Nới lỏng tín dụng

TÙY PHONG 26/08/2015 09:28

Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 13 - 15% không còn là chuyện khó. Khả năng tỷ lệ tăng trưởng này sẽ được điều chỉnh tăng để khơi thêm dòng vốn đổ vào nền kinh tế thực chất và hiệu quả hơn.

Tăng trưởng nhanh và thực chất

Lãi suất huy động liên tục giảm nhưng sức hút vốn nhàn rỗi từ khu vực dân cư của các ngân hàng thương mại vẫn ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Nam, tổng huy động vốn đến cuối tháng 7.2015 đã đạt 23.027 tỷ đồng, tăng 11,4% so với đầu năm. Không chỉ tiền gửi tiết kiệm là nguồn chủ đạo, đạt mức tăng trưởng cao (tăng 11,18% so với đầu năm) mà huy động từ tiền gửi thanh toán của các tổ chức kinh tế cũng đã tăng 8,2%. Nguồn vốn VNĐ tăng khá cao, chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của nguồn vốn dài hạn (trên 12 tháng).

Sự gia tăng vốn đã giúp cho các ngân hàng thương mại chủ động sử dụng vốn hiệu quả, dù có làm tăng thêm chi phí sử dụng vốn. Hiện 14 tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng trên 10%, 3 TCTD tăng trưởng dưới 10%, 8 TCTD tăng trưởng âm và 1 TCTD mới hoạt động trong tháng 7.2015 là Ngân hàng TNHH Indovina - Chi nhánh Hội An. Trừ Ngân hàng Cathay giảm 23,83%, tăng trưởng tín dụng mạnh nhất thuộc về khối các ngân hàng thương mại cổ phần (26,83%), khối ngân hàng thương mại nhà nước (5,9%), Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - xã hội Quảng Nam tăng 3,37% và các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tăng 1,57%. Vốn tín dụng đầu tư phát triển kinh tế tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước và so với những năm gần đây. Tính đến cuối tháng 7.2015, tổng dư nợ cho vay khoảng 28.510 tỷ đồng, tăng 6,58%, đạt 89,96% so với kế hoạch các TCTD đề ra cho năm 2015.

Tín dụng đã đổ nhiều vào khu vực sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển. TRONG ẢNH: Sản xuất cói ở vùng đông Duy Xuyên. Ảnh: T.P
Tín dụng đã đổ nhiều vào khu vực sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển. TRONG ẢNH: Sản xuất cói ở vùng đông Duy Xuyên. Ảnh: T.P

Dư nợ tín dụng được đổ khá nhiều vào đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các lĩnh vực ưu tiên, khiến dư nợ cho vay các chương trình này tăng trưởng liên tục trong vòng 7 tháng qua. Theo ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Nam, kết quả tăng trưởng tín dụng khá tốt này là nỗ lực lớn của ngành ngân hàng Quảng Nam trong việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Nhiều chương trình tín dụng như kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cho vay phát triển thủy sản, cho vay thí điểm theo mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã phát huy tác dụng khi bơm vốn ra thị trường. Nguyên nhân khác được tính đến là cùng với những chương trình, cơ chế tháo gỡ khó khăn sản xuất, hỗ trợ thị trường, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng… đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong mấy tháng qua. Tuy nhiên, ông Diện cũng cho hay, nhu cầu vốn doanh nghiệp tăng, sản lượng sản xuất ngày càng nhiều, nhưng sức tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn hiện vẫn tăng chậm, dẫn đến hàng tồn kho còn khá cao. Do đó, mặc dù sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp tăng nhưng vẫn tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hoạt động tín dụng.

Tiếp tục khơi dòng vốn

Theo nhìn nhận của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam, khác với nhiều năm trước, năm 2015, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khả quan từ những tháng đầu tiên. Không dừng lại ở kế hoạch 13% hay 15%, các TCTD tại Quảng Nam đã đăng ký kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2015 đến 18,48%, tức dư nợ đến cuối năm đạt mức 31.692 tỷ đồng. Tỷ trọng tăng trưởng tín dụng chiếm cao nhất thuộc khối ngân hàng thương mại cổ phần (39,04%), ngân hàng thương mại nhà nước (14,26%), ngân hàng chính sách - xã hội (8%), ngân hàng Cathay 11% và các quỹ tín dụng nhân dân 11,79%. Hiện có 17/25 ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng tín dụng trên 15% (13 ngân hàng đăng ký tăng trên 20%), có 8/25 ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng đến 15%. Với tỷ lệ dư nợ đạt 89,96% so với kế hoạch hiện tại, dự kiến đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng 13 - 15%. Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tăng chỉ tiêu này lên 17% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo nhiều điều tra về thị trường, thời điểm cuối năm sẽ gia tăng sức hấp thụ vốn từ doanh nghiệp. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng cao là dấu hiệu tích cực cho sản xuất công nghiệp trong một vài tháng tới. Trong khi đó, hầu hết ngân hàng thương mại tại Quảng Nam đều cam kết mở rộng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và tiếp tục hướng vốn về các lĩnh vực ưu tiên. Điều đó có nghĩa thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, nợ xấu được kiểm soát và vốn sẽ được khơi thông chảy vào thị trường nhiều hơn. Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Quảng Nam cho hay giới ngân hàng đã có những bước tiến dài về giảm lãi suất cho vay. Vốn ngân hàng đã đi đúng hướng, trọng tâm khi tập trung cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho công nghiệp phụ trợ… Các doanh nghiệp hầu như không gặp khó khăn nào về tiếp cận vốn.

Mối quan tâm của ngân hàng hiện thời không phải là ở con số phần trăm tăng trưởng tín dụng mà là năng lực quản lý rủi ro, hóa giải kịp thời những nguy cơ, tháo gỡ nhanh chóng những nút thắt cho nền kinh tế của ngân hàng. Họ quan tâm đến chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đến nơi cần hơn là con số tăng trưởng nhiều hay ít. Tốc độ cung tiền khoảng 13 - 15% là mức tăng trưởng được cho là tối ưu, giúp nền kinh tế địa phương đạt đến mức tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng năm 2015 có đạt cao hay không phụ thuộc vào chính sức khỏe của nền kinh tế và doanh nghiệp, chứ không còn phụ thuộc vào sự quyết định của ngân hàng như trước đây. Ông Nguyễn Văn Diện cho rằng cùng với việc tăng trưởng tín dụng, tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế Quảng Nam, các giải pháp tín dụng sẽ được triển khai để nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực dễ dẫn tới hiện tượng đầu cơ, gây bất ổn thị trường…

TÙY PHONG

TÙY PHONG