường Quảng Nam được đầu tư xây dựng với tổng số vốn 200 tỷ đồng, đóng chân trên địa bàn xã Hương An, huyện Quế Sơn. Chỉ sau 5 năm hoạt động, nhà máy đường này cũng đóng cửa vì thua lỗ 123 tỷ đồng. Doanh nghiệp phá sản khiến hàng nghìn hộ dân trồng mía ở khắp nơi lao đao và những dự án lớn về phát triển vùng nguyên liệu mía phục vụ cho nhà máy đường của không ít địa phương cũng tiêu tan.
Còn cách đây chỉ vài tháng, nhiều nông dân ở huyện Duy Xuyên phải ngậm đắng nuốt cay khi Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa “bỏ chạy”, để lại hơn 100 tấn lúa giống hàng hóa AC5 và Thảo dược VH1. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ đông xuân 2014 - 2015 ngành nông nghiệp và một số hợp tác xã trên địa bàn Duy Xuyên đứng ra liên doanh, liên kết với doanh nghiệp này sản xuất 56ha giống lúa AC5 và Thảo dược VH1, tập trung ở 3 xã Duy Hòa, Duy Phước, Duy Sơn. Nếu tính năng suất bình quân đạt 50 - 55 tạ/ha thì với chừng đó diện tích, nông dân sẽ thu về ít nhất 2,2 tỷ đồng. Nhưng khổ nỗi, thu hoạch xong nhà nông chờ mãi mà chẳng thấy công ty đến thu mua sản phẩm. Khi các cơ quan báo chí phản ánh thì giám đốc doanh nghiệp cùng 2 kỹ sư chuyên môn mới xuất hiện và đi kiểm tra chất lượng giống ở từng hộ dân nhưng rốt cuộc họ chỉ thu mua 1/3 tổng sản lượng. Chính điều này đã đẩy các hợp tác xã lâm vào cảnh khó khăn về mặt tài chính do trước đó đã đứng ra đảm bảo khâu dịch vụ thủy lợi, cung ứng vật tư phân bón đầu vào và thu hoạch với số tiền chi phí mỗi sào khoảng 1,3 triệu đồng. Đặc biệt là qua sự việc này người dân đã mất niềm tin vào doanh nghiệp.
Quảng Nam vẫn là một tỉnh nông nghiệp, các loại nông sản làm ra rất phong phú, phù hợp với từng vùng miền. Song, để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm, các cấp chính quyền cần định hình cơ chế hỗ trợ rõ ràng để doanh nghiệp gắn bó lâu dài, bền vững hơn.
HOÀI NHI
Bài cuối: Định hình cơ chế hỗ trợ đặc thù