Sức bật trên đất nghèo

NGUYỄN SỰ 20/08/2015 09:07

Những năm gần đây, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nên lĩnh vực kinh tế của huyện Nông Sơn đã có bước chuyển biến rõ nét. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và tạo ra diện mạo mới ở nông thôn.

Nhiều lao động nữ có việc làm ổn định tại cơ sở may Mai Trung. Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều lao động nữ có việc làm ổn định tại cơ sở may Mai Trung. Ảnh: VĂN SỰ

Nông - lâm kết hợp

Bà Trương Thị Tuyết - chuyên viên Phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, mỗi vụ nông dân trên địa bàn huyện sản xuất khoảng 1.100 - 1.200ha lúa. Nhằm giúp nhà nông nhanh chóng nâng cao năng suất, những năm qua chính quyền các địa phương và ngành liên quan đã nỗ lực thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp. Theo đó, bên cạnh việc tập trung chuyển giao rộng rãi các phương thức thâm canh mới và du nhập hàng loạt loại giống lúa có tiềm năng cho sản lượng cao về gieo sạ đại trà thì từ năm 2010 tới nay, Nông Sơn đặc biệt chú trọng đến việc thi công kết cấu hạ tầng thủy lợi. Nhờ vậy nên thời gian qua năng suất lúa của Nông Sơn liên tục tăng mạnh. Nếu cách đây 5 năm năng suất lúa bình quân toàn huyện chỉ đạt 45 tạ/ha thì nay đã hơn 53 tạ/ha.

Những năm qua, nông dân nhiều nơi của huyện Nông Sơn đã chọn cây keo nguyên liệu làm hướng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ. Ông Nguyễn Hồng Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết, mấy năm gần đây tại địa phương có rất nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ mô hình trồng rừng nguyên liệu. Ông Danh nói: “Hiện nay toàn xã Phước Ninh có hơn 200 hộ dân tham gia trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 720ha đất. Hàng năm người dân tiến hành khai thác khoảng 220ha, thu về ít nhất 11 tỷ đồng”. Nhờ tích cực thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng nên thời gian qua 13.000ha đất trống, đồi trọc đã được người dân 7 xã của huyện Nông Sơn phủ xanh bởi những rừng keo lai. Trong số diện tích vừa nêu thì mỗi năm nhân dân khai thác bán ra thị trường 1.500 - 2.000ha, thu về 75 - 100 tỷ đồng.

Theo dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 Nông Sơn đặt ra những chỉ tiêu chủ yếu sau: phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế khoảng hơn 80%, nông nghiệp dưới 20%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 12 - 14%, trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp 6 - 7%/năm, ngành công nghiệp - xây dựng 11 - 14%/năm, ngành thương mại - dịch vụ 14-16%/năm.

Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, những năm gần đây Nông Sơn rất chú trọng đến việc đầu tư phát triển cây cao su. Tính đến thời điểm này toàn huyện đã trồng được 920ha cao su theo phương thức đại điền và tiểu điền, qua đó góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 3.000 lao động. “Thực tế cho thấy, cao su rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở nhiều nơi của huyện nên mấy năm qua hầu hết vườn cây đều sinh trưởng tốt. Khi đưa số diện tích này vào khai thác mủ, hy vọng đời sống của công nhân cũng như người dân địa phương sẽ khá hơn” - ông Thắng nói.

Những bước chuyển mình

Với đặc thù là huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng còn yếu kém nên việc phát triển mạnh ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đối với Nông Sơn là chuyện không dễ. Tuy nhiên, nhờ tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía, tập trung phát huy tối đa nội lực và đưa ra hàng loạt giải pháp căn cơ nên những năm qua địa phương đã tạo được bước chuyển biến tích cực trên lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Chí Tùng, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Nông Sơn cho biết, nhờ vận dụng tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn nên thời gian qua đơn vị đã tham mưu UBND huyện xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nhiều đề án nhằm giúp các cơ sở làng nghề công nghiệp nông thôn trên địa bàn đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ ở trong và ngoài tỉnh. Ngoài Nhà máy thủy điện Khe Diên và Công ty CP Than - điện Nông Sơn thì tính đến thời điểm này toàn huyện có khoảng 350 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm ổn định cho ít nhất 700 lao động. Trong số cơ sở vừa nêu thì chủ yếu tập trung vào các ngành nghề chính như mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ trầm hương, may gia công, cơ khí, công nghiệp sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm… Năm năm qua giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng của Nông Sơn liên tục tăng mạnh. Nếu năm 2010 tổng giá trị sản xuất toàn ngành chỉ đạt 230 tỷ đồng thì dự kiến năm 2015 này sẽ đạt 369 tỷ đồng. Bình quân hàng năm đạt tốc độ tăng trưởng gần 10%.

Hiện nay huyện Nông Sơn đã hoàn thành việc quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp - thương mại - dịch vụ Nông Sơn tại xã Quế Trung với tổng diện tích hơn 15ha. Sắp tới, bên cạnh việc tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên thì địa phương sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu và ban hành những chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào đây, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ