Hội An: hụt ngân sách, thiếu nguồn lực

TRỊNH DŨNG 03/06/2015 09:00

Du lịch, dịch vụ, thương mại vẫn giữ nhịp điệu tăng trưởng nhưng Hội An đang phải đối mặt với tình trạng nông dân bỏ đất và thiếu hụt nguồn lực đầu tư, kiến thiết thị chính…

Ngân sách giảm sút

Thống kê của UBND TP.Hội An cho thấy chỉ trong vòng 5 tháng qua, đã có khoảng 510.650 lượt khách tham quan phố cổ (tăng 18% so cùng kỳ, khách quốc tế chiếm khoảng 40 - 50%) và doanh thu bán vé đạt 54,087 tỷ đồng (tăng 15,5%). Số lượng khách gia tăng, du lịch, dịch vụ và thương mại luôn giữ nhịp điệu tăng trưởng nhưng thu ngân sách của thành phố lại sụt giảm. Ngày 1.6.2015, chính quyền thành phố công bố tổng thu ngân sách qua những tháng đầu năm khoảng 319,776 tỷ đồng, chỉ đạt 39,9% dự toán. Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay kết quả đấu giá, khai thác quỹ đất những tháng đầu năm khá tốt, cho thấy thị trường bất động sản đã bắt đầu ấm lại, nhưng cũng không thể giúp cho thu ngân sách tăng trưởng, khi chỉ được 68,223 tỷ đồng, mới đạt 33,45% dự toán.

Du lịch, dịch vụ, thương mại luôn giữ nhịp điệu tăng trưởng nhưng thu ngân sách Hội An những năm gần đây đều không đạt kế hoạch như mong muốn. Ảnh: T.DŨNG
Du lịch, dịch vụ, thương mại luôn giữ nhịp điệu tăng trưởng nhưng thu ngân sách Hội An những năm gần đây đều không đạt kế hoạch như mong muốn. Ảnh: T.DŨNG

Bà Trần Thị Tâm - Phó phòng Tài chính Hội An cho biết ngân sách thấp do yến đang chế biến, chưa tiêu thụ sản phẩm nên nguồn thu chỉ có thể xuất hiện ở quý 3 hoặc quý 4 năm nay. Tuy nhiên, số lượng đàn chim yến và sản lượng yến đã sụt giảm đáng kể sẽ khó khăn cho ngân sách. Nguồn khai thác quỹ đất cũng không gia tăng do chưa thu được tiền đất bố trí tái định cư còn nợ của các hộ dân và các đơn vị trúng thầu đấu giá đất vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Nguồn thu để chi xây dựng cơ bản thành phố chủ yếu dựa vào các nguồn thu chính như phí tham quan, lợi nhuận sau thuế từ yến, nguồn khai thác quỹ đất.

Sự sụt giảm thu ngân sách đã kéo theo tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm tháng qua chỉ đạt 15,76% kế hoạch (47,228/374,554 tỷ đồng) được giải ngân. Tỷ lệ giải ngân tất cả nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đều đã đạt quá thấp. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, khai thác quỹ đất, đến yến sào hay nguồn thu đóng góp cơ sở hạ tầng đều chưa vượt tỷ lệ 36%, thậm chí nguồn khai thác cơ bản là quỹ đất để đầu tư chỉ mới có thể giải ngân khoảng 27,442/262,4 tỷ đồng, mới đạt 10,45%.

Thiếu nguồn lực đầu tư

Nếu như du lịch, dịch vụ, thương mại luôn chiếm hàng đầu, giữ độ tăng trưởng ổn định trong cơ cấu kinh tế của TP.Hội An thì nông nghiệp và đầu tư suy giảm đáng kể. Cho dù tổng sản lượng thu hoạch vụ đông xuân của thành phố đã đạt đến 2.523 tấn (394,2ha), năng suất bình quân 64 tạ/ha, cao hơn nhiều so với các cánh đồng lúa khác tại Quảng Nam, nhưng tình trạng nông dân bỏ đất ngày càng có xu hướng gia tăng. Tình trạng này rất đáng lo ngại bởi những cánh đồng ven đô không chỉ là sinh kế của nhiều người mà còn là cảnh quan, môi trường đô thị để thành phố hướng đến một đô thị văn hóa, du lịch và sinh thái. Bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng phòng Kinh tế Hội An cho hay dân bỏ ruộng ngày càng nhiều. Hiện đã có khoảng 50ha ruộng bị bỏ hoang. Nguyên nhân chính là lực lượng lao động cho nông nghiệp đã giảm và già đi rất nhiều. Sản xuất lúa không hiệu quả, ít thu nhập so với các ngành kinh tế khác bởi thuê máy móc, nhân công tốn nhiều chi phí. Nhiều hộ không còn nhân lực và một số diện tích không thể sử dụng cơ giới hóa được. “Giữ đất không chỉ vì kinh tế mà còn là cảnh quan, môi trường phục vụ du lịch. Chính quyền đang kiếm tìm biện pháp chuyển đổi phương thức canh tác, nhưng không phải ai cũng có thể làm rau. Khuyến khích người dân giữ ruộng thực sự là một bài toán quá khó” - bà Vân nói.

Tại cuộc họp với Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh vào chiều 1.6 vừa qua, chính quyền Hội An công bố đầu tư công của thành phố hàng năm chỉ đạt trên 80%. Nguồn thu để chi xây dựng cơ bản ngân sách thành phố chủ yếu từ phí tham quan, yến sào và khai thác quỹ đất, nhưng số thu này bấp bênh, nhất là nguồn khai thác quỹ đất nên không thể bảo đảm chi cho đầu tư xây dựng cơ bản. Dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đầu tư 112 công trình với tổng mức đầu tư trên 5.204 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 3.578 tỷ đồng và vay nước ngoài 1.656 tỷ đồng), để đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị, kè sông, biển…

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định những dự án đang, sẽ được đầu tư là những dự án cấp thiết. Tất cả để đầu tư, kiến thiết thị chính, gia tăng giá trị cho ngành du lịch, dịch vụ và thương mại. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn lực đầu tư đang là rào cản lớn cho các dự án triển khai. Liệu thành phố có đủ nguồn lực khi phải bảo đảm dành khoảng 70% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong hai năm 2015 và 2016, để bố trí trả nợ khối lượng các công trình xây dựng cơ bản với khoản nợ đến ngày 31.12.2014 là khoảng 331,763 tỷ đồng (ngân sách thành phố 288,727 tỷ đồng, ngân sách tỉnh và trung ương 43,063 tỷ đồng) trước kết quả thu ngân sách không khả quan? Khả năng tất cả dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên thành phố sẽ buộc phải dừng lại vì không đủ vốn…

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG