Liên kết để giữ sâm

TRƯƠNG HUYNH 21/04/2015 10:06

Là loại cây dược liệu cực kỳ quý hiếm có giá bán hơn 30 triệu đồng/kg, sâm Ngọc Linh (còn gọi là sâm K5, sâm trúc) thường xuyên bị nhổ trộm. Trước tình trạng này, những hộ trồng sâm ở xã Trà Linh (Nam Trà My) đã liên kết với nhau  ngày đêm canh giữ, bảo vệ để giúp người Xê Đăng nơi đây yên tâm làm giàu.

Trộm sâm hoành hành

Năm 2006, khi cây sâm Ngọc Linh được ngành y học phân tích có chứa nhiều dược chất saponin quý hiếm bổ dưỡng cho sức khỏe khiến giá trị kinh tế của cây sâm tăng vọt. Cũng chính vì vậy, tình trạng sâm bị nhổ trộm thường xuyên xảy ra. Nhiều gia đình ở xã Trà Linh bị trắng tay khi cả vườn sâm đang vào độ tuổi thu hoạch đã bị kẻ trộm nhổ sạch trong vòng một đêm. Đầu năm 2015, ở  thôn 3 xã Trà Linh lại xảy ra tình trạng mất trộm sâm với số lượng lớn. Đáng nói là những cây sâm bị nhổ trộm đều trồng lâu năm để lấy hạt nhân giống. Theo thống kê của bà con Xê Đăng ở thôn 3, từ đầu năm đến nay có hơn 1 tạ sâm củ bị nhổ trộm gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng cho người trồng sâm.

Càng nhiều hộ gia đình chung sức canh gác thì sâm được an toàn hơn.
Càng nhiều hộ gia đình chung sức canh gác thì sâm được an toàn hơn.

Nguyên nhân là vì thiếu khâu quản lý, bảo vệ. Bởi vì sâm được trồng trên những triền núi cao, dưới tán rừng già và cách nhà dân cả tiếng đồng hồ leo núi dựng đứng. Hơn nữa sâm được trồng theo từng hộ riêng biệt trong rừng sâu nên lực lượng canh giữ, bảo vệ không được thường xuyên. Đây chính là kẻ hở để trộm đột nhập nhổ sâm. Một số hộ còn dùng chông, thò cắm dày đặc quanh vườn để chống trộm nhưng vẫn không khả thi. Nhất là những đêm tối có mưa to, kẻ trộm thường đột nhập nhổ trộm. Do sâm ít rễ, lại mọc sát mặt đất nên nhổ rất dễ dàng. Chỉ cần một tiếng đồng hồ, kẻ trộm có thể nhổ cả tạ sâm. Ông Hồ Văn Lợi người trồng sâm ở thôn 2 xã Trà Linh phân trần: “Mình cắm chông thì trộm nó mang giầy ủng băng qua không bị gì cả. Mình đi giữ sâm nhưng bọn trộm đi “giữ” lại  mình, khi nào thấy vắng người là nó vào vườn nhổ sạch không chừa một cây. Lo lắm”. Nhiều hộ ở thôn 2 đi vay tiền lập vườn trồng sâm chưa kịp thu hoạch đã bị kẻ gian nhổ trộm hết, mất cả chì lẫn chài.

Một gốc sâm trị giá hơn 1 triệu đồng nên nguy cơ mất trộm rất cao. Ảnh: t.Huynh
Một gốc sâm trị giá hơn 1 triệu đồng nên nguy cơ mất trộm rất cao. Ảnh: T.Huynh

Cùng nhau giữ sâm

Trước nạn trộm sâm hoành hành, người dân xã Trà Linh đã liên kết với nhau, phân công người canh giữ, bảo vệ các vườn sâm cả ngày lẫn đêm. Người đầu tiên nên ý tưởng này là anh Hồ Văn Lượng - tỷ phú trồng sâm ở nóc Măng Lùng. Anh Lượng cho biết, năm 2008, khi sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao, anh đầu tư vốn mở rộng vườn sâm và thuê nhân công  ngày đêm chăm sóc. Tuy nhiên, việc thuê người giữ sâm khá tốn kém mà chưa hẳn đã yên tâm nên anh bàn với 6 gia đình trong làng di thực cây sâm về một khu vườn rộng lớn để quản lý bảo vệ tốt hơn. Sau đó dân làng Măng Lùng thấy sáng kiến của anh Lượng mang lại hiệu quả thiết thực nên cùng tham gia “câu lạc bộ” giữ sâm. Do đa số các vườn sâm trồng phân tán trong rừng già nên việc phân công quản lý bảo vệ rất khó khăn nên các hộ này đã xây dựng một khu vực rộng lớn đưa sâm về trồng tập trung. Cùng với việc bố trí chông, thò bảo vệ, các hộ này còn đào giao thông hào quanh khu vực trồng sâm để chống trộm và ngăn nước lũ tàn phá sâm. Đội bảo vệ sâm đông người nên việc phân công canh giữ sâm theo hình thức quay vòng khá thuận lợi. Mỗi tốp bảo vệ có 5 - 10 người chịu trách nhiệm canh giữ một tuần. Nếu ai để mất trộm thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Nhờ gắn tài sản với trách nhiệm của từng thành viên nên các hộ ở đây đều thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ. Nhờ thế, tình trạng mất trộm sâm đã giảm hản. Khi phát hiện có người lạ vào khu vực trồng sâm, dân làng sẽ phối hợp đẩy đuổi. “Mình làm như vậy vừa đỡ phải tốn tiền thuê người canh giữ mà lại an toàn hơn. Nếu bắt được trộm vào vườn nhổ sâm sẽ báo cho già làng phạt trâu, heo để trừng trị. Hiện ở một số thôn khác họ cũng làm như chúng tôi. Cây sâm giúp người dân  Xê Đăng làm giàu, không làm tốt công tác bảo vệ thì nghèo mãi thôi” - anh Lượng nói. Cũng theo anh Lượng, khi quy hoạch trồng sâm tập trung, các hộ có thể giúp nhau trong việc chăm sóc, làm cỏ. Một số hộ khi tham gia còn được người khác hỗ trợ giống để cùng nhau mở rộng diện tích sâm. Nhờ cây sâm đem lại hiệu quả kinh tế rất cao nên các tổ tự quản sâm còn đầu tư lắp hệ thống điện thủy luân để chiếu sáng ban đêm và đầu tư các thiết bị cảnh báo cảm biến nhiệt nhằm chống trộm đột nhập. Hiện nay, trên thị trường sâm tươi có giá 20 - 40 triệu đồng/kg. Đa số sâm trồng ở Măng Lùng đều trên 10 năm tuổi, một củ sâm nặng gần một lạng. Nếu kẻ trộm đột nhập vào vườn sâm nhổ trộm thì gây thiệt hại rất lớn cho người trồng sâm. Vì vậy, việc cùng nhau góp sức canh giữ vườn sâm của bà con đã ngăn chặn được tình trạng trộm cắp sâm.

Còn về lâu dài, trong lộ trình phát triển vùng sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My cũng đã có phương án xây dựng lực lượng đặc biệt, do Công an huyện phụ trách, có nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt những khu vườn trồng sâm nhằm giúp cho người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển cây dược liệu quý này.

TRƯƠNG HUYNH

TRƯƠNG HUYNH